ĐHQH Hoàng Văn Cường: Bên ngoài khó mà bên trong lại cũng 'thắt' khiến doanh nghiệp càng thêm khó khăn

Hạ An 10:23 | 20/07/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, bên ngoài bối cảnh thế giới khó khăn, doanh nghiệp mất thị trường, đơn hàng nhưng bên trong dường như lại càng 'thắt' về thanh tra, kiểm tra, nhiều thủ tục hành chính cồng kềnh, quản lý chồng chéo,... khiến doanh nghiệp không biết phải làm sao.

Nêu những khó khăn với doanh nghiệp và kiến nghị, giải pháp tại  Diễn đàn "Phát triển kinh doanh: Tháo gỡ khó khăn tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức sáng 19/7, các đại biểu đều cho rằng, hiện doanh nghiệp đều gặp khó khăn chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây.

Doanh nghiệp gặp khó khăn khá toàn diện, tức khó khăn chung tới các nhóm ngành, không riêng nhóm doanh nghiệp nào.

Bên ngoài khó, bên trong lại cũng thắt gây khó khăn cho DN

Ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khoá XV, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá, trong khi bối cảnh thế giới bên ngoài khó mà bên trong lại cũng “thắt”. Bên ngoài thị trường, đơn hàng sụt giảm nhưng bên trong nhiều vấn đề kiểm soát khiến doanh nghiệp không biết phải làm sao.

Ông nhấn mạnh, trong khi đầu vào không quá khó khăn như giai đoạn trước, nhiều chính sách tài khoá được ban hành nhưng doanh nghiệp vẫn rất khó khăn. Vì vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn này, cần nới lỏng các vấn đề về quản lý.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. (Ảnh: Hạ An).

“Khi bên ngoài khó khăn chúng ta phải nới lỏng các điều kiện bên trong. Đúng là phải kiểm soát các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhưng trong một mức nào đó nhưng cũng cần thiết phải nới lỏng các điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp từ thanh tra, kiểm tra, thủ tục hành chính,...

Một vấn đề nữa là hiện chi phí bảo hiểm xã hội, công đoàn,… quá cao đang gánh nặng, làm doanh nghiệp phải sa thải bớt lao động trong bối cảnh khó khăn. Do đó, ông Cường nhấn mạnh chúng ta phải phân tích kỹ và tính đến giãn hoãn, thậm chí cắt giảm các chi phí này.

Với vấn đề lãi suất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 4 lần hạ lãi suất, tuy nhiên lãi suất thực đã thấp đối với doanh nghiệp hay chưa? Chính sách lãi suất cần tính đến, còn dư địa trong ngân hàng để hạ lãi suất cho khu vực doanh nghiệp ưu tiên, tránh để tiền chảy vào khu vực đầu cơ. Ông Cường nhận định, chính sách tài khoá cần hướng sang hỗ trợ tốt hơn cho giảm lãi suất vay, tạo sức mạnh hỗ trợ doanh nghiệp.

Với bản thân doanh nghiệp ông Cường lưu ý phải “tự cứu mình” trong bối cảnh khó khăn. Doanh nghiệp phải lựa chọn, lược bỏ những điểm không phải thể mạnh, sử dụng những quy trình, đổi mới mô hình, đặc biệt là chuyển đổi xanh.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định đây là cơ hội để lột xác tự cứu mình. Ông cũng nhấn mạnh tới vấn đề liên kết của các doanh nghiệp. Ví dụ như liên kết trong lĩnh vực du lịch- dịch vụ-hàng không hay nông nghiệp….

Điểm cuối cùng ông Cường lưu ý là vấn đề tự chủ của nền kinh tế. “Chúng ta chưa có sự độc lập của thị trường, các quốc gia đều có các tập đoàn lớn trong nước làm trụ cột của nền kinh tế. Chúng ta cần các doanh nghiệp trụ cột như vậy, để chúng ta có các ngành chủ lực do doanh nghiệp Việt dẫn dắt”, ông Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Cần gạt bỏ những chồng chéo, xung đột trong các luật

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam. (Ảnh: Hạ An).

Những vướng mắc về pháp lý không được giải quyết được do thiếu đồng bộ, chồng chéo, xung đột của hệ thống văn bản pháp luật là vấn đề được ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam nêu ra.

Theo ông Hiệp, tình trạng này khiến nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách đang sụt giảm, nhất là trong lĩnh vực bất động sản. Số lượng dự án triển khai trong năm 2023 giảm cả về số lượng và quy mô. 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư nhà nước tăng 12,6% nhưng vốn tư nhân chỉ tăng 2,4% và khu vực FDI tăng 3,8%.

Vì vậy, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam đề xuất, thứ nhất,  cần có một cơ quan chuyên trách đủ chuyên sâu của Quốc hội rà soát văn bản pháp lý trước khi trình Quốc hội để gạt bỏ những chồng chéo xung đột trong các luật, nhất là giữa Luật Đất đai và các luật khác đang chuẩn bị sửa đổi trong dịp này.

Ngoài ra, các cơ quan soạn thảo cần lắng nghe, tiếp thu các đề đạt, kiến nghị, thắc mắc của các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp trong quá trình xây dựng luật để hoàn chỉnh khung pháp lý, thúc đẩy, động viên các nguồn lực xã hội vào đầu tư phát triển, tạo công ăn việc làm và tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, cần có chính sách cơ chế để khuyến khích kích cầu hợp lý cho toàn bộ nền kinh tế.

Theo Chủ Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chính phủ đã rất quyết liệt điều hành, chỉ đạo hạ lãi suất cho vay về ngưỡng 8%/năm và các giải pháp khoan sức dân như giảm thuế VAT 2%, giảm phí kiểm định phương tiện cơ giới, tăng lương… nhưng cần có thêm những giải pháp cụ thể về miễn giảm, giãn hoãn một số loại thuế phí, nới lỏng chính sách tài khoá, kích cầu tiêu dùng mạnh hơn nữa để tạo tâm lý cho thị trường.

Thứ ba là, cần tập trung kiểm tra, rà soát tháo bỏ mọi rào cản trong môi trường kinh doanh hiện còn rất nặng nề. Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thời điểm hiện nay khi thực hiện rà soát, đánh giá cải cách về điều kiện kinh doanh so với năm 2019 không có chuyển biến tốt hơn.

Các doanh nghiệp bị ách tắc, phiền hà bởi thủ tục hành nghề đăng ký kinh doanh có điều kiện, nhiều thủ tục phát sinh một cách tự phát, thậm chí một số sở ngành địa phương cũng đưa ra những quy định cho các doanh nghiệp phải thực hiện.Những vướng mắc này, thậm chí làm không ít nhà đầu tư nước ngoài e ngại.

Để tháo bỏ những rào cản trong môi trường kinh doanh, cần sớm rà soát lại các quy định đang áp dụng ở mọi ngành kinh tế và kiên quyết cắt bỏ các thủ tục hành chính, nhất là phải quy định cấp thẩm quyền nào mới được đưa ra các quy định để yêu cầu doanh nghiệp thực hiện.