Dịch COVID-19 khiến doanh nghiệp thiếu nguồn cung nguyên liệu sản xuất

14:46 | 27/02/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Theo ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, vướng mắc lớn nhất đối với ngành sản xuất trong nước là nguồn cung nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào.

Thông tin này được Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đưa ra tại cuộc họp  mới đây về tác động của dịch bệnh COVID-19 lên ngành công nghiệp.

Trong báo cáo của Cục Công nghiệp: Do đặc tính phân bổ và liên kết chặt chẽ của chuỗi giá trị toàn cầu khiến ngay cả các quốc gia có nền sản xuất phát triển, tỷ lệ nội địa hóa cao cũng đứng trước nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất trong trường hợp thiếu một số linh phụ kiện để cấu thành nên sản phẩm. Chính vì vậy, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đã bị ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất do dịch bệnh COVID-19 tại Trung Quốc.

Dịch COVID-19 khiến doanh nghiệp thiếu nguồn cung nguyên liệu sản xuất - ảnh 1
 Vướng mắc lớn nhất đối với ngành sản xuất trong nước là nguồn cung nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào.
Cùng với đó, theo ông Trương Thanh Hoài, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam hiện nay phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia khác đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh (Hàn Quốc, Nhật Bản) để phục vụ sản xuất. Trong đó, một trong số những ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất là ngành điện – điện tử. Hiện nay, các doanh nghiệp điện tử chỉ còn đủ lượng linh kiện, phụ kiện phục vụ cho sản xuất khoảng đến giữa hoặc cuối tháng 3/2020.
Bên cạnh đó, dịch COVID-19 còn tác động đến vấn đề lao động và nguồn nhân lực, khó khăn về tài chính và thị trường tiêu thụ. Cụ thể, Trung Quốc, cũng như một số quốc gia đang bùng phát dịch bệnh khác như Hàn Quốc, Nhật Bản là thị trường tiêu thụ lớn đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, da – giày – túi xách, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại di động và linh kiện... “Vì vậy ảnh hưởng của dịch bệnh cũng sẽ tác động đến kim ngạch xuất khẩu và thị trường tiêu thụ ngoài nước của các ngành hàng trên”, ông Hoài cho hay.
Về vấn đề bảo đảm nguồn cung nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào cho sản xuất trong nước, ông Trương Thanh Hoài đề xuất, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương liên quan làm việc với chính quyền các tỉnh, địa phương của Trung Quốc cũng như cấp Trung ương Trung Quốc trong việc xem xét áp dụng hợp lý các biện pháp kiểm soát biên giới có giới hạn trong việc phòng ngừa dịch bệnh để bảo đảm nguồn nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào sản xuất cho các doanh nghiệp công nghiệp trong nước.
Ngoài ra, cần phải có biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc chủ động tìm nguồn cung cấp nguyên phụ liệu thay thế. Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất các nguyên phụ liệu đầu vào cho một số ngành công nghiệp như dệt may, da-giày (các ngành phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu) tăng cường sản xuất để đáp ứng một phần nhu cầu nội địa.
Hiện nay, một số doanh nghiệp FDI đa quốc gia đang phối hợp với Cục Công nghiệp tìm kiếm các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện đủ khả năng sản xuất thay thế nguồn nhập khẩu. Tuy nhiên, do năng lực sản xuất các mặt hàng công nghiệp hỗ trợ trong nước còn thấp, việc kết nối cung ứng cho các doanh nghiệp FDI trong thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn”, ông Trương Thanh Hoài chia sẻ.
Dịch COVID-19 khiến doanh nghiệp thiếu nguồn cung nguyên liệu sản xuất - ảnh 2
 Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.
Chia sẻ những khó khăn cùng với các doanh nghiệp, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, Bộ Công Thương luôn đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và tìm kiếm thị trường. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ đạo Cục Công nghiệp cần phải làm tốt hơn việc đánh giá các khó khăn cũng như đặc thù của từng khu vực doanh nghiệp để từ đó phối hợp cùng các bộ, ngành đưa ra giải pháp đúng và trúng để hỗ trợ doanh nghiệp, bình ổn thị trường trong nước.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, điều quan trọng hơn cả là tác động của COVID-19 với ngành công nghiệp không chỉ trực tiếp trước mắt, mà còn sẽ tác động gián tiếp cả trong tương lai, bởi thay vì dừng lại ở Trung Quốc thì dịch bệnh đang tiếp tục diễn biến phức tạp và mở rộng đến Hàn Quốc, Nhật Bản hay các nước khác tại châu Á, Bắc Mỹ… Đây đều là những thị trường đầu vào và đầu ra quan trọng của công nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh những khó khăn, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đây chính là thời điểm ngành công nghiệp trong nước nhìn lại vị trí trong liên kết chuỗi của mình, từ đó có định hướng tái cơ cấu hợp lý, tăng cường nội lực về công nghiệp hỗ trợ để chủ động nguồn cung lâu dài, tránh phụ thuộc vào một số thị trường đầu vào nhất định.
Do đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng cần đánh giá lại dư địa của thị trường trong nước và các thị trường quốc tế, đặc biệt nắm bắt cơ hội từ các thị trường tại EU sau khi EVFTA có hiệu lực, cộng hưởng với CPTPP để mở rộng đầu ra cho sản phẩm công nghiệp trong nước. Trên cơ sở này, Bộ Công Thương đang xây dựng và sẽ sớm ban hành chương trình hành động để ứng phó với tác động của dịch bệnh COVID-19 trên nhiều lĩnh vực.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị trong Bộ cũng phải bám sát diễn biến của nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn phức tạp. Từ đó, xây dựng các kịch bản tốt, xấu, rất xấu. Từ các kịch bản này, đưa ra tác động tới nền kinh tế nói chung và ngành công nghiệp nói riêng để có giải pháp cụ thể, chính xác.