Dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ tới hoạt động thương mại, dịch vụ

08:15 | 18/05/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Thông tin nhanh tại Họp báo thường kỳ về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đánh giá, bước sang tháng 4, tác động của dịch bệnh tới hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu của Việt Nam đã bắt đầu thể hiện rõ.

Theo thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, khác với quý I, bước sang tháng 4, toàn bộ nền kinh tế nói chung đều chịu tác động bởi đại dịch COVID-19 cả từ hai phía cung và cầu, trong đó hoạt động sản xuất công nghiệp cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 4 ước tính giảm 13,3% so với tháng 3 và giảm 10,55% so với cùng kỳ năm trước và là mức giảm duy nhất của tháng 4 trong giai đoạn 2016-2020. Trong đó ngành khai khoáng giảm 10,7%; ngành chế biến, chế tạo giảm 11,3%; sản xuất và phân phối điện giảm 6,9%; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 1,8%, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua (năm 2019 tăng 9,2%; năm 2018 tăng 10,7%; năm 2017 tăng 6,6%; năm 2016 tăng 7,4%).

Dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ tới hoạt động thương mại, dịch vụ - ảnh 1
 Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ tháng 4. Ảnh DNVN/HuongLan.
Có thể nói, dịch COVID-19 đã có những tác động lớn đến lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2020. Sản xuất công nghiệp tăng chậm lại dẫn đến tình trạng “khó khăn kép” thiếu hụt nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và khó khăn ở thị trường đầu ra cho xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa.
Ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo chỉ tăng 3%. Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 4 tháng đầu năm giảm sâu hoặc tăng rất thấp so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất xe có động cơ giảm 14,2%; sản xuất đồ uống giảm 13,9%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 10,8%; sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 9,3%; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 8,8%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị giảm 8,2%; sản xuất trang phục giảm 6,3%; sản xuất thiết bị điện giảm 3,6%; sản xuất các sản phẩm khoáng phi kim loại khác giảm 1,8%; sản xuất kim loại giảm 1,7%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 1,3%; dệt tăng 1,4%. Bên cạnh đó, một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất 4 tháng tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Sản than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 16,9%; khai thác quặng kim loại tăng 16,5%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 9,7%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 8,8%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 8,2%...
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 4 tháng giảm sâu và tăng thấp so với cùng kỳ năm trước như: Bia giảm 24,1%; ô tô giảm 23,8%; xe máy giảm 16,6%; dầu thô khai thác giảm 10,3%; khí hóa lỏng LPG giảm 11,8%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 9,8%; vải dệt từ sợi nhân tạo giảm 8,5%; sắt thép thô giảm 7,1%; quần áo mặc thường giảm 5,9%; giày, dép da giảm 4,9%; thép cán giảm 4%; vải dệt từ sợi tự nhiên giảm 1,7%; alumin giảm 0,7%; ti vi tăng 1%. Bên cạnh đó, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Linh kiện điện thoại tăng 28,5%; xăng dầu các loại tăng 13,9%; phân u rê tăng 11,7%; thép thanh, thép góc tăng 7,7%; than sạch tăng 5,5%.
Tương tự hoạt động công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong quý I/2020 chưa bị tác động nhiều bởi đại dịch COVID-19. Dịch bệnh mới chỉ tác động tới hoạt động trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là đối với nhóm hàng nông, thủy sản. Bước sang quý II, hoạt động thương mại Việt Nam dự kiến phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là nền kinh tế nước ta có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế trước diễn biến của dịch COVID-19 ngày càng phức tạp, khó lường. Việt Nam hiện đã hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu nhờ lĩnh vực sản xuất phát triển mạnh mẽ. Tỉ lệ giao dịch thương mại so với GDP đã tăng lên 300% và nằm trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ cao nhất tại châu Á. 
Dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ tới hoạt động thương mại, dịch vụ - ảnh 2
 Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, đánh giá trong bối cảnh chung cho thấy, hầu hết các quốc gia trong khu vực đều ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu âm (trong khi nhiều nước chịu tác động của dịch bệnh sau nước ta) thì việc Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dương và bảo đảm thặng dư cán cân thương mại trong 4 tháng đầu năm cho thấy nỗ lực rất lớn của địa phương và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. (Trong 3 tháng đầu năm 2020 kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc giảm 1,39%; Nhật Bản giảm 5,5%; Singapore giảm 3,3%; Ấn Độ giảm 12,7%...).
Đồng thời, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thương mại, dịch vụ trong tháng, hoạt động mua sắm hàng hóa, chi tiêu của người tiêu dùng giảm mạnh, nhiều cơ sở lưu trú, ăn uống, lữ hành phải tạm đóng cửa trong thời gian giãn cách xã hội. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước tính đạt 293,9 nghìn tỷ đồng, giảm 20,52% so với tháng trước và giảm 26% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,3%), trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 257,39 nghìn tỷ đồng, giảm 13,45% và giảm 15,31%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 16,8 nghìn tỷ đồng, giảm 50,4% và giảm 64,72%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 88 tỷ đồng, giảm 97,55% và giảm 45,17%; doanh thu dịch vụ khác đạt 19,65 nghìn tỷ đồng, giảm 47,24% và giảm 53,34%.
Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 1.519,9 nghìn tỷ đồng, giảm 4,27% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 4 tháng đầu năm ước tính đạt 1.224,45 nghìn tỷ đồng, chiếm 80,56% tổng mức và chỉ tăng 0,41% so với cùng kỳ năm trước.
Do đó, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại, cần tập trung bám sát diễn biến, tình hình, tuyệt đối không chủ quan, chủ động và sẵn sàng các phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả với những biến động mới phát sinh và các sự cố có thể xảy ra; quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp tốt với các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, các nhiệm vụ cụ thể tại Nghị quyết số 02/NQ-CP, các Nghị quyết khác của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là khẩn trương thực hiện Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh việc tiếp tục xử lý các vấn đề cấp bách để vừa phòng chống dịch, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thì yêu cầu đặt ra trong thời gian tới được là cần xây dựng được kế hoạch để thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực của ngành công thương, khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp - thương mại trong tình hình mới.