Điểm mặt 7 trạm BOT tại 3 tỉnh thành nguy cơ `trễ hẹn` thu phí tự động không dừng

15:38 | 17/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo thống kê hiện còn 7/50 trạm thu phí BOT do các tỉnh thành quản lý có tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng (ETC) rất chậm, nguy cơ không kịp tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Theo nguồn tin từ Thanh niên, trong số 50 trạm thu phí do các tỉnh, thành phố quản lý, còn 7 trạm thuộc 3 tỉnh quản lý (Thái Bình, TP.HCM và Đồng Nai) tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng (ETC) rất chậm, có nguy cơ không kịp tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng. Trong đó, riêng Cà Mau có 4 trạm thu phí chỉ thu phương tiện thô sơ và nội bộ tỉnh, nên kiến nghị không triển khai ETC.
 
7 trạm BOT ở 3 tỉnh, thành là Thái Bình, TP.HCM và Đồng Nai dù đang triển khai lắp đặt, nhưng nguy cơ khó kịp tiến độ hoàn thành trước 31/12 theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Nguyên nhân dẫn tới khó kịp tiến độ dừa vào vận hành, được xác định do một số vướng mắc. Cụ thể: 1 trạm thu phí trên QL39B của tỉnh Thái Bình chưa triển khai ETC, do trạm thu phí này có doanh thu thấp (dưới 10% so với phương án tài chính), thu không đủ chi phí quản lý. 2 trạm thu phí trên đường Nguyễn Văn Linh (TP.HCM) lý do là trạm thu phí để thực hiện công tác bảo trì không ảnh hưởng bởi Quyết định 19 của Thủ tướng nên chưa triển khai. Hiện mới thực hiện công tác thẩm định để phê duyệt hạng mục thu phí lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng.
 
7 trạm BOT không kịp tiến độ thu phí tự động không dừng
Trạm thu giá Tân Đệ (QL10, xã Tân Lập, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) đã được lắp đặt làn thu phí tự động không dừng

Ngoài ra, 4 trạm thu phí của tỉnh Đồng Nai chưa phê duyệt được hạng mục lắp đặt hệ thống và chưa lựa chọn được nhà cung cấp dịch vụ ETC do chưa rõ thẩm quyền đơn vị thẩm định, phê duyệt hạng mục này.

Các dự án BOT của 15 địa phương còn lại có 46 trạm thu phí, trong đó có 6 trạm đang xây dựng, chưa tổ chức thu phí. Trong số 40 trạm đang tổ chức thu, có 33 trạm đã lắp đặt xong hệ thống ETC.

Trong một diễn biến khác, theo Zing.vn, lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết đã trình lên Bộ GTVT 4 phương án thu phí không dừng tại các dự án cao tốc mà doanh nghiệp đang quản lý gồm Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành.

Bốn phương án thu phí không dừng của VEC gồm có phương án 1 là VEC tự đầu tư bằng tiền thu phí. Phương án 2 là các nhà đầu tư đổ tiền vào và hoàn vốn theo năm. Phương án thứ 3 là các nhà đầu tư đổ tiền vào và cho VEC thuê lại. Phương án thứ 4 là Nhà nước bỏ tiền ra đầu tư và giao cho VEC quản lý.
 
Ngoài 4 dự án cao tốc của VEC chắc chắn không thể hoàn thành thu phí không dừng trong năm nay, Bộ GTVT xin Thủ tướng cho hoãn hoặc dừng hẳn việc đầu tư ETC tại một số dự án đường bộ trên quốc lộ.
 
Cụ thể, Bộ GTVT kiến nghị không triển khai thu phí không dừng tại 3 trạm thu phí trên quốc lộ 51 do có thời gian thu phí còn lại ngắn, dự kiến sẽ kết thúc trong năm 2021. Cùng với đó, 4 trạm thu phí tại tỉnh Cà Mau cũng được kiến nghị không đầu tư ETC do có quy mô nhỏ, lưu lượng xe ít, lắp đặt ETC sẽ không hiệu quả và phá vỡ phương án tài chính các dự án BOT.

Theo kế hoạch, dự án thu phí không dừng giai đoạn 2 (BOO2) của Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC) có 33 trạm phải triển khai làn ETC. Đến nay mới có 25/33 trạm được lắp đặt. 8 trạm còn lại không thể ký hợp đồng với VDTC do doanh thu thu phí không đạt như dự kiến.
 
Trạm thu phí Bờ Đậu quốc lộ 3 (Thái Nguyên) và trạm T2 quốc lộ 91 (Cần Thơ) được kiến nghị tạm dừng thu phí không dừng do người dân phản đối vị trí đặt trạm. Ba trạm thu phí có doanh thu quá thấp là trạm km1747 đường Hồ Chí Minh, cầu Mỹ Lợi, cầu Thái Hà cũng được kiến nghị hoãn thu phí không dừng.

Trước đó, tại cuộc họp ngày 25/11 của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc thu phí không dừng góp phần bảo đảm sự minh bạch và quản lý tốt doanh thu. Đến nay, cơ bản các trạm BOT đã lắp đặt thu phí không dừng, chỉ còn lại một số trạm chưa hoàn thành.
 
Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo các nhà đầu tư dự án thu phí tự động đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thiết bị, bảo đảm đến 31/12 đưa vào sử dụng đồng bộ trên cả nước. Cùng với đó, các nhà đầu tư BOT khẩn trương phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng để lắp đặt thiết bị thu phí tự động. Trường hợp đến 31/12 chưa vận hành thu phí tự động, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT quyết định dừng hoạt động trạm thu phí theo đúng quy định của pháp luật.
 
Đối với một số trạm Bộ GTVT dự kiến chưa thực hiện thu phí không dừng, Thủ tướng yêu cầu cơ quan này chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá chặt chẽ, toàn diện, đề xuất giải pháp, trong đó làm rõ căn cứ pháp lý, thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng.
 
 
Hà Ly