Điện Biên: Đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư

23:23 | 07/01/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Ngày 05/01/2018, Điện Biên đã tổ chức Hội nghị gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp nhà đầu tư lần thứ nhất, với sự tham gia của 300 doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Ông Trần Văn Sơn, Bí thư Tỉnh uỷ và ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đã trực tiếp đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư trong gần 4 tiếng đồng hồ

Điện Biên: Đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư - ảnh 1
 Ông Trần Văn Sơn, Bí thư Tỉnh uỷ (ngoài cùng bên trái) và ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên (đứng giữa) trao đổi với các nhà đầu tư bên lề Hội nghị
Trên tinh thần quyết tâm góp phần xây dựng Chính phủ “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên nhấn mạnh sẽ tăng cường mọi  biện pháp để tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức về tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp, xây dựng chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp.

Ông cũng cho rằng những kiến nghị của doanh nghiệp trong cuộc đối thoại năm 2017 đều được xử lý. Cụ thể, đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương, các sở ban ngành đều đã vào cuộc, làm việc với doanh nghiệp để có giải pháp tháo gỡ. Những vấn đề vượt thẩm quyền như đề nghị mở rộng, nâng cấp sân bay Điện Biên Phủ, lãnh đạo tỉnh cũng đã làm việc với Bộ Giao thông vận tải để có quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Điện Biên giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, để có thể đón tàu bay A320, A321.

“Có những đề xuất chưa thể thực hiện ngay, nhưng có những đề xuất chúng tôi sẽ bàn tới ngay trong tháng 1 này, như làm việc với tư vấn về hệ thống đường dây 110 kv... Nỗ lực của chúng tôi là tạo mọi điều kiện để nhà đầu tư, doanh nghiệp khai thác hiệu quả nhất các cơ hội đầu tư kinh doanh tại Điện Biên, kết nối được các doanh nghiệp Điện Biên và khu vực và cả nước. Chúng tôi không chỉ cam kết, chúng tôi đã hành động”, ông Sơn khẳng định.

Tại Hội nghị, các doanh nghiệp cũng thẳn thắn nêu ra những bất cập trong công tác quản lý của các cơ quan chức năng, dẫn đến doanh nghiệp gặp khó. Ví dụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn cho Doanh nghiệp tư nhân Huy Toan sang gặp Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để giải quyết công việc theo đúng thẩm quyền, nhưng khi sang Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì lại được hướng dẫn trở lại Sở Kế hoạch và Đầu tư, với lý do “chưa làm việc này bao giờ”.

Khá nhiều doanh nghiệp quan tâm đến các quy định liên quan đến quy trình làm việc của cơ quan thuế với các khoản thuế mà doanh nghiệp phải nộp nhưng còn nợ do bị chậm thanh toán, nhất là các dự án sử dụng vốn nhà nước trong giai đoạn 2010... Nhiều doanh nghiệp cho rằng ngành thuế xử lý cứng nhắc, chưa phù hợp với thực tế hoạt động của doanh nghiệp...

Tuy nhiên, vẫn còn những kiến nghị thiếu thực tế của doanh nghiệp, như việc đề nghị dừng chuyển lợn từ xuôi lên, để thị trường cho các doanh nghiệp tại địa bàn.

Đây là lý do mà các lãnh đạo Điện Biên đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi thực hiện các dự án đầu tư cần làm tốt các khâu từ bước chuẩn bị dự án, xin chủ trương đầu tư và thực hiện dự án đầu tư theo đúng các quy định, hướng dẫn của pháp luật để tiết kiệm thời gian, chi phí đầu tư.

Tại Hội nghị, lãnh đạo tỉnh Điện Biên cho biết, kết quả thu hút đầu tư của Điện Biên trong năm 2017 phản ánh khá rõ nét các thay đổi trong môi trường kinh doanh của Điện Biên.

Năm 2017, có 115 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn 1.205 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh lên 1.130 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 15.635 tỷ đồng. UBND tỉnh Điện Biên cung đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư cho 25 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký trên 3.200 tỷ đồng.

Đến nay, Điện Biên có 119 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 21 nghìn tỷ đồng.

Hiện tại, Điện Biên đang nghiên cứu chủ trương đầu tư cho 9 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BT, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.680 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tinh thần phục vụ doanh nghiệp của lãnh đạo Điện Biên vẫn chưa đến tới mọi công chức.

 “Chúng tôi rất mong muốn sẽ có những thương hiệu sản phẩm, dịch vụ của Điện Biên được xây dựng, có uy tín trên thị trường. Các doanh nghiệp cần hỗ trợ gì, có vướng mắc gì cần địa phương giải quyết, chúng tôi sẵn sàng, nhưng các doanh nghiệp cũng phải nâng cao trình độ quản trị, đảm bảo tiến độ dự án... Tỉnh rất cần doanh nghiệp tạo việc làm, nộp ngân sách và sẽ hỗ trợ hết mình, nhưng doanh nghiệp cũng phải thực hiện đúng cam kết với địa phương”, ông Trần Văn Sơn đề nghị.

Năm nay, UBND tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu nâng vị trí xếp hạng PCI của tỉnh nằm trong nhóm từ 40-45/63 tỉnh thành cả nước trong giai đoạn 2018-2020, tăng từ mức 53 hiện tại.

Minh Hoa (theo Đầu tư)