Diễn đàn Phát triển bền vững Việt Nam 2018: Tư duy và dấn thân
Theo GS. Nguyễn Đức Khương, bền vững không phải là một chi phí mà là tư duy và cách làm. Thách thức cho sự bền vững là rất lớn, cần tư duy đúng và dấn thân.
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng ghi nhận thành công của Việt Nam trong thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh về nguy cơ tụt hậu của Việt Nam trước cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0.
Để thực hiện tăng trưởng thịnh vượng, đi đôi với bền vững môi trường, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng,Việt Nam cần tập trung vào 6 giải pháp trọng tâm, bao gồm: Tạo dựng thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách và môi trường; tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế thị trường vận hành đầy đủ, thông suốt, hiệu quả và hội nhập quốc tế; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, thu hút chọn lọc đầu tư trực tiếp nước ngoài; phát triển năng lực đổi mới, sáng tạo; phát huy các cực tăng trưởng, nâng cao hiệu quả kinh tế vùng và đô thị; đồng thời đảo bảo công bằng vàuán sinh xã hội cũng như phát triển bền vững về môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển bền vững, ông Andress Schfeicher, Giám đốc Điều hành kỹ năng giáo dục của OECD cho rằng: Nếu con người không có kỹ năng giáo dục tốt sẽ không thể tiếp cận được tri thức và theo kịp trình độ khoa học công nghệ. Để tạo được đội ngũ lao động lành nghề, có kỹ năng, Việt Nam cần tập trung hơn nữa cho giáo dục, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạngCông nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ và tác động đến mọi mặt của nền kinh tế.
Giáo dục của Việt Nam làm chưa đủ để trang bị kỹ năng mềm trước môi trường công nghệ số hoá. "Công nghệ song hành nhưng không phải dẫn bạn và chỉ đường đi cho bạn. Phải tận dụng công nghệ và cùng công nghệ tìm đường đi cho mình", ông Andress Schfeicher lưu ý.
Bà Caitlin Wiesen, Giám đốc Quốc gia UNDP Việt Nam chia sẻ: Phát triển bền vững không chỉ là mục tiêu bao trùm của Việt Nam mà là mục tiêu của tất cả các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Tại Việt Nam, mặc dù đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng và đồng đều, nhiều người dân đã thoát khỏi đói nghèo và hiện Việt Nam trở thành quốc gia có dân số thu nhập trung bình nhanh (chiếm 50% dân số), nhưng rất nhiều người dân Việt Nam đã quay lại nghèo đói sau những cú sốc về thiên tai.
Bà Caitlin Wiesen cho rằng trong bối cảnh cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, Việt Nam cần tạo ra nhiều việc làm cho người lao động có kỹ năng cao, giải phóng cho người lao động không có kỹ năng cần thiết bằng cách ưu tiên đào tạo nghề cho họ. Đồng thời, bảo vệ sinh kế của người dân bằng cách nâng cao thu nhập, thay đổi cách tiếp cận với bảo hiểm xã hội, nhất là với những lao động phi chính thức, tại những vùng khó khăn.
Theo PGS.TS. Vũ Minh Khương, Đại học Quốc gia Singapore, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng: "Tài nguyên hiện nay không chỉ là đất, lao động và vốn mà còn là số liệu. Trong cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, số liệu là một nhân tố vô giá, ai sử dụng được nhiều hơn sẽ thông minh hơn".
Kết nối để cộng hưởng tiềm năng và sức mạnh, học hỏi để thích nghi, thậm chí chiêm nghiệm để thay đổi. Đó là những hành trang cần thiết cho mỗi cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức trong thời đại công nghệ số hiện nay, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững.
Minh Hoa