Điện gió hứa hẹn nhiều cơ hội phát triển cho Việt Nam

10:57 | 11/06/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Điện gió là một trong những giải pháp cần thiết cho việc phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch tại Việt Nam. Tuy còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng ngành điện gió hứa hẹn nhiều cơ hội to lớn, Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC) khuyến nghị.

Điện gió hứa hẹn nhiều cơ hội phát triển cho Việt Nam - ảnh 1
Nguồn: Internet. 
Khuyến khích phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Điều này một lần nữa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và G7 mở rộng.

Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC) cho rằng: Một trong những giải pháp hiệu quả cho việc phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch tại Việt Nam chính là phát triển ngành điện gió. 

Theo GWEC: Việt Nam là một trong những quốc gia có nguồn tài nguyên gió dồi dào nhất khu vực Đông Nam Á, song thị trường điện gió Việt Nam hiện mới chỉ ở giai đoạn phát triển ban đầu với tổng công suất 197MW.

“Điện gió sẽ mang đến cho Việt Nam một nguồn năng lượng sạch có giá phải chăng để phục vụ phát triển kinh tế; tăng cường an ninh năng lượng; đồng thời phát triển công nghệ tiên tiến nhất và tạo việc làm”, ông Steve Sawyer, Tổng thư ký GWEC nói.

Kinh nghiệm phát triển điện gió tại các nước trong khu vực ASEAN nói riêng và trên toàn thế giới đang minh chứng cho điều này, Tuyên bố ngành được đưa ra tại “Hội nghị Điện gió Việt Nam lần đầu tiên tại Hà Nội” cho biết.

Về phục vụ phát triển kinh tế, điện gió đang trở thành công nghệ sản xuất điện có sức cạnh tranh nhất. Đầu tư hợp lý vào R&D(nghiên cứu-phát triển) tiến bộ công nghệ cũng như lợi ích kinh tế theo quy mô khiến điện gió đang được ưu tiên lựa chọn nhiều nhất để sản xuất điện trên toàn thế giới. Đây cũng là lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài. Trên toàn thế giới, năm 2017, ngành điện gió có tổng mức đầu tư trị giá 107 tỉ đô-la Mỹ và con số này có khả năng sẽ tiếp tục tăng. Việt Nam được xem là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư điện gió nếu có khung pháp lý ổn định lâu dài.

Về tăng cường an ninh năng lượng, điện gió và các công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo khác đều mang tính bản địa, nhờ đó hỗ trợ nền kinh tế địa phương đứng vững trước những biến động về giá nhiên liệu nhập khẩu.

Điện gió còn góp phần thúc đẩy đổi mới, phát triển các ngành công nghiệp, kinh tế-xã hội liên quan. Ngành điện gió có chuỗi cung ứng dài, từ cung cấp linh phụ kiện đến sản xuất tua-bin, từ đánh giá tài nguyên gió đến phát triển dự án, từ xây dựng đến vận hành và bảo trì nhà máy điện gió. Mỗi mắt xích trong ngành này đều tạo công ăn việc làm tại địa phương. Ngành điện gió hiện đang sử dụng khoảng 1,15 triệu lao động trên toàn thế giới.

Ngoài ra, điện gió đóng vai trò quan trọng trong việc giảm ô nhiễm và phát thải hiệu ứng nhà kính.

Trong bối cảnh điện gió là một trong những ngành phát triển nhanh nhất thế giới, GWEC bày tỏ tin tưởng, GWEC có thể hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong việc giải quyết một số vấn đề về quy định pháp lý, qua đó giúp ngành điện gió ở Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn với các tổ chức và nhà đầu tư quốc tế thời gian tới.