DN đầu tiên được cấp AOC thương mại cho máy bay phản lực thương gia tại Việt Nam

08:36 | 29/07/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) vừa cấp Giấy chứng nhận Người khai thác tàu bay (AOC) cho Công ty cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (Vietstar Airlines). Vietstar Airlines chính thức trở thành DN hàng không đầu tiên được cấp AOC thương mại cho máy bay phản lực thương gia tại Việt Nam.

DN đầu tiên được cấp AOC thương mại cho máy bay phản lực thương gia tại Việt Nam - ảnh 1
Nguồn: Internet. 
Cục Hàng không Việt Nam vừa cấp giấy chứng nhận khai thác tàu bay (AOC) cho Công ty Cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt - Vietstar Airlines. Đây là hãng hàng không đầu tiên được cấp AOC thương mại cho máy bay phản lực thương gia tại Việt Nam.

 AOC là chứng chỉ được cơ quan quản lý phê chuẩn cho phép một hãng bay được quyền khai thác máy bay với mục đích thương mại hoặc chỉ khai thác trong phạm vi chứng chỉ nêu. Theo đó, hai loại máy bay được cấp phép là Embraer Legacy 600 và Beechcraft King Air B300.

Embrear Legacy 600 là tàu bay phản lực thương gia hiện đại lắp nội thất ghế VIP, có tầm bay thẳng lên tới 08 giờ trong bán kính khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Vietstar Airlines sẽ ký hợp đồng cung cấp dịch vụ bay VIP cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước thể hiện tính sang trọng và đẳng cấp thương gia cao nhất.

Beechcraft King Air B300 là tàu bay cánh quạt hiện đại, có tốc độ cao, lắp 8 ghế du lịch. Ngoài ra, Vietstar Airlines đã và đang thúc đẩy hợp đồng mua thêm chủng loại tàu bay thế hệ mới Legacy 650 vào khai thác trong thời gian tới.

Bên cạnh các hoạt động bay hàng không chung, Vietstar Airlines và các doanh nghiệp khác trong hệ thống Vietstar còn cung cấp các dịch vụ bảo dưỡng tàu bay thương mại,dịch vụ bay y tế (Medivac) nội địa, quốc tế với các loại máy bay hiện đại, tích cực chuẩn bị các dự án đầu tư hạ tầng sân bay tại các sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng và dự án hãng hàng không Vietstar Air phù hợp với chính sách xã hội hóa đầu tư hạ tầng sân bay và mở cửa bầu trời của Chính phủ, đóng góp thiết thực cho sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam.

Với việc sử dụng  2 loại máy bay dành cho thương gia Việt Nam, Vietstar Airlines hy vọng các dự án của hãng phù hợp với chính sách xã hội hóa đầu tư hạ tầng sân bay và mở cửa bầu trời của Chính phủ, đóng góp thiết thực phát triển của ngành hàng không Việt Nam.

Theo Vneconomy, Vietstar Airlines được thành lập từ năm 2010, có trụ sở tại TPHCM với số vốn điều lệ ban đầu 400 tỷ đồng. Vietstar Airlines có 3 cổ đông là Công ty TNHH MTV Hàng không Ngôi Sao Việt nắm 67% vốn; Công ty Sửa chữa máy bay A41 (thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân) nắm 25% vốn và Công ty Cổ phần Logistics Ngôi sao Việt nắm 8%.

Ông Phạm Trịnh Phương - Chủ tịch Công ty TNHH MTV Hàng không Ngôi Sao Việt cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Vietstar Airlines, đồng thời là người đại diện pháp luật.

DN đầu tiên được cấp AOC thương mại cho máy bay phản lực thương gia tại Việt Nam - ảnh 2
Ông Phạm Trịnh Phương. Ảnh: Vietnamnet 
 Vào năm 2015, công ty này đã tăng vốn điều lệ lên 800 tỷ đồng. Đây cũng là con số được công bố rộng rãi trong văn bản thông báo về việc cấp giấy phép cho Vietstar Airlines.

 Trong kế hoạch phát triển, Vietstar Airlines đã xây dựng phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm rõ ràng với các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch cụ thể cho giai đoạn 5 năm đầu với thị trường mục tiêu và đường trục nội địa Bắc – Nam, khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á; định hướng là hãng hàng không vận chuyển hành khách kết hợp hàng hóa và vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng đầu tiên của Việt Nam.

Trước đó, Việt Nam có 6 hãng hàng không thương mại đã được cấp phép bay gồm: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar, Vasco, Bamboo Airways, Hải Âu.

Ngoài ra, hiện còn 3 pháp nhân đã thành lập và đang làm các thủ tục cấp phép bay gồm: Cty CP Hàng không Thiên Minh, Vietravel Airlines và mới nhất là Vinpearl Air.