DN tư nhân chưa được quan tâm như những gì họ đóng góp

17:03 | 19/12/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Một nền kinh tế thực sự phát triển khi dung hòa, cân bằng được các thành phần kinh tế trong nền kinh tế tổng thể. Nhưng thực tế cho thấy ở Việt Nam vẫn tồn tại sự mất cân bằng giữa khu vực kinh tế tư nhân và khu vực kinh tế nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân chưa được quan tâm đúng mức như những gì họ đã và đang đóng góp cho nền kinh tế chung.

Đây là ý kiến của bà Lê Thị Lộc – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Mỹ phẩm Dược quốc tế Interco, Chi hội trưởng Chi hội Doanh nhân Việt Mỹ (Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam) đưa ra tại “Diễn đàn doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” vào sáng 19/12.

Theo bà Lộc, cạnh tranh là một trong những “đòn bẩy” để thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, cạnh tranh không lành mạnh sẽ dẫn tới sự độc quyền trong nền kinh tế, mà ở Việt Nam đó là sự độc quyền của thành phần kinh tế nhà nước. Việc tập trung sức mạnh của các doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực, ngành then chốt vào một tổ chức có thể làm tăng nguy cơ rủi ro, phát sinh những vấn đề về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các đơn vị.

DN tư nhân chưa được quan tâm như những gì họ đóng góp - ảnh 1
 Bà Lê Thị Lộc, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Mỹ phẩm Dược quốc tế Interco. 

Mặc dù, Nhà nước đã có những văn bản pháp chế khác nhau nhưng nhìn chung cơ chế pháp luật Việt Nam mới chỉ đảm bảo lợi ích cho khu vực kinh tế nhà nước. Trong khi đó, quyền lợi của các doanh nghiệp tư nhân còn nhiều hạn chế, các chính sách pháp luật khắt khe, cứng nhắc chưa tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân có cơ hội phát triển. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các đơn vị giám sát thực hiện pháp luật ở các khu vực kinh tế còn yếu, thiếu công bằng.

Do đó, bà Lộc đánh giá, muốn xoá bỏ độc quyền của các doanh nghiệp nhà nước, cân bằng giữa khu vực kinh tế tư nhân và khu vực kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân phải là trụ đỡ cho doanh nghiệp nhỏ và là người dẫn dắt nền kinh tế

Đồng thời, cần toàn diện thể chế và tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp cần thiết, tạo môi trường thuận lợi cao nhất, theo cơ chế thị trường, với sự hỗ trợ và quản lý nhà nước thích hợp, để phát triển cộng đồng doanh nghiệp đa dạng, lành mạnh và đúng định hướng, với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỉ trọng đóng góp trong GDP ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần khuyến khích tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh tự nguyện liên kết hình thành các tổ chức hợp tác hoặc hoạt động theo mô hình doanh nghiệp; Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu; khuyến khích tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế tư nhân, tham gia góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa hoặc thoái vốn.  Đồng thời, thường xuyên tổ chức các diễn đàn, sân chơi để doanh nghiệp tư nhân có cơ hội thể hiện và phát huy năng lực.

DN tư nhân chưa được quan tâm như những gì họ đóng góp - ảnh 2
 Vẫn có sự mất cân bằng giữa các thành phần kinh tế ở Việt Nam.
Từ đó, bà Lộc kiến nghị, để làm tốt vai trò nhà nước kiến tạo phát triển, trước hết, cần phân tách quản lý hành chính nhà nước và quản lý doanh nghiệp, phân tách giữa chính trị và kinh doanh để xem xét lựa chọn mô hình quản lý doanh nghiệp nhà nước.
Giảm thiểu bớt các thủ tục rườm rà, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân có điều kiện khẳng định năng lực. Các hoạt động quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp cần tuân thủ các nguyên tắc, cam kết hội nhập và thông lệ quốc tế; giảm nhẹ gánh nặng chi phí về thể chế, tài chính và chi phí vốn, đảm bảo sự bình đẳng về pháp luật và điều kiện tiếp cận, sử dụng các yếu tố đầu vào, đầu ra của doanh nghiệp trong sự cạnh tranh lành mạnh theo pháp luật và nguyên tắc thị trường; xây dựng, triển khai các công cụ quản lý và hỗ trợ mới, chuyển từ mục đích “quản chặt” sang “hỗ trợ” doanh nghiệp bằng định hướng chính sách, thông tin thị trường và những khuyến khích tài chính, tinh thần theo ngành, sản phẩm, địa bàn.
Ngoài ra, coi trọng kịp thời phát hiện và khen thưởng, tôn vinh thích đáng các đơn vị và cá nhân có thành tích tiêu biểu trong quản lý và phát triển doanh nghiệp; khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm, bảo đảm phát triển bao trùm và bền vững; nâng cao vai trò, tính chuyên nghiệp, năng lực và trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp trong hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cả trong nước và ra nước ngoài.
Ngoài ra, bà Lộc cũng nhấn mạnh, việc coi trọng giáo dục lòng yêu nước tự hào dân tộc và bản lĩnh kinh doanh, tinh thần tự lực, tự cường, có ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm với xã hội và kỹ năng lãnh đạo, quản trị cao; chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân cho các doanh nhân và người lao động trong các doanh nghiệp tư nhân; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội và các hiệp hội, nghề nghiệp đối với khu vực kinh tế tư nhân cũng như đối với từng doanh nghiệp; phát triển hệ thống an sinh xã hội, hệ thống phòng ngừa rủi ro, cảnh báo sớm các nguy cơ và giải quyết kịp thời các chấn động kinh tế - xã hội.