DN Việt cần cố gắng tham gia sản xuất để cùng Vingroup vươn ra tầm thế giới
(DNVN) - Theo ông Lê Khắc Hiệp - Phó chủ tịch Vingroup, là một doanh nghiệp lớn, Vingroup luôn ý thức được vai trò tiên phong cũng như trách nhiệm dẫn dắt của mình trong việc tạo dựng các thương hiệu Việt có thể cạnh tranh toàn cầu.
Tại tọa đàm "Kết nối thương hiệu Việt", để xây dựng và phát triển doanh nghiệp (DN), ông Lê Khắc Hiệp nhận định, ai cũng biết nền kinh tế Việt Nam hiện nay sức cạnh tranh hết sức yếu, và có rất nhiều cách để khắc phục, chẳng hạn như có chính sách nhà nước. Thế nhưng, từng doanh nghiệp cần phải có ý thức và biện pháp để vươn lên, một trong những vấn đề quan trọng là các doanh nghiệp cần liên kết với nhau.
Theo ông Hiệp, Vingroup ngay từ đầu đã ý thức việc xây dựng thương hiệu. Trong 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam, có 3 thương hiệu của Vingroup góp mặt là Vinhomes, Vincom Retail, Vincommerce, hiện có giá trị nhiều triệu USD.
“Bản thân Vingroup luôn ý thức là DN tư nhân hàng đầu, luôn cố gắng vươn lên chiếm lĩnh vị trí tiên phong, mặt khác dẫn dắt các thương hiệu các cùng vươn lên. Bởi nếu chỉ có 1 DN thì Việt Nam khó phát triển được, và các DN cần đồng hành cùng nhau”, ông Hiệp khẳng định.
Phó Chủ tịch Vingroup chia sẻ, đối với lĩnh vực nông nghiệp, Vineco lúc đầu xây dựng một mình, sau một thời gian ngắn đã điều chỉnh để liên kết với các DN và nhà sản xuất lớn tại Việt nam. Hiện Vingroup đang liên kết với 1.000 DN như vậy, tuy nhiên cần cam kết, nếu họ làm đúng quy trình, sản phẩm luôn tốt thì Vingroup sẽ đưa sản phẩm của họ vào hệ thống Vinmart tiêu thụ. Đến nay có hơn 250 thương hiệu đang tham gia vào chuỗi Vinmart, được hỗ trợ về mặt công nghệ, vốn, đặc biệt Vingroup bán hàng không thu chiết khấu.
Đối với VinFast, theo ông Hiệp, mục tiêu lớn nhất của VinFast theo Chủ tịch Phạm Nhật Vượng hướng đến là ngành sản xuất o tô chính là mũi nhọn ngành công nghiệp, nếu thành công sẽ đẩy được nền kinh tế công nghiệp phát triển mạnh mẽ. Hiện, Vingroup đang kết hợp với các nhà sản xuất ô tô các nước, mục tiêu lâu dài là chuyển sang liên kết với các nhà sản xuất của Việt Nam. "Thậm chí, trong chính sách của tập đoàn chúng tôi có 1 bộ phận quan trọng lo việc nội địa hóa", ông Hiệp cho biết.
Không chỉ dừng lại ở đó, Vingroup đã dành ra 100 ha đất để các nhà sản xuất tại Việt Nam đủ điều kiện xây dựng nhà máy. Vingroup dự kiến sản xuất 100.000 ô tô/năm và bao tiêu các sản phẩm liên quan. Ông Hiệp mong muốn các DN Việt Nam cần cố gắng tham gia sản xuất để có thể cùng Vingroup vươn ra tầm thế giới.
Cần nhân rộng những mô hình xây dựng thương hiệu thành công
Theo GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài: Khi chúng ta biết Thái Lan mua Big C, Metro là nguy hiểm, với chiết khấu tăng mạnh, không doanh nghiệp nào của Việt Nam đưa hàng vào được. Nhưng khi Vinmart ra đời, đưa ra chiết khấu 0% thì đã đánh bại được Metro và Big C. Người ta thấy nông dân Việt Nam không cần Big C, Metro nữa.
Cạnh tranh thương hiệu chính là người Việt Nam với sự hợp tác của mình có thể thành công hơn nhiều khi chưa có cạnh tranh bên ngoài. GS. Nguyễn Mại đưa ra hai ví dụ về làm thương hiệu tốt của Việt Nam. Một là Vinfast ra đời khi ngành ô tô trong nước đang ở trong thế bế tắc. 30 năm nay chúng ta thất bại trong chiến lược ô tô do chúng ta bảo hộ cho ngành ô tô trong nước bằng thuế rất cao, người tiêu dùng mua ô tô rất đắt. Vì thế các doanh nghiệp lắp ráp tại Việt Nam là chủ yếu.
Nhưng đến khi VinGroup và Thaco nhảy vào thì có định hướng xây dựng thương hiệu không chỉ trong nước mà còn trong khu vực Đông Nam Á. Có thương hiệu là do khát vọng của những người đứng đầu tập đoàn, làm ô tô không phải chỉ cho thị trường trong nước mà còn ra nước ngoài.
Vinfast đã có cách đi khác hẳn, đưa ra sản lượng dự kiến 500.000 đến 2025 với cách đi thẳng vào công nghệ hiện đại AI. Họ có nhà máy lớn, liên kết thẳng với những nhà cung cấp hàng đầu thế giới. Gần đây VinGroup tuyên bố, lỗ 300 tiệu đồng/1 ô tô, như vậy sản xuất 100.000 ô tô, 1 năm VinGroup sẽ mất 300 tỷ đồng để biến từ công nghệ bên ngoài thành công nghệ của Việt Nam. Chúng ta có thể tạo bước ngoặt trong đầu tư đổi mới công nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó là TH Truemilk cũng là 1 mô hình nên được nghiên cứu. Một mô hình rất thành công là bò sữa Mộc Châu. Nhược điểm lớn nhất của chúng ta là cứ nghĩ phải đi học nước ngoài nhưng thực tế trong nước đã có rất nhiều mô hình thành công. Vì thế, cần có sự vận dụng mô hình thành công ở vùng này vào những vùng khác và nhân rộng mô hình đó.
Ngoài ra còn có mô hình của Sabeco khi bán cho Thái Lan với giá 5 tỷ USD. Năm 2019 vừa rồi DN này không phải chỉ lợi nhuận tăng lên, thuế đóng cho Nhà nước tăng lên mà thương hiệu Bia Sài Gòn còn xuất hiện trên sân bóng đá Anh.
Như vậy GS Mại cho rằng, cần có những tổng kết để tìm ra những mô hình thành công để nhân rộng. Điều này chúng ta chưa làm được. Đáng quan tâm nhất hiện nay là nguồn nhân lực chất lượng cao, làm sao để có nguồn nhân lực chất lượng cao.
GS. Nguyễn Mại nhấn mạnh, thương hiệu Việt Nam sẽ gia tăng nhanh chóng, nếu biết nhân rộng những mô hình đã thành công. Cùng với đó, hiện Việt Nam có 4-5 triệu kiều bào nước ngoài, nhiều người cho rằng muốn quảng bá thương hiệu Việt Nam cần lôi kéo được cả người Việt ở nước ngoài để quảng bá thương hiệu.