DNNVV lĩnh vực điện tử có nhiều cơ hội tham gia Dự án LinkSME
Theo báo cáo tại hội thảo “Liên kết trong phát triển ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam” do Việt Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức tháng 11/2017, Việt Nam hiện đứng thứ 12 thế giới và thứ 3 trong khu vực ASEAN về xuất khẩu điện tử với giá trị vượt ngưỡng 70 tỷ USD (cuối năm 2017).
Năm 2019 đánh dấu những thay đổi mang tính đột phá cho ngành điện tử Việt Nam bao gồm xu hướng chuyển đổi hoạt động sản xuất linh kiện điện tử từ các thị trường quốc tế sang Việt Nam, sự ra đời của nhà máy sản xuất điện thoại thông minh Vsmart của Vingroup và đặc biệt là thỏa thuận ký kết Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) hứa hẹn mở ra nhiều cánh cửa mới cho ngành điện tử Việt Nam.
Ông SaviPhan Ngân, Giám đốc Dự án, Công ty Reed Tradex Việt Nam nhận định: “Các DNVVN đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp điện tử và trong cả nền kinh tế chiếm 98% tổng số doanh nghiệp, 40% GDP của Việt Nam trong năm 2016”.
Theo ông Ron Ashkin, Giám đốc Dự án LinkSME của USAID, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn về chuỗi cung ứng: “Phân tích từ Dự án USAID LinkSME cho thấy, khả năng tăng trưởng hiện nay của Việt Nam qua việc tăng cường chuỗi cung ứng trong nước là 58 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là máy tính và sản phẩm điện tử”.
Để đủ sức cạnh tranh với các công ty nước ngoài trong lĩnh vực điện tử, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là DNVVN rất cần nắm bắt cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, chiến lược tiếp cận thị trường quốc tế hiệu quả và phù hợp, đây là khuyến nghị chung nhất của các đại biểu chia sẻ tại Diễn đàn.
Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), khi quá trình toàn cầu hóa được đẩy lên nhanh chóng tại khắp các quốc gia dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt ngay trong thị trường nội địa, doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực công nghiệp điện tử cần được hỗ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy liên kết các chuỗi cung ứng trong nước, kết nối doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI của ngành điện tử trong khu vực và trên thế giới.
Ông Ron Ashkin nhấn mạnh: Dự án USAID LinkSME sẽ góp phần giải quyết thách thức trên cho DNVVN của Việt Nam. Với tổng ngân sách dự kiến là 22,1 triệu USD, Dự án sẽ hướng tới mục tiêu củng cố mối quan hệ nhà cung cấp - bên mua, nhằm giúp các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
“Khi tham gia kết nối thông qua Dự án, DNVVN sẽ kết nối với doanh nghiệp nước ngoài (DNNN) tìm kiếm chuỗi cung ứng trong nước và tăng hàm lượng nội địa hóa sản phẩm. Cùng với đó là tiếp cận với quy trình và thủ tục đấu thầu mua sắm của DNNN; hỗ trợ để đáp ứng yêu cầu riêng và kỹ thuật của DNNN; hỗ trợ nâng cao năng lực cho DNVVN trong một số lĩnh vực chính”, ông Ron Ashkin nói.