Đoạn đường đời vất vả của George Soros trước khi thành một trong các nhà đầu tư nổi danh nhất thế giới

Giang 16:49 | 06/04/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
George Soros là huyền thoại khác của thế giới đầu tư. Khác với Warren Buffett thường chỉ đầu tư vào chứng khoán Mỹ, Soros mua bán cổ phiếu, trái phiếu và tiền tệ trên khắp thế giới, trở thành một trong những nhà đầu tư “vĩ mô toàn cầu” đầu tiên.

Tỷ phú George Soros. (Ảnh: Getty Images).

Đoạn đường đời vất vả

George Soros sinh năm 1930 trong một gia đình luật sư Do Thái ở thủ đô Budapest, Hungary. Cuộc sống của ông bị đảo lộn khi Đức Quốc xã kiểm soát Hungary vào năm 1944 - 1945. Gia đình ông buộc phải sử dụng giấy tờ tùy thân giả, che giấu lý lịch để lẩn trốn, đồng thời tìm cách giúp đỡ những người đồng hương khác.

Năm 17 tuổi, Soros đến London và ở lại Anh trong 9 năm tiếp theo. Ông được hưởng nền giáo dục chính quy và nhận bằng từ Trường Kinh tế London danh giá. Cũng tại Anh, Soros đã nuôi những ý tưởng đầu tiên về tài chính và kinh tế, những thứ sẽ giúp ông trở nên giàu có và nổi tiếng vài chục năm về sau.

Tuy nhiên, những năm đầu tiên của Soros ở thủ đô nước Anh không hề dễ chịu. Ông phải làm đủ nghề để kiếm sống, từ rửa bát, thợ sơn nhà, phục vụ bàn đến nhân viên cứu hộ bể bơi.

Trong cuốn sách “Soros: The Life and Times of a Messianic Billionaire”, tác giả Michael T. Kaufman đã viết về thời gian đầu của nhà đầu tư huyền thoại ở Anh, dựa trên lời kể của chính Soros.

“Tôi có cảm giác mình đã chạm đáy… Anh nghĩ tại sao tôi lại cố kiếm nhiều tiền như vậy? Có thể bây giờ tôi không còn cảm thấy bị đe dọa [bởi tình cảnh bấp bênh của mình khi ấy] nhưng trong tôi vẫn có cảm giác nếu tôi rơi vào hoàn cảnh đó một lần nữa thì tôi sẽ không sống sót được”.

Tuy nhiên, Soros không chỉ có toàn những kỷ niệm buồn trong khoảng thời gian ở Anh. Khi ông phải làm bồi bàn buổi tối để tiếp tục theo học tại Trường Kinh tế London, một cô giáo của ông đã phát hiện ra điều đó.

Cô đăng ký tên của ông vào chương trình hỗ trợ của một tổ chức từ thiện tôn giáo và sau đó ông được nhận tấm séc 40 bảng Anh. Đây là một số tiền lớn khi mà mỗi tuần Soros chỉ dám tiêu 4 bảng. Cử chỉ tốt đẹp này khiến Soros thấy cảm động và để lại ấn tượng sâu sắc trong ông.

Để có thể đặt chân vào ngành tài chính, Soros viết thư xin việc tới nhiều giám đốc của các ngân hàng thương mại ở London. Cuối cùng ông được ngân hàng Singer & Friedlander tuyển vào vị trí thực tập sinh, rồi chuyển sang bộ phận kinh doanh chênh lệch giá.

Song ở Singer & Friedlander, Soros không được đánh giá cao. Một thực tập sinh khác giới thiệu Soros tới công ty môi giới nhỏ ở Phố Wall có tên F. M. Mayer của bố ông ta. Soros nhận lời.

Dù vậy, trước khi đến Mỹ, Soros đã giúp công ty cũ lãi đậm bằng cách mua cổ phiếu Ford ở London rồi bán lại ở New York. Thành công này giúp ông trở nên tự tin hơn.

 

Sang trang mới

Soros tới Mỹ - vùng đất của cơ hội - vào năm 1956, với mục tiêu duy nhất là kiếm tiền. Ông làm việc đêm ngày, thậm chí còn không có thời gian đến đón cha mẹ khi hai người chuyển đến Mỹ sống dù rất yêu quý họ.

Nỗ lực của Soros được đền đáp, ông nhanh chóng thăng tiến. Sau ba năm làm việc ở F. M. Mayer, ông chuyển đến Wertheim & Co., một công ty lớn hơn và giàu có hơn và trở thành chuyên gia về chứng khoán châu Âu.

Năm 1973, ông thành lập Quỹ Soros (sau đổi tên thành Quantum Endowment Fund). Các quyết định mạo hiểm của ông giúp quỹ tăng trưởng chóng mặt, nhưng không phải ván cược nào cũng đem lại kết quả tốt đẹp.

Ví dụ, Soros dự đoán đúng sự kiện thị trường chứng khoán toàn cầu sụp đổ vào tháng 10/1987, nhưng đoán sai rằng cổ phiếu Nhật Bản sẽ giảm mạnh nhất.

Soros trở thành huyền thoại trong thế giới tài chính với sự kiện chính phủ Anh phá giá đồng bảng vào tháng 9/1992. Thông qua các công ty trực thuộc và liên kết với Quatum Fund, ông đã bán khống hàng tỷ bảng Anh trước ngày đồng tiền này bị phá giá và bỏ túi khoảng 1 tỷ USD.

Nhiều nhà đầu cơ khác cũng kiếm lời từ sự trượt dốc của bảng Anh, nhưng quy mô hoạt động của Soros lớn hơn bất cứ ai. Ván bài này đem đến cho ông biệt danh “kẻ phá sập ngân hàng Anh”.

Sau khi đồng baht bị các nhà đầu cơ tiền tệ nhắm đến vào năm 1997, tên tuổi của George Soros cũng bị gán ghép với cuộc khủng hoảng tài chính càn quét châu Á một năm sau đó.

Soros phủ nhận việc tham dự vào sự kiện đó, nhưng Thủ tướng Malaysia Mahathir bin Mohamad đã chỉ đích danh Soros, nói rằng ông phải chịu trách nhiệm về sự sụt giảm của đồng ringgit. Trên thực tế, trang Britannica nói rằng các quỹ của Soros bị lỗ hàng tỷ USD vì vụ khủng hoảng.

Sau đó, Soros vực dậy tình hình bằng tiền lãi từ các cổ phiếu internet năm 1999. Tuy nhiên, phong cách đầu tư của ông trở nên thận trong hơn khi bong bóng công nghệ đổ vỡ vào năm 2000.

Sau khi các quy định quản lý chứng khoán ngày càng bị siết chặt, Soros thông báo vào tháng 7/2011 rằng quỹ Quantum Endowment Fund sẽ không quản lý tiền của các nhà đầu tư bên ngoài nữa, mà chỉ kiểm soát tài sản của gia đình ông.

Từ thiện

Khi về già, Soros bắt đầu giảm bớt công việc tại quỹ đầu cơ trong thập niên 1980 và 1990 để có dành nhiều thời gian hơn vào hoạt động từ thiện.

Năm 1984, ông thành lập Open Society Foundations (OSF). Phần lớn hoạt động ban đầu của OSF tập trung vào Đông Âu. Bắt đầu với Hungary, Soros trao tặng các học bổng, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và giúp hiện đại hóa nhiều trường học và doanh nghiệp.

Năm 2017, tờ Forbes đánh giá George Soros là người giàu thứ 29 thế giới. Đến năm 2018, ông đã chuyển khoảng 18 tỷ USD - tương ứng khoảng 80% tài sản - cho OSF.

Đến năm 2024, trang web của OSF cho biết tổ chức này đang hoạt động tại hơn 120 quốc gia và đã mở hàng chục văn phòng trên khắp thế giới. Tổng cộng Soros đã tặng hơn 32 tỷ USD để tài trợ cho OSF.

Tài sản của nhà đầu tư huyền thoại George Soros giảm mạnh trong nhiều năm gần đây khi ông tập trung hơn vào công việc từ thiện.