Doanh nghiệp bị phạt lên tới 100 triệu đồng nếu chậm trả lương cho người lao động

17:03 | 05/03/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đây là nội dung được quy định tại Nghị định số 28/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao đông Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Cụ thể, phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi:

- Trả lương không đúng hạn;

- Không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

- Không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, công việc đòi hỏi đã qua đào tạo, học nghề theo quy định của pháp luật;

- Trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan Nhà nước về lao động cấp huyện;

- Không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc ban đêm, tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật;

- Khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật…

Doanh nghiệp bị phạt lên tới 100 triệu đồng nếu chậm trả lương cho người lao động - ảnh 1
Ảnh minh họa

Mức phạt tương ứng như sau:

- Từ 5 - 10 triệu đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

- Từ 10 - 20 triệu đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

- Từ 20 - 30 triệu đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

- Từ 30 - 40 triệu đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 200 người lao động;

- Từ 40 - 50 triệu đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Đồng thời, người sử dụng lao động buộc trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại Nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.

Mức phạt này áp dụng đối với người sử dụng lao động là cá nhân. Đối với người sử dụng lao động là tổ chức, mức phạt được nhân đôi. Như vậy, người sử dụng lao động là tổ chức sẽ bị phạt tối đa 100 triệu đồng nếu chậm trả lương cho người lao động.
Cùng với đó, Nghị định 28/2020/NĐ-CP cũng bổ sung một số quy định xử phạt hành chính về lao động, Bảo hiểm xã hội đơn cử như:
- Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với người sử dụng lao động áp dụng nhiều hình thức kỷ luật lao động đối với 01 hành vi vi phạm kỷ luật lao động (điểm d khoản 3 Điều 18);
- Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với người sử dụng lao động sử dụng người dưới 15 tuổi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm (điểm c khoản 2 Điều 28);
- Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với người sử dụng lao động không trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật để người lao động tự lo bảo hiểm (điểm b khoản 2 Điều 29);
- Phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 01 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi: Hằng năm, không niêm yết công khai thông tin đóng BHXH cho người lao động do cơ quan BHXH cung cấp theo quy định tại khoản 7 Điều 23 Luật BHXH (điểm a khoản 2 Điều 38).
Nghị định này bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2020 và bãi bỏ Nghị định 95/2013/NĐ-CP, Nghị định 88/2015/NĐ-CP.