Doanh nghiệp cần chủ động nhận diện rủi ro trong giao dịch M&A

17:06 | 21/12/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Thị trường mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) Việt Nam đã trải qua một thập niên tương đối sôi động với nhiều cơ hội mới. Song bên cạnh đó, đã xuất hiện một số rủi ro trong quá trình mua bán sáp nhập, đặc biệt là các rủi ro về pháp lý.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam tiếp tục chuyển biến tích cực, giao dịch M&A dự báo sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tới. Chỉ tính riêng các hoạt động M&A tại thị trường Việt Nam đã tạo khoảng 4.350 vụ với doanh số đạt gần 49 tỷ USD được thực hiện trong giai đoạn 2009-2018 .Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của thị trường, các rủi ro trong những thương vụ cũng xuất hiện nhiều hơn, đặc biệt là các rủi ro về mặt pháp lý, nguyên nhân chính dẫn đến đổ bể thương vụ hoặc thậm chí xảy ra những vụ tranh chấp kiện tụng ồn ào và tốn kém.

Theo số liệu từ Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), từ tiếp nhận và giải quyết được 8 vụ tranh chấp vào năm 1993, đến ngày 10/12/2018, VIAC đã tiếp nhận và giải quyết được 159 vụ.

Doanh nghiệp cần chủ động nhận diện rủi ro trong giao dịch M&A - ảnh 1
 Luật sư Đặng Xuân Hợp – Trọng tài viên, Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam và ông Heehwan Kwon – Giám đốc KCBA Quốc tế (Ảnh: Quốc Tuấn).

Nhận định về vấn đề này, tại Hội thảo “Giao dịch M&A: Nhận diện rủi ro pháp lý, phòng ngừa và giải quyết tranh chấp” ông Heehwan Kwon, Giám đốc KCBA Quốc tế cho biết: “Thị trường M&A được dự báo sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tới, cùng với sự phát triển của thị trường, các rủi ro trong những thương vụ cũng xuất hiện nhiều hơn. Do đó, khi tham gia vào các thương vụ M&A, các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư phải nắm bắt được những quyền và nghĩa vụ của mình. Có như vậy, doanh nghiệp mới có thể chủ động nhận diện được các rủi ro có thể xảy ra sau khi thực hiện các M&A”.

Điểm lại tình hình quan hệ đầu tư giữa Việt Nam-Hàn Quốc, ông Heehwan Kwon cho biết, hiện nay Hàn Quốc đang là nhà đầu tư có dòng đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Việt Nam. Theo đó, tính đến tháng 11/2018, dòng vốn đầu tư trực tiếp từ Hàn Quốc vào Việt Nam giữ ngôi vương với 7.369 dự án, trị giá hơn 62 tỷ USD. Trong đó, chỉ tính riêng 11 tháng đầu năm 2018, có 1.735 số lượt góp vốn, mua cổ phần, với tổng giá trị đạt khoảng hơn 1,3 tỷ USD đến từ Hàn Quốc.

Đồng tình với quan điểm trên, Luật sư Đặng Xuân Hợp, Trọng tài viên, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết: “Trong thực tế đã xảy ra những vụ tranh chấp giữa doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc. Việc xảy ra tranh chấp cũng là điều dễ hiểu trong bối cảnh phát triển của nền kinh tế. Điểm mấu chốt ở đây là giải quyết những tranh chấp đó như thế nào?”

Luật sự Đặng Xuân Hợp khẳng định việc sử dụng con đường giải quyết bằng trọng tài là phổ biến với nhiều ưu thế nổi trội. Theo đó, để có thể đưa ra phương án xử lý, doanh nghiệp phải lựa chọn được chuyên gia có kinh nghiệm từng xử lý vấn đề liên quan trong lĩnh vực đó, có hiểu biết sâu sắc về pháp luật nước sở tại, cũng như văn hoá để từ đó có thể đề xuất các giải pháp phù hợp nhất.

Điều đáng lưu ý trong mua bán sáp nhập là đa số các mâu thuẫn xảy ra do luật pháp Việt Nam và quốc tế có những quy định khác nhau, hợp đồng mua bán được điều chỉnh bởi luật pháp Việt Nam hay nước ngoài cần thể hiện rõ. Chính vì vậy, việc nhận biết được rủi ro và phòng ngừa là yếu tố tiên quyết để tránh những tranh chấp, rủi ro không cần thiết.

Doanh nghiệp cần chủ động nhận diện rủi ro trong giao dịch M&A - ảnh 2
 
Luật sư Nguyễn Duy Linh, Công ty Luật Quốc tế Việt Nam (Ảnh: Minh Vân).
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Duy Linh, Công ty Luật Quốc tế Việt Nam (VILAF) khẳng định: “Sự không rõ ràng của hệ thống pháp lý về M&A dẫn đến sự không chắc chắn về tính hợp pháp của giao dịch M&A”.
Bên cạnh đó, theo ông Linh còn dẫn đến khả năng giao dịch M&A bị huỷ bỏ do sự diễn giải hoặc sự phán xét hoặc quyết định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo đó, rủi ro tiềm tàng về việc thực hiện các biện pháp chế tài nhất định như định nghĩa không rõ ràng về thị trường liên quan, về công ty đại chúng hay cơ chế không rõ ràng về việc kế thừa các nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý và nợ trong trường hợp mua lại tài sản.
Cũng theo Luật sư Nguyễn Duy Linh, chính việc thiếu hệ thống pháp lý về M&A dẫn đến sự không chắc chắn trong việc thực hiện giao dịch M&A, và khả năng không được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
Đưa ra đẫn chứng, Luật sư Nguyễn Duy Linh cho rằng, vấn đề về thuế đối với khoản tiền giữ lại để bồi thường hoặc giao dịch M&A được thực hiện ở cấp độ Holdco nhằm tránh các điều kiện kinh doanh áp dụng đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong khuôn khổ Hội thảo, đa số các chuyên gia đề xuất một trong những giải pháp khi xảy ra tranh chấp thương mại, bên cạnh việc lựa chọn Toà án Việt Nam, là giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng, hoà giải, cơ quan trọng tài trong nước như VIAC, cơ quan trọng tài nước ngoài và quốc tế.... Bởi phương thức giải quyết tranh chấp bằng con đường trọng tài tiên tiến và hiệu quả hơn nhiều so với chọn đưa nhau ra tòa.