Doanh nghiệp cần đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số

19:32 | 03/10/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Doanh nghiệp Việt Nam hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa, sở hữu dây chuyền công nghệ lạc hậu, khả năng tài chính không cao nên việc chuyển đổi sang sản xuất thông minh là rất khó khăn.

Nhằm giới thiệu các thành tựu, giải pháp công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) cho các ngành, lĩnh vực kinh tế-xã hội của Việt Nam; kết nối kinh doanh và xúc tiến đầu tư trong các lĩnh vực của CMCN 4.0 giữa các nhà đầu tư quốc tế với cộng đồng doanh nghiệp và đại diện của 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam, chiều 2/10, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2019 (Industry 4.0 Summit 2019).

Doanh nghiệp cần đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số - ảnh 1
 Toàn cảnh phiên Chuyên đề Kinh tế số với chủ đề "Phát triển thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế số tại Việt Nam”.
Phát biểu tại Diễn đàn trong phiên Chuyên đề Kinh tế số với chủ đề "Phát triển thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế số tại Việt Nam”, đại diện Ban Kinh tế Trung ương nhận định Việt Nam hiện đang trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. CMCN 4.0 đang tạo ra sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất kinh doanh và quản trị. Các công nghệ kỹ thuật số, như: Điện toán đám mây, internet vạn vật, robot hiện đại, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo đã và đang làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc, tiêu thụ và sản xuất hàng hóa, dịch vụ.
Tuy nhiên nền kinh tế vẫn theo mô hình nông nghiệp kiểu cũ, năng lực thấp, cạnh tranh kém và ít sáng tạo. Do đó, việc ứng dụng những thành tựu của CMCN 4.0 sẽ mở ra những cơ hội mới để thúc đẩy sự phát triển. Đổi mới sáng tạo sẽ là động lực tăng trưởng, là yếu tố làm thay đổi cách thức tổ chức quản lý, sử dụng thành tựu công nghệ cao…
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam cho rằng trong cuộc CMCN 4.0, các doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh chuyển đổi số để nhanh chóng thích ứng với thực tế mới. Tuy nhiên trong thực tế, đáng lo ngại là phần lớn doanh nghiệp tại Việt Nam hiện là doanh nghiệp nhỏ và vừa (tương đương với quy mô nhỏ và siêu nhỏ của thế giới) và có đến 70-80% doanh nghiệp chưa chuẩn bị, chưa sẵn sàng để chuyển đổi. Nếu những đối tượng doanh nghiệp này không sẵn sàng để chuyển đổi số thì khó có thể góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế.
Doanh nghiệp cần đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số - ảnh 2
 Nhà máy lắp ráp ô tô VinFast.
Còn theo bà Phạm Thị Hương, Giám đốc Công ty Chế tạo máy Autotech (doanh nghiệp chuyên cung cấp giải pháp tự động hóa) cho rằng tại Việt Nam phần lớn chưa có các doanh nghiệp thông minh, doanh nghiệp tự động hóa do còn gặp nhiều rào cản, trong đó đặc biệt là vấn đề kinh phí đầu tư chưa được đầu tư phù hợp. Ngoài ra, nhận thức của chủ doanh nghiệp về tự động hóa còn hạn chế, trong khi khối doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài lại rất nhanh nhạy trong vấn đề này.
Trong khi đó, với CMCN 4.0 mọi hoạt động của doanh nghiệp cần phải được số hóa, từ dây chuyền công nghệ, ứng dụng công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, Blockchain, BigData, internet kết nối vạn vật.
Do đó, để thực hiện số hóa thành công, TS Nguyễn Quân cho rằng, doanh nghiệp cần chuẩn bị cơ sở vật chất, bao gồm trang thiết bị và máy móc, tương thích với công nghệ số; chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số; lựa chọn sản phẩm, công nghệ phù hợp với thời đại công nghệ số; số hóa cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động SXKD đồng bộ với cơ sở dữ liệu chung để sau này có thể tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia; lựa chọn công nghệ số để tích hợp toàn bộ quy trình sản xuất, tạo thành dây chuyền tự động hóa ở mức độ cao.
Bên cạnh đó, dưới góc độ chính sách, ông Nguyễn Quân nhấn mạnh Nhà nước cần có cơ chế chính sách phù hợp đối với sản xuất của doanh nghiệp, chính sách thuế, hải quan, ưu đãi cho doanh nghiệp về đất đai, đưa ra tiêu chuẩn phù hợp đối với sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất…
Ngoài ra, theo Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn nếu không có sự cởi mở và sẵn sàng tiếp nhận đổi mới sáng tạo thì nền kinh tế nói chung và mỗi doanh nghiệp nói riêng sẽ nhanh chóng mất đi năng lực cạnh tranh và tụt hậu. Ngược lại, nếu ứng dụng đổi mới, sáng tạo mang tính cách mạng mà chưa có sự chuẩn bị kỹ càng để kiểm soát rủi ro thì hậu quả có thể lớn hơn hiệu quả do chúng mang lại.
Vì vậy, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn cho rằng: “Chúng ta phải có tinh thần tiên phong, sẵn sàng đón nhận những cái mới nhưng để bền vững thì cần có sự chuẩn bị chu đáo. Đi tiên phong khi chưa hiểu hết các rủi ro thì thường sẽ thất bại, nhưng đi chậm quá thì cơ hội sẽ không còn. Ví dụ, người đi tiên phong phát triển trình duyệt web là Netscape, nhưng thành công lại là Chrome, Internet Explorer, Firefox; người đi tiên phong trong mạng xã hội là Friendster, Myspace, nhưng thành công lại là Facebook. Thực tế, ai đi sau Chrome, Internet Explorer, Firefox, Facebook đều rất khó cạnh tranh vì đã quá muộn".
Theo khảo sát năm 2018 của IDC, chuyển đổi số (digital transformation) đang trở thành chiến lược tại các doanh nghiệp, tổ chức trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Gần 90% doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển đổi số với các bước khác nhau từ tìm hiểu, nghiên cứu, cho tới bắt đầu triển khai, thực hiện. Hơn 30% lãnh đạo doanh nghiệp được khảo sát xem chuyển đổi số là vấn đề sống còn, xác nhận hiệu quả trên nhiều khía cạnh như thấu hiểu khách hàng, tăng năng suất lao động, tăng tốc sáng tạo...