Doanh nghiệp cần tận dụng mọi tiềm năng từ EVFTA trong bối cảnh dịch bệnh
(DNVN) - Cũng như các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã tham gia, EVFTA sẽ là một hướng đi sáng cho các doanh nghiệp trong nỗ lực chuyển đổi của mình để có thể thâm nhập vào thị trường “rất khó tính” nhưng đầy tiềm năng này.
Nhằm giúp doanh nghiệp hiểu biết để phòng ngừa được các rủi ro pháp lý trong hoạt động thương mại quốc tế, đặc biệt là thị trường các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) - thị trường thương mại hàng hóa đã được hình thành lâu đời, với nhiều thói quen, tập quán thương mại hàng trăm năm tuổi, thậm chí trở thành các chuẩn mực thương mại của một số ngành nghề, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Ban vận động thành lập Hội Pháp luật xây dựng Việt Nam (SCLVN) cùng tổ chức hội thảo “Thương mại Quốc tế theo Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam trong đại dịch COVID-19: Tìm cơ hội trong đại dịch”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải thương mại Việt Nam 2020 (gọi tắt là VAW2020).
Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, đại dịch COVID-19 có thể coi là nghịch cảnh bất ngờ, chưa từng có tiền lệ, ảnh hưởng tới tất cả các khu vực trên thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam hiện đã kiểm soát tốt dịch bệnh và đang bắt đầu công cuộc tái khởi động nền kinh tế trong trạng thái “bình thường mới”. Vì thế, đây là thời điểm để biến khó khăn thành động lực phát triển, động lực cải cách, động lực chuyển đổi. Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA) sắp tới có hiệu lực từ 1/8/2020 sẽ là một hướng đi sáng cho các doanh nghiệp trong nỗ lực chuyển đổi để có thể thâm nhập vào thị trường “rất khó tính” nhưng đầy tiềm năng này. Tuy nhiên, cũng theo vị đại diện của VCCI, trong sân chơi mới, các doanh nghiệp cần phải có tầm nhìn toàn diện, chủ động hơn trong việc tiếp cận thông tin về các thị trường mới.
Đồng quan điểm, nhưng theo bà Nguyễn Thu Trang-Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI, EU vẫn là thị trường đầy tiềm năng và đang thay đổi do ảnh hưởng từ COVID-19. Theo đó, thị trường EU luôn đưa ra những yêu cầu khắt khe về hàng rào kỹ thuật (TBT), hàng rào vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật (SPS). Không những thế, bà Trang cho biết, người tiêu dùng tại thị trường này cũng “khó tính” khi chỉ lựa chọn những sản phẩm đạt chỉ tiêu quốc tế, đạt các tiêu chuẩn điều kiện về lao động, đạo đức, văn hóa…
Vì thế, bà Trang nhấn mạnh, khi dịch COVID-19 bùng phát, những điều kiện này của thị trường EU sẽ càng khắt khe hơn. Chưa kể đến những thay đổi về nhu cầu thị trường, như tổng cầu trước mắt sẽ yếu hơn, về lâu dài thì cũng phục hồi chậm; tiêu chí lựa chọn, kiểm soát hàng hóa của người tiêu dùng có thể thay đổi…
Do đó, để hóa giải những thách thức và tận dụng mọi cơ hội từ EVFTA, TS. Võ Trí Thành-Chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh những rào cản kỹ thuật, như tiêu chuẩn, quy chuẩn, xuất xứ hàng hoá, sở hữu trí tuệ… còn nhiều rào cản “mềm” khác, như vấn đề lao động, môi trường… Vì vậy, cùng với nỗ lực của các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin về các Hiệp định thương mại tự do, trong đó có EVFTA với quan điểm xuyên suốt là luôn có thách thức bên cạnh những cơ hội đã được chúng ta chỉ ra và phân tích lâu nay.
Đồng thời, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh, ngoài cơ chế, chính sách, thông tin,… các doanh nghiệp cũng nên quan tâm đến “nguồn lực” hỗ trợ của Nhà nước. Ông Thành nhắc lại hàng loạt cơ chế mới hỗ trợ doanh nghiệp từ cấp Chính phủ đến các bộ, ngành, và cả ở cấp địa phương. Vấn đề là bản thân doanh nghiệp đã thực sự dành sự quan tâm tìm hiểu, thực sự chủ động thay đổi mình để đáp ứng các yêu cầu mới trong thời kỳ hội nhập hay chưa.
Đưa ra lưu ý thêm với doanh nghiệp Việt Nam, ông Vũ Ánh Dương - Phó Chủ tịch thường trực VIAC cho biết, khi doanh nghiệp Việt Nam tiến vào các thị trường mới mà chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm, việc tìm hiểu về các thông lệ của thị trường là vấn đề rất quan trọng bởi “nhập gia tùy tục”, doanh nghiệp cần hiểu biết để phòng ngừa được các rủi ro pháp lý trong hoạt động thương mại quốc tế.
Doanh nghiệp cần hiểu biết về thông lệ khi thỏa thuận về việc giao nhận ngoại thương, thói quen sử dụng luật sư khi đàm phán, soạn thảo hợp đồng hay thói quen sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp.