'Doanh nghiệp còn gặp khó khăn về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính'

Nhật Di 13:31 | 23/10/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, chi phí sản xuất, chi phí logistics tăng cao...

Phát biểu tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV về thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, năm 2023, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục hồi phục bấp bênh do gặp những “cơn gió ngược” từ hệ quả của đại dịch COVID-19, căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn cũng như tình trạng lạm phát cao và kéo dài.

Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự chủ động và giám sát hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ, chia sẻ, tin tưởng của các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực; trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2023 có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra.

 

 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo. Ảnh Quốc hội.

Bên cạnh kết quả đạt được, Ủy ban Kinh tế đề nghị quan tâm, tập trung đánh giá kỹ hơn một số vấn đề quan trọng như: ước cả năm 2023 có 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra (năm 2022 có 2/15 chỉ tiêu không đạt), trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt năm thứ 3 liên tiếp. Các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài.  Xuất khẩu hàng hóa 9 tháng giảm 8,2% so với cùng kỳ, nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực tiếp tục giảm sâu, các thị trường xuất khẩu lớn giảm hoặc tăng rất thấp. Xuất siêu tăng chủ yếu do nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giảm (13,9% so với cùng kỳ), cho thấy nhu cầu đầu vào cho sản xuất tiếp tục chậm lại.

Bên cạnh đó, tiêu dùng phục hồi chưa vững chắc, tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm dần qua các quý (Quý I tăng 13,9% đến Quý III chỉ còn tăng 7,3%). Đầu tư tư nhân 9 tháng tăng 2,3%, chỉ bằng khoảng 1/6 mức tăng trước đại dịch. Công nghiệp chế biến, chế tạo giảm tốc khá mạnh (Chỉ số IIP của ngành Quý I giảm 2,9%, Quý II giảm 0,7%, 9 tháng tăng thấp 3,5%). Du lịch quốc tế phục hồi chậm. Một số ý kiến cho rằng cả 3 động lực về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng của nền kinh tế đều gặp khó khăn mang tính cơ cấu, do thiếu định hướng dài hạn và giải pháp cụ thể kịp thời, khả thi theo hướng chuyển đổi xanh, giảm thiểu thâm dụng năng lượng, phát thải các bon và kinh tế tuần hoàn nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả. Thủ tục hành chính tuy đã được cắt giảm nhưng trong một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp, việc ban hành thông tư, quy chuẩn kỹ thuật còn bất cập gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Tiến độ lập, triển khai các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã có những kết quả tích cực (90/110 quy hoạch đã được thẩm định) nhưng vẫn chậm so với yêu cầu, gây áp lực cho công tác phê duyệt, quyết định quy hoạch trong những tháng cuối năm (đến nay mới có 16/39 quy hoạch ngành quốc gia và 14/63 quy hoạch tỉnh được phê duyệt, quyết định).

Việc triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 và phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài còn rất chậm, trong đó có việc phải đánh giá, thẩm định chính xác giá trị tài sản đã qua nhiều năm. Thị trường TPDN còn nhiều tồn tại, hạn chế, tỷ lệ nợ xấu thị trường TPDN tăng. Thị trường tài chính, tiền tệ vẫn còn tiềm ẩn rủi ro; tỷ lệ nợ xấu nội bảng hết tháng 7 đã vượt mức 3% (3,56%). Thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng, tiềm ẩn rủi ro, rất nhiều dự án không thể tiếp tục triển khai, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.

Doanh nghiệp còn gặp khó khăn về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính

Nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay giảm nhưng tăng trưởng tín dụng đến ngày 29/9/2023 chỉ tăng 6,92%. Trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm nhưng lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở thời điểm cuối tháng 8/2023 chỉ giảm khoảng 1,0% so với cuối năm 2022. Ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát còn tiềm ẩn rủi ro khi lạm phát đã có dấu hiệu đảo chiều trong 3 tháng gần đây (chỉ số giá tiêu dùng tháng 7, tháng 8 và tháng 9/2023 tăng lần lượt 2,06%, 2,96% và 3,6% so với cùng kỳ), tỷ giá có những biến động khá mạnh trong tháng 8, tháng 9 . Lạm phát cơ bản 9 tháng là 4,49%, cao hơn nhiều so với lạm phát tổng thể sẽ ảnh hưởng đến không gian chính sách tiền tệ, hạn chế việc tăng cung tiền, tăng dư nợ tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng. Mặt bằng lãi suất tại Việt Nam giảm trong khi lãi suất tại Mỹ vẫn cao, tạo áp lực lớn lên tỷ giá.

 

  Doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn như chi phí logistics tăng cao. Ảnh VGP.

Thêm vào đó,  doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, chi phí sản xuất, chi phí logistics tăng cao; sự liên kết giữa doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong nước lỏng lẻo, thiếu gắn kết. Số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao với 135,1 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng; số doanh nghiệp thành lập mới giảm 14,6% về số vốn đăng ký và 1,2% về số lao động ; tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, người lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/9/2023 giảm 1,9% so với cùng kỳ. Tình trạng cắt điện mùa nắng nóng tái diễn tại một số địa phương miền Bắc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.

Quy mô thu ngân sách có xu hướng thu hẹp so với giai đoạn trước, thu ngân sách nhà nước 9 tháng giảm 8,3% so với cùng kỳ; nợ đọng thuế tăng 3,6% so với cuối năm 2022; việc giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp còn chậm và có vướng mắc từ những văn bản hướng dẫn nghiệp vụ trong ngành thuế. Giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 9 đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn 4,68% so với cùng kỳ nhưng còn 17 Bộ, cơ quan trung ương chỉ giải ngân dưới 10%; giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia đạt 46,77% kế hoạch.

Tuy nhiên, số giải ngân bao gồm các số chuyển nguồn từ năm trước chuyển sang năm 2023, số tăng thu bổ sung dự toán năm 2023 nên thực chất tỷ lệ thực hiện và giải ngân kế hoạch năm 2023 thấp hơn mức Chính phủ báo cáo. Vấn đề chậm giải ngân cần phải được làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm để sớm khắc phục. Có ý kiến cho rằng nguồn lực của Việt Nam bị dàn trải, chia nhỏ cho các cơ quan, địa phương dẫn đến có quá nhiều dự án quy mô nhỏ có thể bị trùng lặp về mục tiêu, chỉ phù hợp với quy mô doanh nghiệp nhỏ.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương còn một số vấn đề cần quan tâm. Nhiệm vụ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; sắp xếp, kiện toàn bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn một số khó khăn, thách thức. Tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa được khắc phục triệt để. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, dừng hoạt động, đóng cửa sau khi các quy định mới về tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy được ban hành và có hiệu lực. Tình trạng ùn tắc đăng kiểm phương tiện giao thông cũng gây nhiều khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.