Doanh nghiệp 'đắn đo' gì khi vay vốn?

Nguyễn Ngọc 15:04 | 24/02/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Lãi suất, thủ tục vay và vay để làm gì là những điều khiến các doanh nghiệp “đắn đo” hơn khi vay vốn.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, xu hướng giảm lãi suất vẫn đang tiếp tục diễn ra ở cả đầu vào và đầu ra. Tính đến 31/1/2024, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại giảm lần lượt khoảng 0,15%/năm và 0,25%/năm so với cuối năm 2023.

Định hướng điều hành chính sách trong thời gian tới, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết mục tiêu của ngành là vẫn sẽ tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Đồng thời ông cũng nhấn mạnh rằng chưa bao giờ cơ chế lãi suất thấp như hiện nay nên lãi suất không còn là rào cản và vấn đề lớn đối với người đi vay.

Đại diện các ngân hàng cho biết rằng họ đang "đỏ mắt tìm khách hàng", mặt bằng lãi suất hiện nay cũng đã ở mức rất thấp, ngân hàng rất muốn đẩy vốn ra nền kinh tế. 

Còn dưới góc độ người đi vay, doanh nghiệp đang kỳ vọng gì từ phía các ngân hàng?

Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất điện tử, ông Lại Hoàng Dương, Giám đốc CTCP Truyền thông và Máy tính Thánh Gióng, cho biết trong hai tháng đầu năm 2024, lượng đơn hàng liên tục đổ về, doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết tháng 6. Vì vậy, doanh nghiệp hiện cần một nguồn vốn để nhập sớm các nguyên nhiên liệu phục vụ cho các đơn hàng này.

 

“Chúng tôi đã làm việc với các nhà cung cấp để đề xuất các hạn mức thời gian thanh toán sẽ được nới rộng. Song, việc có tiền để trả cho các nhà cung cấp sớm là lợi thế về giá tức là mua sắm các sản phẩm không bị thay đổi về giá trên thế giới.”, ông Dương chia sẻ.

Trên thực tế, doanh nghiệp đã làm việc với một số ngân hàng trong nước và nước ngoài để lựa chọn mức lãi suất vay rẻ nhất. Theo đó, mức lãi suất cho vay phổ biến tại các ngân hàng thương mại (NHTM) là từ 7-7,5%/năm; còn ở ngân hàng nước ngoài lãi suất cho vay rất tốt, chỉ ở 2,8-3,5%/năm. Do đó, doanh nghiệp cũng đang tìm hiểu thêm về chính sách vay vốn của ngân hàng nước ngoài.

“Với mức lãi suất 7 – 7,5%/năm với doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế phát triển bình thường thì phù hợp. Song, thời điểm này khi đơn hàng mới có dấu hiệu khởi sắc, mọi chi phí vẫn phải cách giảm thì việc giảm lãi suất cho vay sẽ giúp doanh nghiệp có một khoản tiền dự trữ để duy trì sản xuất thời điểm này”, ông Dương nói.

Bên cạnh việc giảm lãi suất, theo ông Dương ngân hàng cũng cần đơn giản hoá về thủ tục cho vay. Các NHTM cần xem lịch sử phát triển của doanh nghiệp vay vốn; từ đó chia thành mức độ cấp tín dụng đối với từng loại doanh nghiệp, cụ thể với doanh nghiệp không có nợ xấu thì có thể dễ dàng tiếp cận nhanh hơn so với các doanh nghiệp không trả nợ đúng hạn hoặc nợ khó đòi.

Doanh nghiệp vẫn rất cần vốn

Ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, cho rằng hiện nay nhu cầu nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn lưu động của doanh nghiệp ngày càng tăng cao, tăng hơn so với cùng kỳ là 20%.

“Để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp phải đầu tư vào sản xuất, vào bán hàng, vào kênh phân phối thương mại truyền thống - trực tuyến. Để mở rộng thị trường, doanh nghiệp phải đầu tư vào các hệ thống văn phòng đại diện, logistic, thương hiệu và lương cho nguồn nhân lực mới. Tất cả những việc này cần một nguồn vốn rất lớn.”, ông Quốc Anh nêu rõ.

Tuy vậy, với điều kiện cho vay chặt chẽ và mức lãi suất vẫn ở mức cao so với khả năng chi trả nên các doanh nghiệp đang phải “đắn đo” trong việc vay vốn của ngân hàng.

“Thị trường vốn từ chứng khoán, trái phiếu, tín phiếu tương đối phục hồi nên doanh nghiệp chuyển sang huy động vốn từ các nguồn này. Cùng với đó, các quỹ thiên thần, quỹ quốc tế cũng tìm đến các doanh nghiệp có phương án kinh doanh khả thi… Đây là cơ hội để các doanh nghiệp mở rộng nguồn vốn ngoài ngân hàng với mức lãi suất hợp lý”, ông Mạc Quốc Anh nêu rõ.

Trong khi đó, một số ngân hàng vẫn tương đối thận trọng khi cho các doanh nghiệp vay, đặc biệt với các doanh nghiệp chưa có phương án kinh doanh khả thi.

“Các ngân hàng lo ngại khi cho vay với các dự án có rủi ro thì tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng khiến đánh giá tín dụng của ngân hàng sẽ bị thấp đi và sẽ không được nới room nên họ thận trọng khi đưa vốn ra.”, ông Mạc Quốc Anh nhìn nhận.

Trước thực tế trên, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh kinh tế còn dự báo nhiều khó khăn, ông Mạc Quốc Anh cho hay, các doanh nghiệp mong muốn các NHTM cắt giảm điều kiện vay vốn và tăng tỷ lệ vay tín chấp lên mức cao nhất. Hiện tỷ lệ vay vốn tín chấp chỉ chiếm 15-20%, doanh nghiệp mong muốn được vay tín chấp đến 35%, phần còn lại là tài sản bảo đảm.

Cùng với đó, NHNN cần tiếp tục rà soát kiểm tra đôn đốc để làm sao cho các ngân hàng áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản trị, vào hoạt động xem xét hồ sơ cấp tín dụng. Như vậy, sẽ giảm các chi phí quản lý của ngân hàng sẽ gián tiếp giảm lãi suất cho doanh nghiệp.

“Đây là các yếu tố tích cực để doanh nghiệp tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh.”, ông Mạc Quốc Anh khẳng định.