Doanh nghiệp đặt triển vọng tích cực nhờ nhu cầu than tăng cao
Thống kê của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), quý I vừa qua, than nguyên khai sản xuất thực hiện 10,58 triệu tấn, đạt 27,1% kế hoạch năm, bằng 106% so với cùng kỳ năm ngoái; than tiêu thụ 11,07 triệu tấn, bằng 25,7% kế hoạch năm và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, nhu cầu tiêu thụ than trong nước ở mức cao, nhất là than cho sản xuất điện. Nhiệt điện than hiện chiếm hơn 30% tổng công suất nguồn điện của toàn quốc và có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đây cũng là một trong những nguồn cung cấp điện chính để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, duy trì hệ thống vận hành ổn định.
Cùng với nhu cầu tăng cao, giá than trong nước được kỳ vọng sớm được điều chỉnh, từ đó gia tăng biên lợi nhuận cho doanh nghiệp. Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), hiện giá than trong nước đang ở mức khiêm tốn so với giá thế giới. Tại thời điểm hiện nay, giá thế giới đã tăng gấp từ 2,5 - 3 lần giá trong nước và có thế tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Công ty Kinh doanh và Nghiên cứu năng lượng Rystad Energy Rystad Energy cho rằng, nếu các lệnh trừng phạt nhằm vào hoạt động thương mại than đá với Nga hoặc hoạt động vận tải đường sắt và đường biển gặp sự gián đoạn về mặt vật lý, thì sẽ không có giới hạn nào với giá than đá.
Trong một diễn biến làm gia tăng các quan ngại, Australia mới đây đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để ứng phó với các trận lũ mang tính tàn phá dọc theo bờ biển phía Đông, ảnh hưởng đến các vùng sản xuất than đá của nước này. Rystad Energy dự đoán giá than đá có thể vượt ngưỡng 500 USD/tấn trong năm nay.
Các chuyên gia của VCSC dự báo, TKV có thể yêu cầu tăng giá than trong năm 2022, do giá than trong nước vẫn ổn định trong 2 năm qua dù chi phí sản xuất tăng. Công suất sản xuất than trong nước đã được sử dụng 100%, kế hoạch đạt 41 triệu tấn trong năm 2022, tương đương tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, do đó TKV phải nhập khẩu than từ nước ngoài. Trong khi đó, giá than quốc tế liên tục tăng nên việc TKV duy trì giá bán than từ năm 2021 đến nay là không kinh tế.
Cùng nhận định này, Công ty Chứng khoán Sài Gòn Thương Tín (SBSC), các công ty khai thác than niêm yết cũng có thể được hưởng lợi từ việc đàm phán giá bán mới cho TKV trong năm nay. Tuy nhiên, việc giá than khai thác ở Việt Nam đắt hơn so với thế giới trong giai đoạn bình thường nên việc tăng giá ở trong nước cũng không có sự chênh lệch nhiều.
Để đạt sản lượng than cao nhất cho điện cũng như chờ hưởng lợi từ giá thành, các doanh nghiệp đang tập trung tối đa các nguồn lực, không để đứt gẫy sản xuất. Cùng đó, huy đông nhân lực, thiết bị tổ chức khai thác than, tăng sản lượng than khai thác, chế biến và pha trộn than, đảm bảo sản lượng than cho nhu cầu tiêu thụ.
Đơn cử với Công ty cổ phần Than Cao Sơn (mã chứng khoán: CST) là doanh nghiệp có sản lượng than lớn nhất vùng Cẩm Phả, Quảng Ninh. Các đơn vị lộ thiện đang tranh thủ thời tiết thuận lợi, tập trung cao độ cho sản xuất, khẩn trương xuống moong đẩy mạnh ra than trước mùa mưa. Cùng với đó, tập trung cho sản xuất, huy động tối đa các nguồn than, sản phẩm đất đá lẫn than, đẩy mạnh chế biến, cân đối chất lượng than, đảm bảo cơ cấu chủng loại đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ.
Như Công ty cổ phần Than Vàng Danh (mã chứng khoán: TVD) cũng liên tục đầu tư mở rộng công suất và nâng cao hiệu quả khai thác các mỏ than các năm qua. Năm 2022, doanh nghiệp này dự báo sản lượng khai thác và bán than khả quan nhờ được gia hạn lại giấy phép khai thác than lò bằng hết hạn và bắt đầu khai thác trở lại từ quý IV/2021.
Nhờ hoạt động tích cực, một loạt doanh nghiệp than báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh quý I/2022 với nhiều chỉ tiêu sản xuất vượt mức. Tại Công ty cổ phần Than Núi Béo (mã chứng khoán: NBC) , lượng than tiêu thụ đạt 545 nghìn tấn, vượt 30% kế hoạch quý; doanh thu đạt 826 tỷ đồng, vượt 34% kế hoạch quý.
Công ty cổ phần Than Hà Tu (mã chứng khoán: THT) có 370 nghìn tấn than nguyên khai sản xuất, đạt trên 29% kế hoạch năm; than tiêu thụ xấp xỉ 700 nghìn tấn, đạt trên 25% kế hoạch năm; doanh thu than đạt trên 1.000 tỷ, bằng 26,3% kế hoạch năm năm; lợi nhuận trên 10 tỷ đồng, đạt 33% kế hoạch năm.
Sản lượng than sản xuất của Công ty cổ phần Than Mông Dương (mã chứng khoán: MDC) trong quý I đạt 325 nghìn tấn, đạt 21,3% kế hoạch năm; trong đó, than hầm lò thực hiện 324 nghìn tấn; than tiêu thụ 340 nghìn tấn, đạt 22,3% kế hoạch năm.
Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch 29/4, cổ phiếu than tiếp tục có bước phục hồi. Cổ phiếu CST ở mức 16.400 đồng/đơn vị, TVD ở mức 15.300 đồng/đơn vị, NBC ở mức 15.000 đồng/đơn vị, THT ở mức 13.800 đồng/đơn vị và thị giá của MDC là 12.400 đồng/đơn vị.