Doanh nghiệp đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn giữa đại dịch COVID-19

12:48 | 09/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4, nhiều DN đã đưa ra các giải pháp như: lập vùng đệm quanh nhà máy, giảm thuế, xã hội hoá công tác chống dịch… nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19, bà Nguyễn Thị Phương - Phó tổng giám đốc thường trực VinCommerce (công ty thành viên thuộc Tập đoàn Masan) đưa ra ý kiến được lập vùng đệm xung quanh các nhà máy.

Theo bà Phương, qua thực tế triển khai, VinCommerce nhận thấy biện pháp "3 tại chỗ" là chủ trương đúng đắn nhưng chỉ hiệu quả trong ngắn hạn. Nếu áp dụng dài hạn, khi có phát sinh nguồn lây bệnh, phương án này sẽ tạo thành ổ lây nhiễm lớn, dẫn tới nhà máy không còn khả năng tiếp tục vận hành sản xuất.

"Nếu xuất hiện ổ lây nhiễm, nhà máy đó khó có thể hoạt động trở lại nhanh chóng do phần lớn lực lượng lao động là F0, F1 phải điều trị hoặc cách ly, gây thiếu hụt lực lượng nhân công lập tức", bà Nguyễn Thị Phương chia sẻ.

Do vậy, đại diện VinCommerce đề xuất lập "vùng đệm" xung quanh nhà máy. Vùng đệm này có thể là các trường học, trường dạy nghề, kho, sân vận động, nhà thi đấu... ở gần nhà máy. Tại đây, lao động vừa có thể ăn nghỉ, giãn cách và thực hiện tốt các quy định về phòng tránh dịch bệnh. Bà Phương cho biết, theo thống kê hiện nay, đa số F0, F1 có thể phục hồi sức khỏe và quay trở lại làm việc từ sau 3-4 tuần. Vì vậy cần có giải pháp để cung cấp nguồn nhân lực bị thiếu hụt trong thời gian ngắn bằng nguồn dự bị như lực lượng thanh niên xung phong hay lao động từ các tỉnh thành khác.

Doanh nghiệp đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn giữa đại dịch COVID-19 - ảnh 1

Masan đưa ra ý kiến được lập vùng đệm xung quanh nhà máy.

Hiện có khoảng 30% trong tổng số 40.000 lao động của tập đoàn Massan đã tiêm vaccine phòng dịch. Do vậy, đơn vị mong đẩy mạnh quá trình tiêm vaccine cho người lao động và thân nhân của họ trong các nhà máy, khu công nghiệp, khu vực làm việc nguy cơ cao. Việc tiêm vaccine vừa là cách phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa là biện pháp tinh thần cho nhân viên bán hàng siêu thị, công nhân và gia đình trước nỗi lo và gánh nặng dịch bệnh. Đồng thời điều này giảm nguy cơ đứt gãy khả năng cung cấp hàng tiêu dùng thiết yếu tại các tập đoàn sản xuất, kinh doanh nhu yếu phẩm như Masan.

Ngoài ra, với giải pháp tự điều trị tại nhà với F0 không triệu chứng, Tập đoàn Masan đề xuất Bộ Y tế và chính quyền địa phương hỗ trợ bác sĩ hoặc chuyên gia y tế phụ trách từng cụm nhà máy trong khu công nghiệp, khu chế xuất để tư vấn, kiểm soát phương án phòng dịch. Qua đó, đơn vị có thể xử lý chính xác sự cố khi phát sinh F0, điều trị kịp thời các trường hợp lây nhiễm nhưng không có triệu chứng hay nhẹ, cách ly hoàn toàn ngay trong nhà máy hoặc các "vùng đệm" như đề xuất.

Đồng thời, bà Phương mong muốn được hỗ trợ cho lưu thông hàng hóa. Theo bà Phương, Masan là một trong số ít tập đoàn kinh tế Việt Nam hiện có khả năng tích hợp toàn bộ chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối và bản lẻ các loại hàng hóa thiết yếu. 

Để đảm bảo tính liên tục của chuỗi cung ứng, đại diện Masan đề nghị không đồng loạt đóng cửa các nhà máy, kho hàng, đồng thời rút ngắn nhất có thể thời gian đóng cửa nhà máy, tổng kho, điểm bán hàng hóa thiết yếu. Bà cũng bày tỏ mong muốn nhận hỗ trợ tập đoàn trong việc khử trùng, làm sạch nhà máy nếu phát sinh nguồn lây lan. 

Cũng phát biểu tại Hội nghị trực tuyến, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Hãng Hàng không Vietjet cũng đã có những đóng góp nhằm tháo gỡ khó khăn, phát triển doanh nghiệp trong tương lai.

Theo đó, bà Thảo đề xuất xã hội hóa hóa công tác chống dịch, giảm gánh nặng cho ngân sách. Doanh nghiệp và người dân sẵn sàng chi trả chi phí vắc xin, xét nghiệm, các chi phí y tế. Đề nghị Bộ Y tế cho cơ chế để triển khai.

Tổng giám đốc Hãng Hàng không Vietjet cũng đề nghị Chính phủ sớm hỗ trợ các hãng hàng không bằng các gói vay ưu đãi lãi suất, sẵn sàng cho việc bật tăng trở lại. Hơn nữa theo bà Thảo, sau thời gian giãn cách chống dịch, chuẩn bị sẵn sàng và an toàn cho việc mở lại các đường bay quốc tế và nội địa, chúng ta cần chuyên gia, thương gia, cần các nhu cầu chữa bệnh, giáo dục, du lịch…

Để triển khai hiệu quả, theo kinh nghiệm các nước phát triển như Singapore, cần đồng bộ các ứng dụng công nghệ thông tin để mỗi người dân, mỗi khách nước ngoài đều cần có một mã QR để khai báo y tế và trạng thái tiêm chủng, xét nghiệm thường xuyên.

Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng đề xuất thúc đẩy các dự án đầu tư hạ tầng, cầu đường, sân bay, đường sắt, giao thông đô thị, tạo hệ thống logistic hỗ trợ sản xuất kinh doanh, nhất là xuất khẩu. Các chính sách hỗ trợ cũng cần có cho ngành giáo dục, thúc đẩy giáo dục trực tuyến.

Nữ doanh nhân cũng đề xuất Chính phủ quan tâm chăm lo cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiểu thương, sản xuất kinh doanh cá thể, từ đó ổn định cuộc sống người dân bao gồm cả lao động phổ thông, tự do.

Lắng nghe các đề xuất, hiến kế, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến tâm huyết và nhấn mạnh, sau hội nghị Chính phủ sẽ có nghị quyết về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp; nghị quyết về một số giải pháp cấp bách trong phòng chống dịch.

Thủ tướng cho hay mục tiêu cao nhất là không để xảy ra khủng hoảng y tế, bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người dân; không để xảy ra khủng hoảng kinh tế - xã hội, phấn đấu cao nhất đưa đất nước ta trở lại bình thường trong thời gian nhanh nhất có thể. 

Để làm được, Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện thật tốt phòng chống dịch COVID-19, hy sinh một hai tháng giãn cách xã hội để xanh hóa vùng đỏ. Chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, song không vì thế mà đánh mất lạc quan, bản lĩnh, niềm tin.

Thủ tướng khẳng định sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Vừa qua, Chính phủ đã phân công nhiệm vụ rất cụ thể cho Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và sẽ tiếp tục điều chỉnh, bổ sung phù hợp thực tiễn, trên tinh thần phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, tăng cường giám sát, kiểm tra.

Hoa Trần (T/h)

Xem thêm: Lối đi nào cho doanh nghiệp hậu COVID-19?