Doanh nghiệp địa ốc không ngừng kéo về Lâm Đồng săn đất

07:51 | 21/02/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Từ đầu năm đến nay, việc các doanh nghiệp BĐS tiếp tục dồn về gom đất tại phố núi Lâm Đồng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Năm 2021 ghi nhận những biến động của thị trường bất động sản Lâm Đồng, khi hàng loạt ông lớn đã, đang và có ý định triển khai nhiều đại đô thị tại các phố núi như Đà Lạt, Bảo Lộc, Di Linh,... khiến giá đất nhiều địa phương tiếp tục leo thang. 

Tuy nhiên, đến nay việc các doanh nghiệp đổ xô về săn đất Lâm Đồng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tính từ đầu năm 2022, hàng chục dự án, khu vực được đề xuất khảo sát lập quy hoạch, đầu tư; địa phương liên tục ra thông báo đề nghị các sở ngành nghiên cứu, lấy ý kiến để quyết định chủ trương đầu tư.

Doanh nghiệp địa ốc tiếp tục 'đổ xô' về các phố núi Lâm Đồng săn đất. (Ảnh: CTTĐT Lâm Đồng).  

Gần đây nhất, tại TP Bảo Lộc, thành viên Sam Holdings - CTCP Sacom Tuyền Lâm đề xuất tài trợ lập quy hoạch Khu đô thị, du lịch và dịch vụ khoảng 1.034,5 ha, đồng thời đề xuất được đầu tư dự án trên khu đất.

CTCP tư vấn và đầu tư tài chính Drumclife đề xuất tài trợ kinh phí lập quy hoạch chi tiết 1/500 xây dựng Khu đô thị sức khỏe nghỉ dưỡng tại xã Đạm Bri quy mô khoảng 42 ha.

Tại huyên Di Linh, Công ty TNHH Hoàng Huy Lộc đề xuất lập quy hoạch phân khu 2 xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu dân cư thị trấn Di Linh, huyện Di Linh với quy mô khoảng 200 ha.

Trước đó, Vườn Thời Đại Việt Nam đề xuất khảo sát, nghiên cứu và tài trợ kinh phí lập các đồ án quy hoạch tại các xã Hòa Trung, Liên Đầm và Bảo Thuận, huyện Di Linh (Lâm Đồng) quy mô 4.000 ha, trong đó 3.500 ha là khu đô thị và du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.

Tiếp giáp địa phương này, ghi nhận ở huyện Đức Trọng, CTCP Tập đoàn MCV đăng ký lập quy hoạch và đầu tư dự án "Bảo tồn và phát triển văn hóa du lịch sinh thái Kay An" tại xã Tà Năng.

Ngoài ra, CTCP Đầu tư Phát triển Nam Miền Trung Lâm Đồng đề xuất được tài trợ nghiên cứu, khảo sát và lập đồ án nghiên cứu quy hoạch phân khu 1/2.000 Khu đô thị du lịch Liên Nghĩa với diện tích 355 ha.

Trước đó hồi cuối năm 2021, liên danh CTCP Tập đoàn Hưng Thịnh, CTCP Tập đoàn Đèo Cả và CTCP Tập đoàn Nam Miền Trung đề xuất nghiên cứu, khảo sát và tài trợ kinh phí lập quy hoạch diện tích khoảng 15.000 ha, bao gồm thị trấn Nam Ban, các xã Mê Linh, Đông Thanh, Nam Hà, Gia Lâm, Phi Tô, huyện Lâm Hà và một phần thuộc xã Bình Thạnh, Hiệp Thạnh và Liên Hiệp, huyện Đức Trọng.

Trước đề xuất của các doanh nghiệp, Sở Xây dựng đã đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND thành phố Bảo Lộc có ý kiến trong tháng 2 để tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng.

Việc các doanh nghiệp tiếp tục dồn về Lâm Đồng gom đất được cho là một trong những nguyên nhân khiến BĐS tỉnh này chưa thể hạ nhiệt. 

Thống kê từ Batdongsan.com cho thấy, trong tháng 1/2022 - tháng cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần, nhiều người nghỉ Tết sớm nhưng mức độ quan tâm BĐS tại Lâm Đồng tăng 200% so với tháng trước đó. 

Năm 2022, Sở TN&MT tỉnh này cho rằng, dự báo xu hướng và mức độ biến động giá đất thị trường trên địa bàn có thể sẽ tiếp tục diễn biến như năm 2021 vừa qua, khả năng cũng sẽ không có biến động đột biến lớn về giá có tính chất "bong bóng" hoặc các diễn biến bất thường khác.

Tuy nhiên, ở những khu vực được đầu tư chỉnh trang, nâng cấp các khu vực đô thị hiện có thì sẽ có những biến động nhất định. Nhưng mức độ biến động về giá đất thị trường dự báo cũng sẽ không có đột biến lớn, vượt tầm kiểm soát.

Cụ thể các khu vực có sự biến động về giá đất là TP Đà Lạt và các đô thị dọc tuyến QL20; các khu đô thị và khu dân cư mới trên địa bàn huyện Đức Trọng và TP Đà Lạt; các công trình trọng điểm quốc lộ 27, 28B (Lương Sơn - Đại Ninh), cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương,…

Năm nay, tỉnh sẽ tạo cơ chế chính sách nhằm kêu gọi đầu tư phát triển nhà ở và thị trường bất động sản.

Các địa phương được nhắm đến sẽ là các đô thị như TP Đà Lạt, Bảo Lộc, Đức Trọng, Lâm Hà,… do có tiềm năng hạ tầng và thương mại.