Doanh nghiệp, doanh nhân cùng “giải bài toán” xã hội hóa văc xin

10:00 | 28/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Để đẩy lùi dịch bệnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, tập thể, cá nhân, đồng bào ta ở trong nước và nước ngoài…chung tay ủng hộ vật chất và tinh thần để hỗ trợ kinh phí mua vắc xin

Chính phủ thành lập quỹ vắc xin phòng Covid-19

Theo Bộ Tài chính, tính toán của Bộ Y tế về dự kiến mua 150 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người, với tổng nhu cầu kinh phí ước khoảng 25.200 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí mua vắc xin khoảng 21.000 tỷ đồng; kinh phí vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng khoảng 4.200 tỷ đồng.

Về nguồn kinh phí để mua vắc xin, Bộ Tài chính cho biết, ngân sách trung ương dự kiến phải bố trí khoảng 16.000 tỷ đồng, đảm bảo cho các đối tượng do trung ương quản lý và hỗ trợ ngân sách địa phương khó khăn; ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9.200 tỷ đồng.

Đặc biệt khi dịch kéo dài thì nhu cầu vắc xin hàng năm tăng cao, kinh phí sẽ mua vắc xin lớn, nếu chỉ dựa vào nguồn NSNN thì sẽ khó đáp ứng mục tiêu phòng dịch cho toàn dân.

Trong bối cảnh cân đối NSNN khó khăn, để huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn vốn hợp pháp khác mua vắc xin phòng Covid-19, theo Bộ Tài Chính việc thành lập quỹ vắc xin phòng Covid-19 là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch, đẩy nhanh tiến độ tiếp cận mua, nhập khẩu vắc xin để triển khai tiêm chủng trên diện rộng cho nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã ký ban hành Nghị quyết số 1271 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sử dụng nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2020. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị sử dụng 12.100 nghìn tỉ đồng nguồn tiết kiệm chi năm 2020 để mua vắc xin phòng dịch COVID-19.

Ngày 27/5, đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 theo hình thức trực tuyến trong toàn quốc nhằm vận động các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tiếp tục chung tay cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân đẩy lùi dịch bệnh.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự buổi lễ và có lời động viên, chia sẻ tới các y, bác sĩ và những đội ngũ tuyến đầu ngày đêm căng mình vất vả chống dịch. Ông cũng kêu gọi các tầng lớp nhân dân, kiều bào ở nước ngoài đóng góp ủng hộ để toàn dân, toàn quân sớm chiến thắng dịch bệnh.

Doanh nghiệp, doanh nhân cùng “giải bài toán” xã hội hóa văc xin - ảnh 1

 

Chung tay cùng cộng đồng chống dịch 

Miễn dịch cộng đồng qua tiêm chủng văc xin là con đường duy nhất giúp các quốc gia thoát khỏi nỗi ám ảnh kéo dài hơn một năm rưỡi qua bởi dịch bệnh. Tại Việt Nam, bài toán xã hội hóa đã được đặt ra và có nhiều doanh nghiệp hưởng ứng với hàng triệu liều vun vào quỹ vắc xin.

Cùng với nỗ lực của các Chính phủ và các địa phương, mỗi doanh nghiệp và công dân đã hưởng ứng góp sức mình để sớm có nhiều vắc xin hơn cho cộng đồng.

Vừa phát động, trong ngày 25/5, ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, đã tiếp nhận hỗ trợ 155 tỷ đồng, 1 triệu USD và 1 triệu liều vaccine, từ các tập đoàn, doanh nghiệp cho việc mua và tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Theo đó, Tập đoàn T&T Group hỗ trợ 1 triệu liều vaccine; Công ty Cổ phần tập đoàn Ecopark hỗ trợ 1 triệu USD; Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát hỗ trợ 50 tỷ đồng; Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) hỗ trợ 30 tỷ đồng; Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI hỗ trợ 10 tỷ đồng; Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong - TPBANK hỗ trợ 10 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Tập đoàn Phenikaa hỗ trợ 20 tỷ đồng; Ngân hàng SHB hỗ trợ 15 tỷ đồng; Tập đoàn An Phát Holdings hỗ trợ 20 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết sự hỗ trợ quý báu của các tập đoàn, doanh nghiệp thực sự hiệu quả, góp phần vào thành công của cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 ở Việt Nam.

Không chỉ có doanh nghiệp trong nước, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng đã tiến hành lấy ý kiến các doanh nghiệp thành viên về cách thức mà khu vực tư nhân có thể hỗ trợ chương trình tiêm chủng của Chính phủ, đồng thời, khảo sát về ảnh hưởng của đại dịch lên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong thông cáo phát đi hôm 27/5, EuroCham ủng hộ mục tiêu đầy tham vọng của Chính phủ là tiêm chủng cho 75% dân số. Đây là hành động cần thiết nhằm khai thông thương mại và đầu tư quốc tế, yếu tố vốn rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Theo khảo sát của EuroCham, cứ 5 người được hỏi thì 4 người (79%) đồng ý rằng các doanh nghiệp nên có khả năng tham gia hỗ trợ để nhân viên của họ được tiêm chủng. Điều này sẽ làm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, đồng thời, giúp đẩy nhanh quá trình tiêm chủng của Chính phủ.

Theo kế hoạch của Bộ Y tế và các kết quả đàm phán, cam kết cho đến nay, riêng COVAX Facility sẽ cung cấp cho Việt Nam 38,9 triệu liều vắc xin, đủ tiêm cho 20% dân số. Bộ Y tế cũng đang đặt mua thêm 10 triệu liều nữa từ COVAX theo cơ chế chia sẻ chi phí. Bên cạnh đó, Bộ Y tế mua của AstraZeneca 30 triệu liều thông qua Công ty VNVC, mua của Pfizer 30 triệu liều nữa.

Như vậy, cho đến nay Việt Nam chắc chắn có 110 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19. Ngoài ra còn có các nguồn hỗ trợ, tài trợ bằng vắc xin khác nên Việt Nam có thể đủ 150 triệu liều mà Chính phủ giao để tiêm cho người dân. Tuy nhiên, vắc xin về vào thời điểm nào, số lượng bao nhiêu hoàn toàn phụ thuộc vào nhà cung cấp. 

Trọng Trí

Xem thêm Thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19