Nền kinh tế 'ít chạm' và thương mại không tiếp xúc: Cơ hội phục hồi cho doanh nghiệp hậu Covid-19

Trang Mai 16:40 | 14/09/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dù đại dịch gây hệ lụy đáng kể đến đa số các ngành nghề ở mọi nền kinh tế, thế nhưng giới chuyên gia đánh giá đây cũng là cơ hội cho sự phát triển của thương mại điện tử, tái cơ cấu doanh nghiệp, hay tiếp cận xu hướng phát triển mới của thế giới: Kinh tế không tiếp xúc.

Đại dịch Covid-19 đã gây ra những cú sốc lớn trong hệ thống kinh tế thế giới, tác động đến tất cả hoạt động kinh tế thương mại của các quốc gia trên thế giới. Nền kinh tế Việt Nam với độ mở lớn đã và đang chịu nhiều tác động nghiêm trọng, nhưng đồng thời cũng mang đến những chuyển biến theo hướng tích cực, nhiều lĩnh vực trong thương mại có cơ hội phát triển. Đó là ý kiến của các chuyên gia tại Hội thảo Khoa học Quốc gia với chủ đề “Thương mại Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19: Thách thức và xu hướng phát triển” diễn ra sáng 14/9. 

Doanh nghiệp Việt chưa hết lao đao vì Covid-19

Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy GDP toàn cầu năm 2020 sụt giảm 4,2% so với năm 2019. Trong đó, phần lớn các nền kinh tế, khu vực kinh tế trên toàn cầu đều tăng trưởng âm (ngoại trừ Trung Quốc, Ai Cập, Việt Nam). Các nền kinh tế là các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đều giảm như: Tăng trưởng kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu suy giảm 7,3%; Mỹ suy giảm 3,5%; Trung Quốc chỉ đạt mức tăng trưởng 2,3% - mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008...

Cùng đó, tăng trưởng thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu đã sụt giảm nghiêm trọng. Trong đó, giá trị thương mại hàng hóa sụt giảm xấp xỉ 18%, còn thương mại dịch vụ giảm hơn 20%.

Tại Việt Nam, những ảnh hưởng phản ánh rõ nét nhất trong GDP quý III năm 2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngoại trừ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt tăng trưởng dương nhưng vẫn rất thấp trong 10 năm qua; Khu vực công nghiệp và xây dựng, Khu vực dịch vụ đều giảm mạnh lần lượt là 5,02% và 9,28%.

 Tác động của Đại dịch COVID-19 tới hoạt động bán hàng của các nhóm doanh nghiệp phân theo quy mô doanh nghiệp. (Nguồn: Lương Minh Huân, 2020) 

Theo báo cáo PCI 2021, có tới 92% doanh nghiệp (cụ thể là 94% doanh nghiệp tư nhân trong nước và 86% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) cho rằng, hoạt động của họ trong năm 2021 bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19. Các doanh nghiệp FDI xuất khẩu chịu thiệt hại lớn nhất với khoảng 56% báo lỗ. Các doanh nghiệp FDI định hướng thị trường nội địa cũng hoạt động kém hiệu quả hơn, với gần một nửa doanh nghiệp nhóm này (49%) báo lỗ.

Từ góc độ nguồn cung, theo PGS.TS. Hà Văn Sự (Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thương mại), hoạt động sản xuất kinh doanh trong mùa dịch cũng khiến chi phí của doanh nghiệp gia tăng, như: việc phải đầu tư cho điều kiện sản xuất kinh doanh an toàn phù hợp tiêu chuẩn của Nhà nước (3 tại chỗ, 5K), nguồn cung đầu vào, chi phí vận chuyển...  Mặc dù hoạt động thương mại điện tử nở rộ có thể phần nào làm giảm những thách thức trên nhưng dữ liệu doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê công bố thời điểm đó cho thấy số doanh nghiệp đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động đã tăng vọt.

Còn nhìn từ phía cầu, dịch bệnh cũng ảnh hưởng tới tâm lý tiêu dùng của người dân, họ có xu hướng tích luỹ và hạn chế tiêu dùng và du lịch làm ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành dịch vụ.

Ông Hoàng Ngọc Hà - Tổng giám đốc của Công ty cổ phần Tập đoàn 247 H chia sẻ những khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp trong thời điểm dịch bệnh bao gồm: gián đoạn nguồn cung (không nhập khẩu được máy móc thiết bị từ nước ngoài,...) và khó khăn về nguồn vốn do dòng tiền cạn và chưa thể tiếp cận với các gói hỗ trợ tín dụng từ Chính phủ.

Cùng với đó, xuất khẩu hàng hóa chỉ đảm bảo được 45% đơn hàng so với đơn hàng trước khi dịch Covid xảy ra, dẫn đến khoản lỗ 20% trong khi tỷ suất lợi nhuận những năm trước đó luôn khoảng 30%. 

Vấn đề thứ hai, mà ông Hà chỉ ra: đối với thị trường Trung Quốc - một trong những thị trường phát triển công nghệ nhanh nhất, quy trình nhập khẩu thông thường mất khoảng 45 ngày, nhưng trong quá trình đại dịch thì khoảng 3 tháng hàng mới về được tới nơi và không kịp để hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho các đơn vị, doanh nghiệp tại Việt Nam.

Cơ hội phục hồi cho doanh nghiệp từ thương mại không tiếp xúc

Dù đại dịch gây hệ lụy đáng kể đến đa số các ngành nghề ở mọi nền kinh tế, thế nhưng giới chuyên gia tại Hội thảo đánh giá đây cũng là cơ hội cho sự phát triển của thương mại điện tử, tái cơ cấu doanh nghiệp, hay tiếp cận xu hướng phát triển mới của thế giới: Kinh tế không tiếp xúc. Đây được xem như một trong giải pháp để các doanh nghiệp phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch.

ThS. Lê Như Quỳnh (Đại học Thương mại) cho biết: Chuyển đổi số các hoạt động kinh doanh trên mạng đã trở thành lựa chọn tất yếu cho mọi doanh nghiệp và người tiêu dùng, khiến các hình thức mua hàng không tiếp xúc ngày càng đa dạng và được số hóa ở mức độ sâu hơn. Thương mại không tiếp xúc được kích hoạt bởi một loạt các công nghệ mới như máy học, robot, thị giác máy tính, cảm biến, phân tích dữ liệu lớn, thực tế tăng cường và ảnh ba chiều...

Tương tự, ThS. Ninh Thị Hoàng Lan (Đại học Thương mại) nhận định, đại dịch Covid-19 cũng là một chất xúc tác bất ngờ cho sự tăng trưởng của thương mại điện tử ở Việt Nam. Do dịch bệnh, người tiêu dùng Việt Nam cũng thay đổi thói quen mua sắm, tiến hành mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Theo thống kê của Statistica, do dịch bệnh mà tần suất mua sắm theo hình thức bán lẻ đều giảm ở tất cả các loại cửa hàng, chỉ trừ có mua sắm trực tuyến đạt mức tăng trưởng tới 44%. 

 Doanh số bán lẻ thương mại điện tử trên toàn thế giới từ năm 2014 đến năm 2025. (Nguồn: Statista, 2022, dự báo) 

Bà Lan chỉ ra rằng trong khủng hoảng, các doanh nghiệp trở nên năng động hơn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin; thích ứng hơn thông qua việc nhanh chóng thay đổi bộ máy tổ chức và hoạt động kinh doanh của mình, đẩy mạnh chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực, khai thác tốt các nền tảng trực tuyến trong điều hành nội bộ và kết nối với khách hàng. Quan trọng hơn, các doanh nghiệp thay vì sử dụng các phương thức kinh doanh truyền thống đã bắt đầu đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến.

 Tần suất mua sắm trong dịch Covid ở Việt Nam năm 2021, phân theo loại cửa hàng Nguồn: Statista 

"Tại Việt Nam, các kênh bán lẻ truyền thống, cửa hàng tạp hóa và các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa vẫn là trụ cột của lĩnh vực bán lẻ, chiếm tỷ trọng đáng kể gần 80% tổng sản lượng bán lẻ. Covid-19 như một làn sóng tác động đến việc chuyển đổi mô hình và cách thức kinh doanh của họ, thực tế đã chứng minh hình thức kinh doanh trực tuyến mang lại nhiều thuận lợi hơn trong mùa dịch bệnh. Có tới 24,1% nhà bán lẻ trên các nền tảng thương mại điện tử, Facebook, Instagram và các trang web ghi nhận sự tăng trưởng trong và ngay cả sau khi dịch", bà Lan nói thêm.