Doanh nghiệp đối phó COVID-19 kéo dài bằng công nghệ và phương thức mới

16:01 | 21/02/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Doanh nghiệp ứng dụng biện pháp công nghệ và phương thức làm việc mới để thích ứng hơn, đối phó COVID-19 vẫn kéo dài.
Theo ndh.vn, dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp cả ở thị trường trong nước và nước ngoài. Một số ngành, doanh nghiệp cho biết đã ứng dụng biện pháp kinh doanh, công nghệ và phương thức làm việc mới nhằm hạn chế những ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu.
 
 
Doanh nghiệp đối phó COVID-19 kéo dài bằng công nghệ và phương thức mới - ảnh 1
 
Doanh nghiệp chủ động ứng dụng cách thức kinh doanh mới để
ứng phó với dịch COVID-19 kéo dài
 
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da, giày và túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã đẩy mạnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và doanh nghiệp ngành da, giày và túi xách đã ứng dụng rất linh hoạt điều này. Đặc thù của ngành muốn có đơn hàng phải có mẫu nhưng năm vừa rồi do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc trao đổi mẫu bị gián đoạn.
 
“Chúng tôi đã xây dựng giao diện mới, design (thiết kế) trên 3D, giao dịch mẫu qua trực tuyến. Mẫu này do designer, nhà nghiên cứu phát triển Việt Nam thực hiện thay vì designer nước ngoài vẫn thường làm. Điều này không chỉ giúp ngành vẫn có được đơn hàng mới mà còn là cơ hội chứng minh cho những thương hiệu lớn trên thế giới thấy Việt Nam có đủ năng lực design, phát triển cho các chuỗi cung ứng toàn cầu một cách toàn diện”, ông Thuấn nói.
 
Cũng theo vị này năm vừa qua, ngành công nghiệp thời trang hoàn thành 90% kế hoạch đề ra nhờ việc kiểm soát tốt dịch của Chính phủ, nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết và có hiệu lực như EVFTA, RCEP và UKVFTA bên cạnh nỗ lực của chính bản thân mỗi doanh nghiệp.
 
Theo số liệu Lefaso, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành da, giày và túi xách năm 2020 đạt khoảng 19,5 tỷ USD, giảm khoảng 11% so với năm 2019 và kim ngạch xuất khẩu trở về mốc của năm 2018. Trong đó, hai thị trường Mỹ và EU chiếm đến 70% tổng sản lượng xuất khẩu của cả ngành lại là những thị trường chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch COVID-19 trong năm vừa qua. Trong bối cảnh này, không chỉ nhà mua hàng thay đổi phương thức đặt hàng mà nhà cung cấp cũng buộc phải thay đổi năng lực đáp ứng nhu cầu sản xuất, giao hàng. Doanh nghiệp cũng phải chấp nhận và đáp ứng điều kiện khắc nghiệt hơn như thời gian giao hàng rút ngắn 30%, giá giao hàng lên tàu (FOB) giảm và phải minh bạch chuỗi cung ứng để người mua kiểm soát chuỗi...
 
“Chưa bao giờ Chính phủ phản ứng nhanh và kịp thời như hiện nay. Chúng tôi tạm gọi là Chính phủ đã “cõng” doanh nghiệp trên vai rồi. Bây giờ, vấn đề còn lại làm được hay không hay không, hay làm được như thế nào là do cộng đồng doanh nghiệp hoặc từng doanh nghiệp có xây dựng được nền tảng vững chắc để nắm bắt cơ hội cực lớn từ thị trường thế giới”, ông Thuấn nói.
 
Ngành da, giày và túi xách đang có những tín hiệu tốt khi nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng cho năm nay. Vì vậy, ngành đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 20 tỷ USD để bù đắp những thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra trong năm vừa qua.
 
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết 2021-2023 là giai đoạn phục hồi hậu COVID-19, chuỗi cung ứng và phương thức vận hành được sắp xếp lại. Dự kiến đến giữa hoặc cuối năm 2023, thị trường dệt may mới quay lại ngưỡng 2019. Kéo theo đó, đặc trưng của thị trường và việc cạnh tranh đã hoàn toàn khác biệt, như việc chuyển đổi số và áp dụng IoT là điều kiện cần ở các doanh nghiệp. Phương thức kinh doanh online tăng mạnh với sự hỗ trợ của công nghệ thử size từ xa và nhiều ứng dụng trên điện thoại thông minh. Đồng thời, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp truyền thống và lớn có nguy cơ bị xoá nhòa sau thời gian tạm dừng hoạt động vì áp dụng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, các đối thủ sẽ bắt đầu ở cùng một vạch xuất phát mới.
 
Trong bối cảnh đó, Vinatex đã xác định chuyển đổi số toàn bộ quá trình hoạt động của doanh nghiệp, trước tiên là quá trình quản trị sản xuất, tồn kho và logistic. Đồng thời, nâng cao năng lực sản xuất theo mô hình OEM và đào tạo, đào tạo lại đội ngũ nhân lực trong điều kiện mới, đặc biệt đảm bảo an toàn tài chính để phát triển dài hạn.
 
Cũng giống như nhiều doanh nghiệp khác bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ông Nguyễn Tuấn Linh, Giám đốc Công ty Du lịch Mr Linh Adventure cho biết doanh thu năm 2020 giảm 90% so với 2019, trong đó mảng kinh doanh lữ hành bị ảnh hưởng nhiều nhất, sau đó là lưu trú và vận tải.
 
Trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, doanh nghiệp xác định đây là thời điểm xây dựng lại hệ thống và phát triển hình thức kinh doanh mới. Đơn vị này đang có ý tưởng xây dựng một app (ứng dụng) cung cấp cẩm nang du lịch cho khách nước ngoài vào Việt Nam mang tên Vietnamguide.travel, nhằm cung cấp thông tin cho khách nước ngoài trước khi du lịch đến Việt Nam. Hiện app đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và kỳ vọng có thể đưa ra thị trường vào qúy II năm nay.
 
“Chúng tôi kỳ vọng năm nay tiếp tục được hỗ trợ tham gia kết nối, giao thương và xúc tiến online với những hội chợ quốc tế càng nhiều càng tốt thông qua Tổng cục Du lịch", ông Linh nói.
Đề cập trong lĩnh vực dệt may, baotintuc.vn khẳng định: Doanh nghiệp dệt may ra quân sản xuất phù hợp với tình hình mới.
Đầu năm 2021, đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Trước bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đã đồng loạt khai Xuân vừa sản xuất vừa tăng cường chống dịch, với kỳ vọng một năm mới thắng lợi, sung túc, hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
 
Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến ngành sản xuất - tiêu dùng dệt may. Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 - Thân Đức Việt, do tình hình phức tạp của đại dịch, ngay từ trước Tết, May 10 đã điều chỉnh lại toàn bộ các kế hoạch sản xuất cũng như kế hoạch hoạt động phong trào; trong đó ưu tiên tuyệt đối trong giai đoạn này là phòng, chống dịch. Còn các đơn hàng tập trung giao sản phẩm trước Tết cho đối tác, về cơ bản công ty đã hoàn thiện. Riêng các hoạt động khai Xuân, năm nay May 10 sẽ không tổ chức như truyền thống mà thực hiện nghiêm túc việc phòng, chống dịch theo hình thức online.
 
 
Doanh nghiệp đối phó COVID-19 kéo dài bằng công nghệ và phương thức mới - ảnh 2 
Dây chuyền sản xuất tại Công ty Dệt may Eclat Việt Nam.
 
 
Bên cạnh đó, tại nơi làm việc, công ty thực hiện chặt chẽ phòng, chống dịch, khử khuẩn, khai báo y tế, buồng khử khuẩn đặt trước cổng trụ sở công ty cũng được kích hoạt với mức độ cảnh báo cao.
 
Ông Thân Đức Việt cho biết thêm, về tiến độ các đơn hàng xuất khẩu trước Tết Âm lịch, thời điểm ngày 28/1 cho đến lúc nghỉ Tết Nguyên đán chỉ còn hơn 1 tuần, May 10 đã phải huy động toàn bộ người lao động tập trung làm việc với những kịch bản có thể xảy ra, bởi bản thân một số đơn vị, khu vực ở địa bàn Hà Nội đã bị phong tỏa.
 
Mặc dù ưu tiên phòng, chống dịch nhưng May 10 cũng tăng cường các biện pháp, kế hoạch sản xuất, kinh doanh để tập trung hoàn thành đúng tiến độ đơn hàng, nhằm đảm bảo mục tiêu kinh tế đề ra.
 
Cũng theo chia sẻ của ông Nguyễn Hải Đường, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần M2 Việt Nam (M2 Việt Nam): “Trong năm qua, M2 cũng đã thiệt hại nặng nề. Sang năm 2021, chúng tôi hi vọng sẽ tươi sáng hơn, song kế hoạch sản xuất kinh doanh cũng đã được điều chỉnh giảm. Mục tiêu trước mắt là chống dịch, doanh nghiệp cố gắng đi vào hoạt động đảm bảo an toàn và đẩy mạnh bán online, tiệm cận với người tiêu dùng. Đồng thời lên hết các kịch bản, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh”.
 
 
Ngành dệt may Việt Nam vừa trải qua một năm 2020 suy giảm lần đầu tiên trong lịch sử 25 năm mở thị trường xuất khẩu ra thế giới. Tuy nhiên, đến năm 2021, trong tình hình bình thường mới của thế giới, các hoạt động giao dịch thương mại đã trở lại, tuy số lượng và đơn giá chưa trở lại bằng ngưỡng năm 2019.
 
Minh Hoa