Doanh nghiệp: Đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ CMCN 4.0

13:52 | 26/06/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên quy mô toàn cầu và tác động trực tiếp tới nền kinh tế Việt Nam. Trong đó các doanh nghiệp là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp.

Nhằm mang đến các giải pháp giúp doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam giảm thiểu những tác động tiêu cực và tận dụng tốt nhất cơ hội, ứng dụng cộng nghệ 4.0 thành công vào sản xuất kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội thảo “Doanh nghiệp, doanh nhân 4.0”.

Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang diễn ra sôi động trên toàn thế giới được đánh giá là mang lại cơ hội lớn cho các quốc gia. Theo các chuyên gia kinh tế, CMCN 4.0 giúp các doanh nghiệp (DN) có cơ hội mở rộng thị trường phát triển. DN ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sản phẩm, sẽ có sự thay đổi lớn từ phía cung hàng hóa thông qua việc tiết giảm chi phí và tăng năng suất lao động. Cùng với đó, chi phí giao thông vận tải và thông tin liên lạc sẽ giảm xuống, hậu cần và chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ trở nên hiệu quả hơn, các chi phí thương mại được giảm bớt. Từ đó, thị trường của DN sẽ được mở rộng...

Theo số liệu khảo sát của Bộ Công Thương, hiện nay, có 61% DN Việt Nam còn đứng ngoài cuộc CMCN 4.0 và 21% DN mới bắt đầu có các hoạt động chuẩn bị. Còn theo thống kê của Cục Thông tin KH&CN quốc gia, năm 2018, trong 10.994 DN sản xuất, có 879 doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến (8%); 5.501 doanh nghiệp sử dụng công nghệ trung bình, TB tiến tiến (50%); 4.614 doanh nghiệp còn lại sử dụng công nghệ lạc hậu (42%).

Doanh nghiệp: Đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ CMCN 4.0 - ảnh 1
 Hội thảo “Doanh nghiệp, doanh nhân 4.0”.
Nhìn nhận tác động của CMCN 4.0, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho biết, CMCN 4.0 làm thay đổi toàn bộ cuộc sống và cách làm việc của con người.
Theo ông Hiếu, xu hướng của CMCN 4.0 thay đổi nhanh đến mức, mới đây 800 doanh nhân họp ở Davos (Thụy Sĩ) đã dự báo 21 sản phẩm sẽ xuất hiện trong 10 năm tới. Các sản phẩm đó bao gồm: 90% dân số có thể lưu trữ dữ liệu không giới hạn và miễn phí (có kèm quảng cáo); 80% người dân hiện diện số trên internet; chiếc ô-tô đầu tiên được sản xuất hoàn toàn bằng công nghệ in 3D; dược sĩ robot đầu tiên ở Mỹ… Tuy nhiên thách thức từ CMCN 4.0 đối với DN cũng nhiều nhưng cơ hội kinh doanh tạo ra từ cuộc cách mạng này cũng rất lớn. Rất nhiều công nghệ mới có thể giúp DN thay đổi hoạt động kinh doanh. Do đó, DN phải có tư duy thay đổi, thay đổi để “sống”. Khi DN chuyển đổi số mà tư duy không có sự thay đổi thì hệ thống số đó cũng sẽ không có giá trị.
Ông Hiếu đề nghị DN nên tự chủ động tìm hiểu nghiên cứu về cuộc cách mạng này và những tác động của cuộc cách mạng đến DN. Bởi hiện nay rất ít các DN vừa và nhỏ biết và chủ động tìm hiểu về CMCN 4.0. DN phải nhận thức về cuộc cách mạng này và có những hành động cụ thể. DN hãy tư duy hàng ngày làm thế nào để kinh doanh hiệu quả hơn. Như vậy, để kinh doanh hiệu quả thì phải áp dụng những khoa học, công nghệ hiện có, công nghệ tiên tiến và cân đối giữa đầu tư và lợi ích.
Nói về chính sách và giải pháp hỗ trợ về khoa học và công nghệ để doanh nghiệp tiếp cận và thích ứng với CMCN 4.0, ông Nguyễn Hữu Xuyên, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng, hiện Chính phủ có nhiều chính sách để tiếp cận cuộc cách mạng 4.0.
“Chúng ta đã mường tượng ra cuộc cách mạng 4.0 sẽ như thế nào để đón đầu. Tuy nhiên, thực tế chúng ta vẫn có những độ trễ nhất định. Theo đó, doanh nghiệp phải là trung tâm để đổi mới, để ứng phó với cuộc cách mạng 4.0 nhằm tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Xuyên nói.
Doanh nghiệp: Đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ CMCN 4.0 - ảnh 2
 Áp dụng công nghệ vào dây chuyền sản xuất của công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông.
Ông Xuyên cũng cho rằng, các DN phải thay đổi nhận thức về cách thức sản xuất và môi trường kinh doanh, phải thay đổi từ cạnh tranh tĩnh sang cạnh tranh động để có thể bắt kịp xu hướng…
“Để làm được điều đó, chúng ta phải đánh thức tiềm năng của chính mình để phát triển công nghệ trong tương lai. Tỉ lệ DN sử dụng công nghệ đang tăng rất mạnh. Nhưng DN lớn có bộ phận tự nghiên cứu, triển khai công nghệ chỉ chiếm chưa đến 3% (quá thấp trong cuộc cách mạng 4.0)”, ông Xuyên nhấn mạnh.
Còn theo ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược và cạnh tranh, khi nói về cuộc cách mạng này người ta nói nhiều đến sáng tạo những công nghệ với đột phá về kết nối. Đặc biệt là về công nghệ thông tin hay như IoT, dữ liệu lớn. Tuy nhiên, để có sự đột phá này, bài toán chính là cải cách và thay đổi thể chế. Trong thể chế có 2 nhóm rất quan trọng là tháo rào cản và xây mới, hai là thúc đẩy phát triển sáng tạo. Chúng ta đều biết nguồn lực quan trọng nhất liên quan đến vấn đề dữ liệu cho nên khung pháp lý đầu tiên cần làm và tập trung nhất chính dữ liệu. Nó liên quan đến quyền sở hữu, tiếp cận, quyền riêng tư và dịch chuyển dữ liệu số, đặc biệt là dịch chuyển qua biên giới. Cho nên chúng ta phải có những bước tiến, bước đi nhanh chóng quyết liệt. Đây là mấu chốt quan trọng trong cải thiện khuôn khổ pháp lý.
Bên cạnh đó, với cuộc cách mạng này có rất nhiều điều mới mẻ. Cho nên với cách làm Stanbox phải cụ thể về thời gian, phạm vi, trách nhiệm. Câu chuyện Grab và taxi truyền thống thể hiện rất rõ, dù Bộ Giao thông vận tải đã soạn thảo rất nhiều lần. Bởi trong kỷ nguyên số này người thắng cuộc sẽ được tất cả.
Mặt khác, ông Thành cho rằng để phát triển CMCN 4.0, cần đề cao vai trò của thể chế và người lãnh đạo. Thể chế phải tốt, lãnh đạo phải nhanh, mạnh và quyết đoán, sâu sát, nhạy cảm với tình hình để có quyết sách đúng đắn. Tiếp theo là phải có một hệ thống giáo dục đào tạo kỹ năng tốt để cung cấp cho thị trường nguồn nhân lực số có chất lượng cao. Bên cạnh đó phải tiếp tục coi DN sáng tạo là trung tâm, đồng thời thúc đẩy an ninh mạng kết nối.