Doanh nghiệp được hỗ trợ gì khi đầu tư tại Thái Nguyên?

12:08 | 11/06/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Cùng với các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nhiều cơ chế đặc thù ưu đãi để mời gọi các nhà đầu tư.

Với nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân, tỉnh Thái Nguyên dần trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế của cả nước, trong đó nổi bật là việc thu hút, hấp dẫn các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm, uy tín cả trong và ngoài nước.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 5.000 doanh nghiệp, trong đó có 900 dự án đang còn hiệu lực, với tổng số vốn đầu tư khoảng 15 tỷ USD; diện tích đất dự kiến sử dụng khoảng 9.000 ha và khoảng 100.000 lao động, trong đó có trên 120 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký đạt trên 7,2 tỷ USD. Tỉnh đang thu hút nhiều doanh nghiệp, doanh nhân từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Bỉ, Đức… đến tìm hiểu đầu tư.

Doanh nghiệp được hỗ trợ gì khi đầu tư tại Thái Nguyên? - ảnh 1

Bên cạnh các tiềm năng lợi thế sẵn có, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên luôn cam kết thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh với mức ưu đãi tốt nhất theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành các luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Nhiều chính sách ưu đãi có lợi cho nhà đầu tư nhằm thu hút, mời gọi các các nhà đầu tư, các tập đoàn kinh tế lớn vào Thái Nguyên đã được áp dụng như: Các chính sách về thu hồi đất, tiến độ giao đất, giao mặt bằng, cho thuê đất để thực hiện đầu tư; hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án; hỗ trợ tư vấn các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư; hỗ trợ xúc tiến thương mại; các chính sách ưu đãi về giá thuê đất và miễn tiền thuê đất; ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng; hỗ trợ đào tạo nghề đối với các dự án thuộc danh mục khuyến khích đầu tư của tỉnh; hỗ trợ về chuyển giao, ứng dụng công nghệ... Điều này đã tạo ra một động lực mới trong thu hút đầu tư.

Thái Nguyên cũng đã xây dựng Đề án cải thiện môi trường đầu tư tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020, nhằm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình mới, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo môi trường đầu tư thuận lợi.

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, sớm đưa tỉnh Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018 với mục tiêu tiếp tục tuyền truyền quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, chính sách đầu tư của tỉnh đến với các nhà đầu tư trong và ngoài nước; tạo diễn đàn gặp gỡ, đối thoại trực tiếp giữa chính quyền tỉnh với các nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế.

Theo đó, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư dự kiến diễn ra đầu tháng 7/2018 tỉnh Thái Nguyên mời gọi đầu tư 65 dự án trên cơ sở lựa chọn từ đề xuất của các sở, ngành, địa phương thuộc các lĩnh vực: Công nghiệp (15 dự án); Nông nghiệp (19 dự án); Hạ tầng thương mại, văn hóa, thể thao, du lịch (12 dự án); Giao thông-đô thị (15 dự án); Y tế, giáo dục (4 dự án).

Cùng với các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nhiều cơ chế đặc thù ưu đãi đầu tư.

Cụ thể: Thái Nguyên có 7/9 đơn vị cấp huyện thuộc danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ về việc miễn, giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp.

Doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư vào địa bàn huyện Võ Nhai, Định Hóa và thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi 10% kể từ khi có thu nhập chịu thuế; được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo.

Doanh nghiệp đầu tư vào các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương, Phú Bình và thị xã Phổ Yên được áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp 17% trong thời hạn mười năm, được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 02 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo.

Doanh nghiệp thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư khi thành lập được miễm thuế xuất nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Ngoài cơ chế ưu đãi theo quy định của Chính phủ, tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ đầu tư công trình ngoài hàng rào; dự án nông nghiệp, công nghệ cao khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; đối với những dự án có quy mô lớn và có ý nghĩa quan trọng, chính quyền tỉnh Thái Nguyên sẽ phối hợp với Nhà đầu tư nghiên cứu trình Chính phủ cho áp dụng các chính sách ưu đãi đặc thù.

Được biết, đến hết tháng 5/2018, đã có 5 dự án của nhà đầu tư tại Thái Nguyên đủ điều kiện trao Quyết định chấp thuận chủ trưởng đầu tư với số vốn dự kiến là hơn 3,4 nghìn tỷ đồng; trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 8 dự án với số vốn trên 1,8 nghìn tỷ đồng; dự kiến sẽ ký biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư 23 dự án có tổng mức đầu tư dự kiến trên 12,4 nghìn tỷ đồng.

UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đang chỉ đạo các ngành của tỉnh tập trung rà soát, thẩm tra và hoàn thiện thủ tục liên quan đến các dự án đảm bảo đủ điều kiện triển khai các nội dung trao quyết định và ký hợp tác với các nhà đầu tư.

Cùng với đó, tỉnh Thái Nguyên cũng đã tiếp xúc và mời tham dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư của tỉnh với một số đoàn các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp…) về các lĩnh vực như: Bất động sản, giáo dục đào tạo, xử lý rác thải, nước sạch sinh hoạt, du lịch, dự án khu vui chơi giải trí, thể thao, trường đua ngựa, nông nghiệp công nghệ cao…

Theo báo Xây dựng