Doanh nghiệp khó tiếp cận quy định của thị trường về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch, đặc biệt từ những thị trường lớn nhiều biến động: Bộ Nông nghiệp đi tìm giải pháp

Nhật Tân 19:00 | 13/02/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Doanh nghiệp và Hợp tác xã còn khó tiếp cận với các quy định của thị trường về dịch tễ và kiểm dịch, đặc biệt là những thị trường có nhiều biến động như Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Hoa Kỳ do việc thay đổi thường xuyên và nhiều nội dung liên quan đến kỹ thuật.
Hiện cả nước có hơn 2.100 doanh nghiệp chế biến nông sản quy mô vừa và lớn. Nguồn: hanoimoi.com.vn.

Gần đây, Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) tiếp tục nhận phản hồi từ Hệ thống thông báo an toàn thực phẩm (ATTP) và thức ăn chăn nuôi của Liên minh châu Âu.

Việc Hệ thống thông báo ATTP và thức ăn chăn nuôi của EU cảnh báo sản phẩm mì ăn liền của một nhãn hiệu Việt có mối nguy chứa 2-Chloroethanol ở mức 1,6mg/kg gần đây thêm một lần nữa dấy lên cảnh báo về những tồn tại, hạn chế của các cơ quan chức năng của Việt Nam trong việc quản lý, đánh giá, thử nghiệm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ các quy định SPS tại các thị trường xuất khẩu.

Chưa có sự vào cuộc hỗ trợ quyết liệt trước những đòi hỏi SPS ngày càng khắt khe

Đánh giá về hiện trạng thực thi SPS của các doanh nghiệp, hợp tác xã, Bộ NNPTNT cho biết: Hiện cả nước có hơn 2.100 doanh nghiệp chế biến nông sản quy mô vừa và lớn, với nhiều phẩm hàng hóa nông sản thực phẩm đa dạng, phong phú và chất lượng, đáp ứng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Các doanh nghiệp này đã áp dụng các tiêu chuẩn, qui chuẩn đảm bảo chất lượng (chứng nhận VietGAP, GlobleGAP ASC, BAP…) và đầu tư công nghệ hiện đại vào khâu bảo quản, chế biến, không những đảm bảo ATTP mà còn nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm và tận dụng tối đa nguyên liệu, giảm thất thoát sau thu hoạch.

Cùng với đó, các hợp tác xã đã hình thành các liên kết ngang như tổ đội sản xuất, tạo điều kiện gia tăng qui mô sản xuất, mua chung vật tư đầu vào, bán chung sản phẩm đầu ra, giúp các hộ sản xuất nhỏ lẻ vừa đảm bảo hiệu quả sản xuất, vừa tuân thủ qui định sử dụng có trách nhiệm vật tư nông nghiệp và qui trình canh tác.

Tuy nhiên, Bộ NNPTNT thừa nhận, hiện nay, khả năng cập nhật thông tin về các biện pháp SPS của thị trường đến các địa phương, hiệp hội, hợp tác xã và các đối tượng liên quan còn hạn chế.

Chưa có sự vào cuộc hỗ trợ quyết liệt kiểm soát của các cơ quan kiểm soát đầu vào (cây giống, con giống, quá trình canh tác, nuôi) để tiết kiệm chi phí, nhân lực cho cơ sở sản xuất và xuất khẩu.

Việc tổ chức triển khai các quy định SPS đến các cơ quan quản lý trong mạng lưới SPS, hiệp hội ngành hàng, các đối tượng sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm cũng còn hạn chế.

Nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, người dân tham gia vào chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chưa cao, trước những đòi hỏi ngày càng khắt khe về kỹ thuật của các biện pháp SPS mà các nước đối tác áp dụng.

Doanh nghiệp và Hợp tác xã còn khó tiếp cận cũng như tìm hiểu sâu về các quy định của thị trường, đặc biệt là những thị trường có nhiều biến động như EU, Trung Quốc, Hoa Kỳ do việc thay đổi thường xuyên và nhiều nội dung liên quan đến kỹ thuật.

Cần thiết và cấp bách xây dựng Quy chế phối hợp triển khai các cam kết SPS và mở cửa thị trường

Trước thực trạng trên, Văn phòng SPS Việt Nam dự kiến đầu tháng 3 tới, tại Phiên họp lần thứ 2 của Tiểu ban SPS thuộc Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Văn phòng sẽ thảo luận về phản hồi quy định mới của EU về việc tạm thời tăng tần suất kiểm tra ATTP đối với quả thanh long của Việt Nam, tăng tần suất kiểm tra đối với các loại rau gia vị, đậu bắp và ớt; về việc yêu cầu bổ sung chứng thư (health report) và báo cáo kiểm nghiệm (test report) với chỉ tiêu Ethylene oxide đối với các sản phẩm thực phẩm ăn liền nhập khẩu vào EU.

Ngành nông nghiệp sẽ tập trung tháo gỡ rào cản kỹ thuật, giải quyết có hiệu quả vấn đề kiểm dịch động, thực vật. Nguồn: TTXVN.

Qua đó, thống giải pháp và tiến độ để EU giảm tần suất kiểm tra nông sản, thực phẩm của Việt Nam, đặc biệt là quả thanh long và thực phẩm ăn liền.

Văn phòng SPS Việt Nam cũng sẽ cập nhật tiến độ thực thi cam kết SPS của Hiệp định EVFTA; cập nhật danh sách doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào EU và ngược lại.

Ngành nông nghiệp sẽ tập trung tháo gỡ rào cản kỹ thuật, giải quyết có hiệu quả vấn đề kiểm dịch động, thực vật; đảm bảo ATTP; chất lượng và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.

Đẩy nhanh tiến độ đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước EU theo Hiệp định EVFTA và các nước theo Hiệp định Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu, chú ý thị trường Nga và thị trường tiềm năng khác. Đàm phán mở cửa thị trường chính ngạch cho các sản phẩm hoa quả tươi, rau, thủy sản sang các thị trường có yêu cầu chất lượng cao; duy trì và phát triển bền vững thị trường lớn đã có, mở rộng thị trường sang những nền kinh tế có cơ cấu bổ sung với Việt Nam...

Phối hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tham tán thương mại, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường trọng điểm Mỹ, EU, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản

Đáng chú ý, Bộ NNPTNT đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định SPS của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và cam kết SPS trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do” (Đề án).

Theo đó, Bộ sẽ chuẩn hóa hệ thống kiểm dịch động, thực vật phù hợp thông lệ quốc tế. Việc xây dựng Đề án được Bộ NNPTNT nhấn mạnh là cần thiết và cấp bách nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn với kinh tế thế giới và thương mại nông sản thực phẩm toàn cầu.

Đề án sẽ là cơ sở để tiếp tục hoàn thiện và đồng bộ hóa các quy định luật pháp trong lĩnh vực SPS; hoàn thiện về thể chế trong áp dụng các biện pháp SPS. Đặc biệt là xây dựng Quy chế phối hợp triển khai các cam kết về SPS và mở cửa thị trường nông lâm sản và thủy sản, thực thi nghĩa vụ về minh bạch hóa trong khuôn khổ WTO và các FTA.

Giúp tận dụng tốt cơ hội hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực về SPS từ các đối tác thương mại là các nước phát triển; đào tạo nâng cao nhận thức cho người quản lý, người sản xuất về vai trò và tầm quan trọng của biện pháp SPS nhằm bảo vệ sức khoẻ con người và an toàn dịch bệnh trong thương mại nông sản thực phẩm quốc tế; đào tạo, phổ biến các quy định về SPS của thị trường, việc tuân thủ các qui định trong xâm nhập và mở rộng thị trường…

Đề án kỳ vọng sẽ giúp nâng cao năng lực quản lý, đánh giá, thử nghiệm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ các quy định SPS tại các thị trường xuất khẩu; tận dụng tối đa cơ hội đầu tư của các nước thành viên WTO và mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông, lâm, thủy sản và thực phẩm của Việt Nam.

Đồng thời, đặt mục tiêu cụ thể như đến năm 2025 là 100% các địa phương kiện toàn hệ thống đầu mối hỏi đáp các quy định SPS của thị trường nhập khẩu. Đến năm 2030, 100% các hợp tác xã được phổ biến, cập nhật các quy định SPS của thị trường nhập khẩu.