Doanh nghiệp làm gì để tận dụng lợi thế từ Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2020?

09:38 | 19/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Doanh nghiệp làm gì để tận dụng lợi thế từ Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2020 là nội dung được bàn thảo sâu tại Hội thảo “Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật Đầu tư 2020 - Doanh nghiệp cần làm gì?”, sáng 18/12.
Doanh nghiệp làm gì để tận dụng lợi thế từ Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2020? - ảnh 1
 
 

Nhiều điểm mới thu hút nguồn lực đầu tư

 
Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Đầu tư 2020 đã được Quốc hội Việt Nam thông qua và chính thức có hiệu lực vào năm 2021, dự báo sẽ tác động lớn đối với hoạt động của doanh nghiệp. Hội thảo được tổ chức nhằm cập nhật, cung cấp những thông tin hữu ích mới nhất và hướng dẫn cho doanh nghiệp để áp dụng Luật mới trong quá trình kinh doanh, sản xuất và đầu tư tại Việt Nam.
 
Hiện nay, Việt Nam đang tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA thế hệ mới với những cam kết cao về mở cửa thị trường và hội nhập kinh tế khu vực. Để có thể duy trì sản xuất và kinh doanh cũng như phát triển bền vững, hội nhập sâu rộng, theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI, các doanh nghiệp cần phải hiểu rõ về Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2020 để có thể tận dụng được những cơ hội mang lại từ những sửa đổi của luật mới nhằm đơn giản hóa các thủ tục, tạo thuận lợi cho mở rộng thị trường, thúc đẩy hơn nữa đầu tư, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp đầu tư, liên doanh và hợp tác làm ăn với các doanh nghiệp Việt Nam.
 
Tại hội thảo, Luật sư Lê Đình Vinh, Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink, Trọng tài viên VIAC nhấn mạnh, Luật Đầu tư đã được sửa đổi với nhiều điểm mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài.
 
Chẳng hạn như: Điều 16 Luật Đầu tư năm 2020 có bổ sung những nội dung mới về sản xuất các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ, sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, giáo dục đại học, sản xuất trang thiết bị y tế, sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành.
 
Hay, Điều 15 bổ sung thêm quy định về hình thức và đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư theo các quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp hay theo pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Đồng thời, thêm hình thức ưu đãi đầu tư là khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế.
 
Luật Đầu tư năm 2020 cũng quy định rõ ràng, thu hẹp và làm rõ phạm vi đối tượng được hưởng ưu đãi. Từ đó, chính sách ưu đãi đầu tư được hiệu quả hơn khi xác định được đối tượng hưởng phù hợp, xứng đáng.
 
Những thay đổi cụ thể của Luật Đầu tư năm 2020 về đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư bổ sung thêm tiêu chí có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10.000 tỷ đồng mỗi năm trong thời gian chậm nhất sau 3 năm kể từ năm có doanh thu hoặc sử dụng trên 3.000 lao động đối với đối tượng là dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên; thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.
 
Đây cũng là điểm mới nổi bật về ưu đãi đầu tư của Luật Đầu tư năm 2020 khi cho phép Thủ tướng Chính phủ áp dụng ưu đãi đặc biệt để tạo cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn, kịp thời thu hút dòng vốn FDI đang dịch chuyển nhanh chóng trong bối cảnh hiện nay.
 
Chính phủ có thể trình Quốc hội quyết định áp dụng các ưu đãi đầu tư khác với ưu đãi đầu tư được quy định tại luật này và các luật khác trong trường hợp cần khuyến khích phát triển một dự án đầu tư đặc biệt quan trọng hoặc đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Chính phủ quyết định việc áp dụng ưu đãi đầu tư đặc biệt nhằm khuyến khích phát triển một số dự án đầu tư có tác động lớn đến phát triển kinh tế – xã hội.
 
Theo đó, dự án đầu tư thành lập mới gồm các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển có tổng vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư; trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
 
Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.
Ông Hoàng Quang Phòng nhận định, thời điểm này, Việt Nam có khoảng 750.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Việc thu hút đầu tư trong nước cũng như nước ngoài đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
 
Giai đoạn 2016-2018, số lượng dự án đăng ký và vốn đầu tư giải ngân tăng nhanh. Riêng năm 2018, vốn giải ngân đạt gần 20 tỷ USD. Trong những thành công ấy có sự đóng góp không nhỏ của Luật Đầu tư nói riêng cũng như các chính sách phát triển nền kinh tế nói chung.
 
Kế thừa tinh thần tiến bộ của Luật Đầu tư qua các phiên bản, Luật Đầu tư 2020 vừa được Quốc hội thông qua đã có nhiều điểm mới tiến bộ, được kỳ vọng là bệ đỡ vững chắc cho quá trình đầu tư của doanh nghiệp.
 

Phải được chi tiết hóa khi đi vào cuộc sống

 
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2020 phải được chi tiết hóa khi đi vào cuộc sống.
 
 
Doanh nghiệp làm gì để tận dụng lợi thế từ Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2020? - ảnh 2
 Các Luật về Đầu tư và Luật doanh nghiệp đang tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển tốt hơn
 
Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế tại Việt Nam cho biết, hệ thống pháp luật trong mảng kinh doanh thời gian qua có thể chưa thật thống nhất, hợp lý khả thi và minh bạch. Tuy nhiên nếu xét theo từng giai đoạn thì hiện trạng đó càng ngày càng được cải thiện nhanh hơn, quy mô cải thiện lớn hơn, và hiệu quả cải thiện rõ rệt hơn.
 
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Kim Dung, Giám đốc pháp chế, trường Đại học Anh quốc Việt Nam nêu ý kiến, sửa đổi các các Luật về Đầu tư và Luật doanh nghiệp đã, đang và sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển tốt hơn trong thời gian tới.
 
“Luật Đầu tư năm 2020 sửa đổi đã có thay đổi lớn trong lĩnh vực giáo dục Đại học và đã được đưa vào danh mục ưu đãi đầu tư. Chúng tôi hi vọng trong tương lai, các trường Đại học sẽ được ưu đãi về thuế, thuế thu nhập về đất đai và các chế độ chính sách dành cho các ngành nghề nằm trong danh mục ưu đãi đầu tư”, bà Dung cho biết.
 
Luật sư Lê Đình Vinh, Giám đốc Công ty luật Vietthink đánh giá, qua 3 lần sửa đổi Luật Đầu tư có nhiều điểm mới, tháo gỡ những vướng mắc trong thực thi áp dụng để luật đi vào cuộc sống tốt hơn, đáp ứng nhu cầu hội nhập của quốc tế.
 
Trong sửa đổi lần này, phạm vi khá bao trùm tạo được sự công bằng, công khai, minh bạch cho môi trường đầu tư. Đồng thời tạo tính thống nhất đồng bộ giữa Luật Đầu tư và hướng tới hội nhập quôc tế, trong các Hiệp định thương mại tự do, cũng như nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư kinh doanh, mà đặc biệt là đối với hoạt động đầu tư nước ngoài.
 
Ông Vinh cho rằng, những sửa đổi, bổ sung về cơ bản đã giải quyết được những yêu cầu thực tiễn và được nhà đầu tư đánh giá cao. Tuy nhiên vẫn còn những vấn đề chưa đáp ứng được những kỳ vọng, một số quy định mới đưa vào luật trong quá trình hướng dẫn, triển khai vào thực tế cũng sẽ có những vướng mắc.
 
Do đó, cần phải rà soát để tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các Luật liên quan để đồng bộ với các quy định mới của Luật Đầu tư 2020. Lúc đó, Chính phủ phải ban hành một loạt các nghị định hướng dẫn, những nội dung còn để ngỏ trong Luật Đầu tư 2020 để những quy định đó được chi tiết hóa và đi vào cuộc sống.
 
“Khi chưa có Nghị định thì Luật vẫn còn nằm trên giấy. Đối với doanh nghiệp không quá kỳ vọng vào tất cả những Luật đầu tư mới có thể tháo gỡ được, nhưng chính doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục nghiên cứu một cách đầy đủ tất cả các quy định của pháp luật liên quan, nhằm đem lại hiệu quả tốt nhất cho doanh nghiệp.
 
Minh Hoa