Doanh nghiệp logistics làm gì để phát huy lợi thế từ các Hiệp định thương mại?

20:18 | 20/12/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đây là vấn đề được đặt ra như một yêu cầu bức thiết tại “Hội thảo Xây dựng năng lực cạnh tranh tham gia chuỗi cung ứng và logistics khu vực châu Âu, châu Mỹ”, sáng 20/12, tại Hà Nội.

Doanh nghiệp logistics làm gì để phát huy lợi thế từ các Hiệp định thương mại? - ảnh 1

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. 
“Trăm dâu đổ đầu tằm”

Cụm từ “trăm dâu đổ đầu tằm” đã được ông Lê Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kho vận Việt Nam (Vinalogistic), người đã có kinh nghiệm làm logistics mấy chục năm qua lựa chọn để phản ánh về những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp trên lĩnh vực logistics đang gặp phải.

Chi phí logistics tại Việt Nam quá cao là một thực tế mà ông Minh không muốn thừa nhận, bởi theo ông, chi phí cao là do doanh nghiệp Việt phải nộp cho đối tác nước ngoài.

“Doanh nghiệp Việt khi mang hàng về đến Việt Nam, vẫn phải nộp thêm chi phí cho phía đối tác nước ngoài, cộng lại, thành chi phí logistics tại Việt Nam. Chi phí cao đó không vào túi của doanh nghiệp, không đóng góp vào nền kinh tế của đất nước được là bao”, ông Minh nói thẳng.

Mong muốn của ông Minh là doanh nghiệp Việt cần gạt bỏ tư duy chi phí logistics Việt Nam quá cao so với thế giới. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cũng như cộng đồng doanh nghiệp Việt phải làm nhìn nhận thực tế hơn, có biện pháp hiệu quả hơn.

“Chính sách của chúng ta hiện nay ai hiểu thế nào cũng được, ai làm thế nào cũng được. Người thực thi có làm sai thì doanh nghiệp không dám nói. Chúng ta cần cố gắng xây dựng chính sách theo hướng như thế nào là đúng, như thế nào là không đúng, rõ ràng rành mạch”, ông Minh đề xuất.

Bài bản để hưởng lợi

Trả lời phỏng vấn bên lề Hội thảo liên quan đến giải pháp  nào cho doanh nghiệp logistics vượt khó, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh chỉ rõ về cái hay và cái dở của doanh nghiệp Việt. Cái hay là rất linh hoạt, chấp nhận khó khăn và vượt qua khó khăn. Cái dở là thiếu bài bản nên chúng ta phải trả phí rất cao.

Doanh nghiệp logistics làm gì để phát huy lợi thế từ các Hiệp định thương mại? - ảnh 2
TS.Võ Trí Thành,Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh trả lời phỏng vấn bên lề Hội thảo. (Ảnh: Minh Hoa/DNVN). 
Theo ông Thành, khi có các Hiệp định thương mại, lẽ ra doanh nghiệp phải nhìn nhận, xây dựng chiến lược với các mặt hàng của mình nhưng họ lại ít bỏ ra cái đọc, học, xây dựng kế hoạch chiến lược ấy và thường cứ làm rồi va vấp, trả phí rồi mới trưởng thành.

Lời khuyên mà ông Thành đưa ra là doanh nghiệp nên học cái tốt nhất, bài bản chuyên nghiệp để đáp ứng yêu cầu tất yếu của cuộc chơi, tận dụng được cơ hội mà Hiệp định thương mại mang lại, đặc biệt là từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Cụ thể, theo ông Thành, tiềm năng từ thị trường châu Âu là rất lớn và đây là đối tác hàng đầu về thương mại bởi doanh nghiệp Việt Nam bươn chải và làm ăn với châu Âu rất nhiều rồi. Khi Việt Nam ký EVFTA, đây là cơ hội mở ra, đặc biệt là đối với mặt hàng truyền thống đã xuất sang châu Âu.

“Ngoài việc tận dụng FTA, các doanh nghiệp cần tận dụng, tìm hiểu, lựa chọn đối tác liên quan đến logistics vì chúng ta biết, trong hoạt động thương mại, phần logistics chi phí rất lớn. Việc tìm hiểu các hệ thống logistics của họ, điểm đến, điểm đi của họ gắn với mặt hàng thị trường xuất khẩu là việc hết sức cần thiết với doanh nghiệp Việt”, ông Thành khuyến nghị.

Đối với thị trường châu Mỹ, ông Thành cũng cho rằng đây thị trường đầy tiềm năng nhưng Việt Nam khai thác chưa tốt. Đây là thị trường hơn 500 triệu dân, thu nhập hơn gấp đôi của ASEAN, sắp tới tiềm năng mở ra, doanh nghiệp Việt cần tận dụng cơ hội.

“Một số nước thuộc khu vực châu Mỹ nằm trong Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) như Mexico, Peru. Một tháng trước, Việt Nam với Cuba cũng ký một Hiệp định gần như là thương mại tự do với hai nước. Cùng với đó, khu vực Mỹ Latin có liên minh Thái Bình Dương, có nghĩa, mình chơi với một nước ở đó thì có thể chơi với nhiều nước nữa. Đây là điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt tham gia, mở rộng các hoạt động logistics (tham gia vào các trung tâm logistics hoặc tự mình mở ra các trung tâm logistics). Khác với châu Âu, chúng ta tìm hiểu, học hỏi thì ở đây chúng ta có thể tham gia để tạo thêm lợi thế trong chuỗi cung ứng của mình, giảm chi phí, tăng lợi nhuận”, ông Thành nói.