Doanh nghiệp lớn của Việt Nam tham gia Hội chợ thủy sản Boston 2019
Các sản phẩm được trưng bày, giới thiệu tại hội chợ bao gồm thủy-hải sản đông lạnh, tươi sống, được chế biến cũng như các thiết bị công nghệ chế biến hiện đại.
Hội chợ đã diễn ra nhiều hội thảo về cập nhật xu hướng phát triển kinh tế nói chung và phát triển ngành thủy sản nói riêng, dự báo về tăng trưởng trong thời gian tới cũng như những ảnh hưởng của xu hướng người tiêu dùng và các công cụ tài chính như lãi suất và chính sách tiền tệ đối với ngành thủy sản toàn cầu.
Đây là nơi doanh nghiệp có thể chia sẻ thông tin về tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc sản phẩm và sử dụng các thiết bị điều khiển từ xa trong nuôi trồng thủy sản bền vững nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tới đại dương và môi trường nói chung.
Với tình hình kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Mỹ nói riêng có nhiều khởi sắc, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu không chỉ hai mặt hàng chủ lực là cá tra và tôm mà còn nhiều sản phẩm chế biến khác có giá trị gia tăng cao, theo bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng Thư ký VASEP.
Dự kiến, Ban tổ chức Hội chợ thủy sản Boston sẽ trao giải thưởng “Sản phẩm bán lẻ tốt nhất” và “sản phẩm mới tốt nhất” trong 3 ngày diễn ra hội chợ (17-19/3).
Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt 9 tỷ USD. Thủy sản Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội mở rộng thị trường.
Theo đó, lợi thế cắt giảm thuế quan từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang và sắp có hiệu lực như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) cùng với những diễn biến thuận lợi của yếu tố cung-cầu và trong thương mại thủy sản toàn cầu được đánh giá là những xung lực quan trọng để xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt mức tăng trưởng mạnh năm 2019 cũng như thời gian tới.
Nhu cầu tiêu dùng thủy sản của thế giới nói chung và nhiều thị trường quan trọng của Việt Nam đang có xu hướng gia tăng sẽ là điều kiện giúp các sản phẩm chủ lực như tôm, cá tra, cá ngừ thiết lập mức tăng trưởng xuất khẩu mới.
Ngoài ra, sức tiêu thụ tôm ở các thị trường xuất khẩu quan trọng khác của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đang có xu hướng tăng mạnh. Dự kiến, xuất khẩu tôm Việt Nam vào Nhật Bản sẽ tăng khoảng 14%, đạt 730 triệu USD, mức tăng tương tự tại Hàn Quốc sẽ là gần 30% và đạt kim ngạch 500 triệu USD.
Song song với đó, nhu cầu của thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam hiện nay là EU cũng được dự báo sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt là ở Anh và Hà Lan. Đó là cơ sở để ngành tôm đưa kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU đạt mức 1 tỷ USD trong năm 2019.
Tuy nhiên, ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, khoảng 840 dòng thuế suất cơ sở, chiếm khoảng 50% số dòng thuế đối với sản phẩm thủy sản sẽ giảm về 0%, số còn lại có lộ trình cắt giảm từ 3-7 năm. Một số mặt hàng đặc biệt như cá ngừ đóng hộp và surimi, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan lần lượt là 11.500 tấn và 500 tấn.
Để đạt được mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu trong ngắn hạn và đảm bảo sự phát triển bền vững lâu dài, đòi hỏi phải có những giải pháp căn cơ, đồng bộ trong việc nâng cao chất lượng chuỗi sản xuất-chế biến thủy sản và củng cố năng lực nắm bắt thời cơ cho các doanh nghiệp xuất khẩu.