Thương chiến Mỹ - Trung leo thang: 'Cửa sổ vàng' hay vòng xoáy cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam?

Trang Mai 15:03 | 11/04/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang bước vào giai đoạn căng thẳng chưa từng có, khi hai nền kinh tế hàng đầu thế giới liên tục “ăn miếng trả miếng” bằng những đòn thuế quan dữ dội.

Trong vòng xoáy ấy, ngành thủy sản toàn cầu chứng kiến những thay đổi lớn về dòng chảy thương mại, giá cả và cán cân thị phần. Với Việt Nam – quốc gia xuất khẩu thủy sản top đầu thế giới – đây có thể là thời khắc “vàng” để vươn lên, nhưng cũng là phép thử khắc nghiệt về năng lực thích ứng, minh bạch và cạnh tranh.

Cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung chưa có điểm dừng

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang vào năm 2025, đẩy hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vào vòng xoáy "trả đũa" thuế quan chưa từng có. Tính đến ngày 10/4, Mỹ đã nâng mức thuế lên đến 125% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, sau đợt tăng đột ngột 50% chỉ trong vòng một ngày (từ mức 104% lên 125% vào ngày 9/4).

Đáp trả, Trung Quốc cũng nâng mức thuế trả đũa từ 34% lên 84%, đồng thời đưa ra loạt biện pháp cứng rắn như cấm xuất khẩu nguyên tố đất hiếm và liệt kê 11 công ty Mỹ vào danh sách “không đáng tin cậy”.

Trước đó, vào đầu tháng 4, hai bên đã lần lượt áp thuế 34% lên hàng hóa của nhau, cộng dồn với các mức thuế hiện hành, khiến tổng mức thuế trung bình Mỹ áp lên Trung Quốc tăng từ 19,3% (2020) lên 125%, còn Trung Quốc từ 21% lên 84%. Cuộc chiến thương mại này không chỉ làm gián đoạn trao đổi song phương mà còn gây ra hiệu ứng domino toàn cầu, làm gia tăng chi phí hàng hóa, gián đoạn chuỗi cung ứng và thổi bùng lo ngại về một làn sóng suy thoái kinh tế.

Trong bối cảnh đó, ngành thủy sản – một trong những lĩnh vực xuất khẩu chiến lược của cả Mỹ, Trung Quốc và Việt Nam – đang chịu tác động mạnh.

Theo phân tích từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (Vasep), Trung Quốc hiện là quốc gia sản xuất và xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới với sản lượng năm 2024 đạt 74,1 triệu tấn, trong đó nuôi trồng chiếm 58,1 triệu tấn và xuất khẩu đạt 4,08 triệu tấn trị giá 19,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, thị trường Mỹ (từng chiếm khoảng 15–20% kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc) đang dần khép lại. Năm 2024, lượng thủy sản Trung Quốc xuất sang Mỹ chỉ còn 354.900 tấn, giảm gần 14% so với mức 700.000 – 900.000 tấn những năm trước. Nếu xu hướng này kéo dài, dự báo đến năm 2028, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Trung Quốc có thể giảm còn 9,2 tỷ USD, tức mất gần 1/4 giá trị so với năm 2023.

Dịch chuyển thương mại toàn cầu: Cơ hội cho Việt Nam

Mất thị trường Mỹ, Trung Quốc buộc phải xoay trục mạnh mẽ. Các lựa chọn thay thế bao gồm: tiêu thụ nội địa thông qua giảm giá và mở rộng kênh phân phối trong nước (với lợi thế dân số 1,4 tỷ người); tăng xuất khẩu sang các nước thuộc sáng kiến Vành đai – Con đường như ASEAN, Ấn Độ, châu Phi; đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc – nơi vốn đã có cơ sở và hạ tầng tiếp nhận hàng Trung Quốc; tận dụng “đường vòng” qua nước thứ ba như Việt Nam, Malaysia, Thái Lan để tái chế, dán nhãn mới và né thuế; cuối cùng là thâm nhập vào các thị trường mới nổi như Trung Đông và Nam Mỹ.

Những dịch chuyển này sẽ làm thay đổi toàn bộ dòng chảy thương mại toàn cầu, tạo ra sự xáo trộn lớn trong cán cân cung – cầu, đồng thời đẩy giá nguyên liệu thủy sản lên xuống thất thường.

Vasep đánh giá, với Việt Nam, cuộc chiến thuế quan giữa hai cường quốc là một “cửa sổ cơ hội” chưa từng có để củng cố và mở rộng thị phần tại Mỹ, nơi hiện đang tiêu thụ khoảng 1,8–2 tỷ USD thủy sản Việt Nam mỗi năm, chiếm gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.

Khi Trung Quốc gặp rào cản thuế, các doanh nghiệp Việt có cơ hội gia tăng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra, cá ngừ, đặc biệt nếu biết tận dụng tốt lợi thế từ các hiệp định thương mại như EVFTA, CPTPP và mối quan hệ chiến lược với Mỹ.

Thực tế cho thấy, sản phẩm tôm Việt Nam xuất sang EU được miễn thuế, trong khi hàng Trung Quốc chịu thuế 12 đến 20% – một khoảng cách có thể trở thành lợi thế cạnh tranh rõ rệt nếu được khai thác đúng cách.

 

Tuy nhiên, song hành với cơ hội là hàng loạt thách thức hiện hữu. Trước hết, khi Trung Quốc chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc hay ASEAN (vốn cũng là những thị trường truyền thống của Việt Nam) nguy cơ cạnh tranh trực tiếp là rất lớn. Với quy mô sản xuất vượt trội, giá thành thấp và mạng lưới logistic mạnh, hàng Trung Quốc có thể gây sức ép lớn về giá, làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp Việt.

Cùng đó, rủi ro bị “đội lốt xuất xứ” cũng đáng lo ngại. Nếu Trung Quốc dùng Việt Nam làm nơi trung chuyển, tái chế để né thuế Mỹ, uy tín xuất khẩu của Việt Nam có thể bị tổn hại nặng, thậm chí đối mặt với lệnh trừng phạt thuế từ Mỹ, như từng xảy ra với các ngành gỗ, thép và thủy sản.

Chia sẻ trong một hội thảo mới đây, bà Lê Hằng - Phó Tổng Thư ký Vasep cho rằng, các mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ không chỉ chịu riêng mức thuế 46% mà còn phải chịu nhiều loại thuế khác như thuế trợ cấp, thuế chống phá giá... nên tổng thuế phải chịu tối đa lên đến 75%. Mặt khác, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam thường sử dụng phương thức giao hàng CIF (chịu toàn bộ chi phí vận tải, bảo hiểm và thuế trước khi giao hàng cho đối tác) do đó, mức thuế mới của Mỹ tác động trực tiếp lên các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.‏

‏“Doanh nghiệp thủy sản Việt Nam lo lắng không biết các hợp đồng đã ký kết sẽ phải tính toán lại như thế nào với mức thuế đối ứng mới. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã dừng ngay việc ký hợp đồng và tạm dừng xuất khẩu, điều này dẫn đến việc họ phải chịu phạt vì vi phạm hợp đồng.‏

‏Các doanh nghiệp thủy sản đang e ngại việc sẽ mất thị trường Mỹ trong khi đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhất là với các mặt hàng như tôm sú, cá tra... vì thị trường này chiếm tới 1,8 - 2,1 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng, tác động đến cuộc sống của hàng triệu nông - ngư dân và doanh nghiệp trong ngành”, đại diện VASEP lo lắng. 

Trong bối cảnh đó, ngành thủy sản Việt Nam cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để “biến nguy thành cơ”. Đầu tiên, cần đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ bằng các sản phẩm chế biến sâu, gia tăng giá trị và đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng cao như FDA, ASC, MSC. Tiếp tục đa dạng hóa thị trường để không phụ thuộc vào riêng Mỹ hoặc Trung Quốc, tận dụng các FTA để mở rộng sang EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Trung Đông, Nam Mỹ.

Cùng với đó là tăng cường kiểm soát gian lận thương mại và xuất xứ, hợp tác với hải quan Mỹ để minh bạch chuỗi cung ứng, bảo vệ thương hiệu quốc gia. Cuối cùng là đầu tư vào công nghệ chế biến và xây dựng thương hiệu thủy sản Việt Nam theo hướng bền vững, sạch, minh bạch, những yếu tố ngày càng được người tiêu dùng quốc tế coi trọng.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong khi đó, thế giới đang chứng kiến một sự tái cấu trúc toàn diện trong thương mại thủy sản toàn cầu. Trong cơn xoáy ấy, thủy sản Việt Nam đứng trước một bước ngoặt quan trọng: hoặc tận dụng thời cơ để bứt phá, hoặc bị cuốn vào vòng xoáy cạnh tranh khốc liệt. Sự chủ động, minh bạch và nâng cao giá trị là chiếc la bàn cần thiết để không lạc hướng trong cuộc chơi lớn.