Xuất khẩu thủy sản Trung Quốc lập kỷ lục trong quý I nhưng dự báo sẽ khó khăn hơn trong các quý tiếp theo

Trang Mai (theo Undercurrent News) 13:33 | 19/05/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
‏Xuất khẩu thủy sản của Trung Quốc đạt mức cao nhất từ trước đến nay trong quý đầu năm 2025, trong bối cảnh các nhà nhập khẩu Mỹ đẩy mạnh tích trữ hàng hóa để ứng phó với khả năng tăng thuế dưới thời Tổng thống Donald Trump.‏

Ảnh minh hoạ: Vasep. 

‏Theo chuyên trang cung cấp số liệu thuỷ sản Undercurrent News,‏‏ ông Cui He, Chủ tịch Liên minh chế biến và tiếp thị sản phẩm thủy sản Trung Quốc (CAPPMA) thông tin, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong ba tháng đầu năm đạt 4,62 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Khối lượng xuất khẩu tăng tới 16%, lần đầu tiên vượt mốc 1 triệu tấn trong một quý, đạt 1,03 triệu tấn.‏

‏“Quý đầu tiên cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng quý thứ hai chắc chắn sẽ giảm”, ông Cui chia sẻ với Undercurrent News bên lề triển lãm Seafood Expo Global tại Barcelona, Tây Ban Nha. ‏

‏“Người Mỹ đã tích trữ trước khi có những thay đổi về thuế quan dự kiến, tạo ra nhu cầu tạm thời mà các nhà xuất khẩu Trung Quốc đã đáp ứng”, vị này nói thêm. ‏

‏Xuất khẩu thủy sản từ Trung Quốc sang Mỹ trong quý I tăng 9,2% về khối lượng, đạt 81.600 tấn. Giá trị xuất khẩu sang thị trường này tăng 12,5%, đạt 470 triệu USD.‏

‏Tuy vậy, ông Cui nhận định triển vọng cho phần còn lại của năm 2025 không mấy lạc quan. Ông dự báo xuất khẩu sẽ sụt giảm do các rào cản thương mại leo thang, nhất là từ phía Mỹ – thị trường xuất khẩu đơn lẻ lớn nhất của Trung Quốc. Đây cũng là xu hướng đã diễn ra liên tiếp trong các năm 2022, 2023 và 2024, dù xuất khẩu năm ngoái đã phục hồi nhẹ lên 4,08 triệu tấn sau thời gian dài dao động quanh mức 3,7 triệu tấn kể từ năm 2021.‏

‏Đối với nhập khẩu, ông Cui dự đoán Trung Quốc sẽ ghi nhận mức giảm nhẹ trong năm nay, chủ yếu do giá nguyên liệu thô tăng cao, đặc biệt là cá tuyết.‏

‏Ngoài các yếu tố mang tính ngắn hạn, Trung Quốc cũng đang đối mặt với xu hướng dài hạn là sự chững lại trong tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt là trong các phân khúc phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Trong số này, cá rô phi là ví dụ điển hình. Năm 2024, Trung Quốc xuất khẩu 128.000 tấn cá rô phi trị giá 426 triệu USD sang Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của mặt hàng này. Với tổng sản lượng khoảng 1,6 triệu tấn, khoảng một nửa số cá rô phi của Trung Quốc được dành cho xuất khẩu.‏

‏Tuy nhiên, do sức mua giảm và rào cản thương mại gia tăng, nhiều người nuôi cá hiện đang kéo dài thời gian nuôi, chờ đợi tín hiệu từ thị trường. “Cá có thể lớn hơn một chút mà không ảnh hưởng gì trong khi chúng tôi tạm dừng xuất khẩu”, ông Cui giải thích. Ông cho biết chính quyền Trung Quốc có xu hướng khuyến khích doanh nghiệp chuyển hướng về thị trường nội địa thay vì cấp trợ cấp.‏

‏Theo ông, điểm mạnh của ngành thủy sản Trung Quốc là tính linh hoạt cao. Với hơn 100 loài cá, tôm và cua được nuôi thương mại, người dân có thể nhanh chóng điều chỉnh cơ cấu nuôi trồng để phục vụ cho thị trường trong nước hoặc xuất khẩu sang thị trường thay thế.‏

‏Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ lo ngại về những bất ổn trong chính sách thương mại của Mỹ, vốn là rào cản lớn nhất trong việc duy trì ổn định chuỗi cung ứng hiện tại. “Điều quan trọng nhất là liệu chính sách củaMỹ có chắc chắn hay không,” ông nói. “Nếu không có sự chắc chắn, các doanh nghiệp ở cả hai bên không thể tính toán chi phí hay quyết định có nên tiếp tục thương mại hay không”.‏

‏Ông cho rằng tình trạng hiện tại là tình huống “đôi bên cùng có lợi” bị gián đoạn. “Những mối quan hệ thương mại này không chỉ được xây dựng trong 10 hay tám năm – chúng đã tích lũy trong gần ba mươi năm để đạt đến quy mô này”, ông nhấn mạnh.‏

‏Xuất khẩu tăng mạnh của Trung Quốc trong quý đầu năm 2025 phần nào phản ánh mối lo ngại lan rộng từ phía các doanh nghiệp nhập khẩu Mỹ trước chính sách thuế mới. Đây là tín hiệu cho thấy các biến động chính trị và thương mại không chỉ ảnh hưởng song phương, mà còn tác động đến các chuỗi cung ứng toàn cầu. “Các quốc gia khác đang do dự không muốn can thiệp vì bất ổn chính sách”, ông Cui lưu ý. “NếuMỹ đột ngột giảm thuế quan sau khi các doanh nghiệp ở nơi khác đã đầu tư vào chuỗi cung ứng mới, các doanh nghiệp đó sẽ phải chịu tổn thất”.‏

‏Trong khi đó, xu hướng nhập khẩu vào Trung Quốc tiếp tục duy trì ở mức cao. Năm 2023, nước này nhập 4,67 triệu tấn thủy sản, con số cao nhất từ trước đến nay, và duy trì mức cao 4,5 triệu tấn vào năm 2024. Riêng mặt hàng tôm, Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu lớn nhất thế giới, với hơn 1,10 triệu tấn năm 2023 và hơn 1 triệu tấn vào năm 2024.‏

‏Theo ông Cui, trước thời điểm Mỹ áp đặt thuế đầu tiên vào năm 2018, thương mại thủy sản giữa Trung Quốc vàMỹ khá cân bằng về khối lượng, khoảng 500.000 tấn mỗi chiều. Tuy nhiên, sự khác biệt lớn nằm ở giá trị. “Chúng tôi chủ yếu nhập khẩu các sản phẩm thô, trong khi người Mỹ lại cần các sản phẩm chế biến sẵn (phi lê không da, không xương) điều này tạo ra chênh lệch lớn về giá trị”, ông lý giải.‏

‏Trong bối cảnh thương mại ngày càng khó lường, giới doanh nghiệp trong và ngoài Trung Quốc đang theo dõi sát sao các chính sách củaMỹ để điều chỉnh chiến lược đầu tư và xuất khẩu phù hợp.