Doanh nghiệp Mỹ lập liên minh phản đối ông Trump, tổ chức diễn đàn với Trung Quốc

19:22 | 29/10/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Trước những chính sách “bất thường” của Tổng thống Mỹ Trump khiến căng thẳng thương mại Mỹ-Trung không hồi kết, doanh nghiệp Mỹ đang có động thái “ngược”: Thành lập liên minh phản đối tổng thống nước mình, thậm chí cùng với phía Trung Quốc tổ chức diễn đàn kêu gọi xóa bỏ hàng rào thuế quan.

Doanh nghiệp Mỹ lập liên minh phản đối ông Trump, tổ chức diễn đàn với Trung Quốc - ảnh 1

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. 
Lo lắng, hoài nghi và “thấm đòn”

Theo giới phân tích quốc tế, doanh nghiệp Mỹ đang thực sự lo lắng và hoài nghi về những căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Căng thẳng đang khiến các mặt hàng trong lĩnh vực sản xuất và một số ngành hàng khác tăng giá, trong khi các mặt hàng nông sản chủ chốt như đậu nành của Mỹ lại giảm mạnh.

Doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ đang tăng chậm lại sau khi khởi đầu rất khả quan hồi đầu năm nay. Số liệu thống kê của công ty dữ liệu tài chính Refinitiv cho thấy, các doanh nghiệp "góp mặt" trong chỉ số S&P 500 trên thị trường chứng khoán Phố Wall trong quý III chỉ bằng gần 50% so với số liệu của quý I của năm.

Cùng với lãi suất gia tăng khiến trái phiếu trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư, việc doanh thu và lợi nhuận tăng chậm lại đang làm suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư và góp phần dẫn tới tình trạng bán tháo trên các thị trường chứng khoán.

Trưởng chiến lược gia đầu tư Sam Stovall của CFRA Research ở New York cảnh báo: Căng thẳng thương mại đang gây sức ép lên lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn đến từ việc đồng USD tăng giá, giá dầu đi lên và lãi suất gia tăng.

Dự báo, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ sẽ chậm lại còn 9% trong quý II/2019 do hoạt động sản xuất-kinh doanh của họ sẽ gặp khó khăn so với năm nay, vốn được hưởng lợi từ việc Mỹ cắt giảm thuế doanh nghiệp cho các công ty và doanh nghiệp trong nước.

Thành lập liên minh “Americans for Free Trade” để phản đối công khai ông Trump

Trước những bất ổn trên, doanh nghiệp Mỹ đã khởi động chiến dịch phản đối chính sách thuế quan mà ông Trump đã đưa ra đối với Trung Quốc. Sau nhiều tháng tiến hành “cuộc chiến hậu trường”, hơn 85 tổ chức ngành nghề của Mỹ đã thành lập liên minh “Americans for Free Trade” để thực hiện những phản đối công khai.

Chiến dịch phản đối công khai của liên minh "Americans for Free Trade" diễn ra trên nhiều lĩnh vực, bao gồm truyền hình và quảng cáo kỹ thuật số cùng với việc khuyến khích các cử tri đối thoại trực tiếp với các nghị sĩ Mỹ về vấn đề thương mại, một nỗ lực mà các nhà tổ chức hy vọng sẽ thuyết phục các nghị sĩ Mỹ phản đối việc Washington áp thuế quan đối với hàng nhập khẩu.

Theo ông Nicole Vasilaros, nhà vận động hàng lang hàng đầu của Hiệp hội các nhà chế tạo hàng hải quốc gia, có các doanh nghiệp thành viên cân nhắc dự định sa thải lao động sau khi chi phí sản xuất tăng 35%, rất nhiều tổ chức cho rằng họ sẽ không phải đối mặt tình trạng khó khăn hiện nay (do tác động của các mức thuế quan mà Mỹ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu) song mọi việc đã đi tới giới hạn cuối cùng.

Trong khi đó, ông Gary Shapiro, người đứng đầu Hiệp hội Công nghệ Tiêu dùng, có các doanh nghiệp thành viên là hãng sản xuất phần mềm máy tính IBM Corp và mạng xã hội Facebook Inc, cảnh báo một số thành viên hiệp hội này cũng đang xem xét kế hoạch sa thải lao động.

Về phần mình, ông Dean Garfield, Giám đốc điều hành Hội đồng Công nghiệp Công nghệ Thông tin (trong đó có các doanh nghiệp thành viên là "đại gia" công nghệ Microsoft Corp và Apple Inc), cho rằng quan điểm của hiệp hội này là không thể để tình hình quá trễ mới hành động ứng phó.

Tổ chức Diễn đàn Thương mại nông sản Mỹ-Trung

Không thể để tình hình quá trễ, các doanh nghiệp Mỹ đang nghiêng hơn về quan điểm tìm cách để Mỹ tích cực thương lượng với Trung Quốc.

Đáng chú ý, ngày 26/10, Diễn đàn Thương mại nông sản Mỹ-Trung Quốc tại bang California, Mỹ đã diễn ra, với sự phối hợp tổ chức của Tập đoàn CCIC Bắc Mỹ và Văn phòng đại diện Hội đồng Thúc đẩy thương mại quốc tế của Trung Quốc tại Mỹ, Cơ quan Giám sát và cấp phép Trung Quốc. Diễn đàn thu hút khoảng 200 đại biểu của hai nước tham dự.

Diễn đàn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hợp tác và quảng bá sản phẩm của ngành nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm hai nước, đặc biệt có ý nghĩa quan trọng khi tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tình trạng căng thẳng.

Doanh nghiệp Mỹ lập liên minh phản đối ông Trump, tổ chức diễn đàn với Trung Quốc - ảnh 2
Cảnh bốc dỡ đậu tương Mỹ ở cảng Trung Quốc trước khi xảy ra căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Nguồn: Internet.
 Phát biểu tại diễn đàn, Trưởng đại diện của Hội đồng Thúc đẩy thương mại quốc tế của Trung Quốc tại Mỹ, ông Zhao Zhenge khẳng định Trung Quốc có nhu cầu rất lớn đối với đậu nành và các loại nông sản khác của Mỹ. Tuy nhiên, những căng thẳng thương mại giữa hai nước đã khiến người dân quốc gia châu Á này lo ngại lượng đậu nành xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc sụt giảm mạnh. Ông thừa nhận một cuộc chiến tranh thương mại giữa Bắc Kinh và Washington sẽ gây tổn hại cho cả hai nước, không chỉ với doanh nghiệp, người tiêu dùng Trung Quốc, mà cả những hộ nông dân, nhà cung cấp và người tiêu dùng Mỹ.

Trong khi đó, ông Liu Haiyan, Tham tán Thương mại tại Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Los Angeles, nhấn mạnh nông nghiệp là một trong những lĩnh vực hợp tác kinh tế-thương mại đầu tiên giữa hai nước. Ông khẳng định quốc gia châu Á này hiện là thị trường quan trọng đối với nông sản Mỹ. Do đó, việc tổ chức diễn đàn thương mại nói trên mang ý nghĩa thiết thực đối với doanh nghiệp và chính phủ hai nước, đặc biệt trong bối cảnh xung đột thương mại đang trở thành một trong những rào cản lớn đối với quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Về phía Mỹ, Tổng Giám đốc Cơ quan Nông sản và thực phẩm thuộc tập đoàn CCIC Bắc Mỹ, ông Phillips F.Richard kêu gọi chính giới hai nước có những giải pháp nhanh chóng để xóa bỏ hàng rào thuế quan.

Được biết, trước khi sự kiện này diễn ra, AgWeg, trang mạng hàng đầu của Mỹ chuyên cung cấp thông tin về ngành nông nghiệp, dẫn lời ông Wally Tyner, một chuyên gia kinh tế nông nghiệp thuộc Đại học Purdue, cho biết nếu chiến tranh thương mại với Trung Quốc leo thang, khoảng 3,6 triệu hecta trong tổng số gần 35 triệu hecta đậu nành ở Mỹ sẽ gặp nguy hiểm.

Brazil và các nhà xuất khẩu khác cạnh tranh với Mỹ trên thị trường thế giới có khả năng mở rộng diện tích trồng trọt để cạnh tranh với Mỹ trong việc xuất khẩu đậu nành sang thị trường vô cùng rộng lớn Trung Quốc.