Doanh nghiệp nên nhìn thấy cơ hội từ COVID-19 để tồn tại và phát triển
Những tác động tiêu cực của đại địch COVID-19 đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp (DN).
Ông Phạm Bình An – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM đã cho rằng, doanh nghiệp nên chủ động trong việc ứng phó sinh tồn cùng dịch COVID-19, không chỉ trông chờ vào chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.
Tình hình dịch COVID-19 đang rất nghiêm trọng
Ông Phạm Bình An chia sẻ, đại dịch COVID-19 là một đại dịch chưa từng có trong lịch sử, chưa có tiền lệ, có nhiều vấn đề mới phát sinh… nên khi xử lý vấn đề chính quyền còn lúng túng, thiếu đồng bộ nhưng đó là điều không tránh khỏi trong tình hình dịch căng thẳng hiện nay.
Chính vì vây, doanh nghiệp gặp khó khăn không chỉ trông chờ từ chính quyền mà bản thân doanh nghiệp cần phải có sự tương tác, hỗ trợ nhau và đề xuất các phương án để đưa vào hoạt động.
Tình hình dịch COVID-19 diễn ra tại Việt Nam đang thực sự nghiêm trọng. Nguyên nhân khiến tình hình dịch bệnh trở nên nghiêm trọng như: Biến thể Delta xuất hiện nên tốc độ lây nhiễm rất nhanh, hoàn toàn có những điều bất ngờ và ứng phó không kịp; chưa có một khẳng định nào để biết dịch đã đến đỉnh hay chưa; tỉ lệ tử vong cao… Theo thống kê của GS Nguyễn Văn Bốn – một trong những chuyên gia hàng đầu về dịch tễ tại Úc cho thấy đối với các khu vực lân cận Việt Nam chỉ đứng sau Indonesia, Trung Quốc. Tỉ lệ tử vong ca nhiễm khoảng 2,45%, trong khi đó tỉ lệ tử vong trên thế giới chỉ 2,1%.
Ông An lý giải, tỉ lệ tử vong tại TP. HCM là 4%, đây là tỉ lệ nhiễm COVID-19 cao nhất nước. Chính vì vậy đã kéo tỉ lệ tử vong của cả nước lên cao 2,45%, khá cao so với các nước khác mà chúng ta phải xem xét.
Ngoài tỉ lên tử vong tại TP. HCM, tỉ lệ tử vong tại Bình Dương, các tỉnh vùng Tây Nam Bộ thấp hơn nhưng cũng không thể nói trước được vấn đề và doanh nghiệp cần có một kịch bản dự trù cho tình huống xấu hơn.
Theo ông An, trước đó ông Nguyễn Phương Lam – Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ đã chia sẻ về cách ứng phó dịch COVID-19 giữa các tỉnh khác nhau, gây ra sự thiếu đồng nhất cũng là điều khiến ông An lo ngại.
Doanh nghiệp phải hiểu rằng không thể nào “zero COVID-19”. Hiện nay một số nước như Trung Quốc, Newzeland, Úc đang có chính sách, chiến lược “zero COVID-19, khoanh vùng, dập dịch”, không có virus trong xã hội nhưng các nước cũng đang phải xem xét lại.
Quay trở lại Việt Nam, ông An cho rằng với tình hình dịch hiện nay Việt Nam có khó có thể “zero COVID-19”. Nếu khó có thể “zero COVID-19” thì doanh nghiệp phải có chiến lược sống chung với dịch và trong buổi làm việc mới đây Thủ tướng Chính phủ cũng đã nói đến tình huống đó.
Ngoài ra, một yếu tố nữa liên quan đặc điểm dịch tễ của dịch COVID-19 ảnh hưởng đến quyết định đến ứng phó của doanh nghiệp cũng như chính quyền. Hiện nay, tại Việt Nam phổ biến là biến thể Delta, nguy cơ lây nhiễm rất nhanh, gấp 2 so với các biến thể khác. Dịch COVID-19 nói chung và biến thể Delta nói riêng, 80% có triệu chứng nhẹ và vừa, thậm chí có một số lượng lớn không có triệu chứng. Đồng thời, việc tiêm chủng vacxin cũng làm cho các triệu chứng bệnh giảm, tăng sức đề kháng, tỉ lệ tử vong cũng thấp hơn nên rất nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng chiến lược cơ bản hiện nay là phải phủ vacxin.
Bộ Y tế cũng đã đưa ra phác đồ điều trị với 3 cách thức ứng xử như thế nào đối với người nhiễm dịch COVID-19, hướng dẫn số 5599/BYT-MT trong đó đồng ý cách ly và sau khi sàng lọc có thể sẽ theo dõi tại nhà, có thể tại cơ quan xí nghiệp luôn để giảm tải các tầng trên của y tế theo mô hình tháp. Đặc biệt, Bộ Y tế cũng đã ban hành hướng dẫn tạm thời Danh mục thuốc điều trị ngoại trú cho người nhiễm COVID-19 tại nhà, giúp cho việc lây lan nhẹ đi triệu chứng.
Việc nắm bắt rõ được tình hình dịch bệnh sẽ giúp cho doanh nghiệp có thể ứng phó với dịch COVID-19 trong thời gian hiện nay.
Một vấn đề ông Phạm Bình An chia sẻ tiếp đó là nguồn cung ứng vacxin còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp không tiếp cận trực tiếp được các nguồn vacxin dẫn đến ảnh hưởng quá trình hoạt động, sản xuất của doanh nghiệp.
“Tại Việt Nam mức độ phủ vacxin khoảng trên 17% nhưng Campuchia cách đây mấy tháng tốc độ phủ vacxin đã chiếm 60%, hiện tại mức độ nhiễm của họ khá thấp.
Việc chúng ta phủ vacxin chậm là một trong những lý do mức độ lây lan nhanh. Đây là bài học rất lớn cho Việt Nam. Tuy nhiên, tình cảnh bây giờ không dễ tiếp cận vacxin mặc dù trong tương lai có những hứa hẹn nhưng ít nhất phải tháng 9 trở đi mới có thể phủ vacxin cho các tỉnh và theo nguyên tắc ưu tiên cho vùng dịch:TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai..”, ông An cho hay.
Đồng thời, theo ông An thời gian qua Chính phủ đang có hai việc cần phải giải quyết đó là “sinh mệnh” – giãn cách cao nhất để cứu sinh mạng và “sinh kế” – phát triển kinh doanh, kinh tế thì Chính phủ đang rất nỗ lực để dập dịch và cứu sinh mạng. Đó là điều quan trọng để doanh nghiệp thấy rằng Chính phủ sẽ mở cửa dần theo tiến độ dập dịch.
Phương án nào trong tổ chức SXKD thời kỳ giãn cách
Trong Nghị quyết số 86/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 có đưa ra 3 nhóm giải pháp chính: Giãn các xã hội và các biện pháp y tế (xét nghiệm, sàng lọc và điều trị, vacxin, dịch bản dịch tễ...); Cung ứng lao động, hàng hoá, dịch vụ; Đảm bảo an sinh xã hội...
“Như chúng ta đã biết việc thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng về giãn các xã hội như: Chỉ thị 15, Chỉ thị 16, Chỉ thị 16+…ở những giai đoạn khác nhau sẽ có những chỉ thị khác nhau. Kịch bản cao nhất là chúng ta đã phải thực hiện CT 16+ của Thủ tướng trong đó có cả vấn đề hạn chế sản xuất kinh doanh”, ông An cho hay
Nhưng theo ông Phạm Bình An thì khi nào chúng ta kiểm soát được dịch? Mục tiêu kiểm soát dịch COVID-19 đã được Bộ Y tế đưa ra trong Quyết định số 3979/QĐ-BYT về việc ban hành "Tiêu chí kiểm soát dịch COVID-19 tại TP. HCM khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 3989/QĐ-BYT về việc ban hành "Tiêu chí kiểm soát dịch Covid-19 tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, các địa phương đã và đang trải qua 4 đợt giãn cách xã hội nhưng đến khi nào thì hết giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, 16+ của Chính phủ và có chiến lược nào để doanh nghiệp biết và có những chuẩn bị.
Thứ 2, trong tình trạng giãn cách này phương án nào cho doanh nghiệp tiếp tục sản xuất kinh doanh, không thể ngừng hoạt động được.
Thứ 3, doanh nghiệp cần chuẩn bị gì khi hết thời gian giãn cách, trở lại trạng thái bình thường mới, trong đó có những vấn đề quan trọng như: đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt người lao động do người lao động đã trở lại quê hương do khó khăn không thể bám trụ.
Thứ 4, vấn đề lưu thông hàng hoá khi các tỉnh có chính sách giãn cách khác nhau.
Và cuối cùng thiệt hại và việc hỗ trợ/khắc phục như thế nào khi dịch bệnh xảy ra đối với doanh nghiệp.
Tiếp theo, đó là vấn đề khi nào hết giãn cách? Theo Nghị quyết 86 của Chính phủ, sau ngày 15/9/2021 mục tiêu một tỉnh/thành sẽ kiểm soát được đại dịch. Nhưng chưa thể khẳng định đến thời điểm ngày 15/9 có hết giãn cách hay sẽ lới lỏng một số hoạt động. Chúng ta chỉ có thể nỗ lực tối đa, gần đến ngày 15/9 sẽ xem xét mức độ và có những giải pháp tiếp theo.
Hiện nay Bộ Y tế chưa đưa ra chủ trương thông nhất chung về các mô hình tổ chức sản xuất mà giao cho các tỉnh thành chủ động, tự quyết định về các mô hình tổ chức sản xuất tại địa phương.
Có 2 mô hình sản xuất chủ yếu hiện nay: mô hình 3 tại chỗ (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - ngủ nghỉ tại chỗ) + kết hợp sàng lọc; mô hình 1 cùng đường – 2 địa điểm (1 cung đường vận chuyển công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở)… Đây là những mô hình cơ bản được áp dụng từ việc được áp dụng thành công ở hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang.
Tuy nhiên, khi áp dụng tại các tỉnh thành và các nơi khác không hợp lý và không thành công bởi quy mô doanh nghiệp khác nhau nên việc vận hành cũng khác nhau.
Giải pháp bổ sung của TP HCM tập trung 4 phương án: mô hình 3 tại chỗ nhưng xuất hiện thêm phương án 3 tại chỗ theo kíp sản xuất (3T) có nghĩa là lưu chú lại để quản lý tốt hơn; một cung đường hai điểm đến nhưng nhiều nơi lưu trú hơn; mô hình 4 xanh – được ghi nhận và đưa ra phổ biến trong đó người lao động – cung đường – vùng sản xuất và nơi ở sạch, không nhiễm. Một phương án nữa là kết hợp tất cả các mô hình trên.
Nhưng cả 4 mô hình chỉ đơn giản là đưa ra các khái niệm chung, trong khi tổ chức sản xuất của các doanh nghiệp khác nhau. Như vậy nếu chờ Nhà nước đưa ra hướng dẫn sẽ rất khó nên cần phải trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp để tổ chức sản xuất.
Với những nhược điểm như vậy, mô hình mới 4 xanh đã được đề xuất: ở tại nhà máy xanh, ở tại vùng xanh, ở tại nhà – làm việc tại khu vực vacxin, ở tại nhà – làm việc tại nhà. Mô hình này sẽ được áp dụng linh hoạt theo từng ngành nghề, sức khoẻ người lao động.
Trong đó, nhân lực xanh: Đã được sàng lọc bằng xét nghiệm PCR, ở và làm việc trong khu vực xanh, đã tiêm vacxin, có đăng ký nhận dạng. Việc quản lý này quan trọng, quy trình cần chặt chẽ.
Cung đường xanh: Cung đường này chưa thực sự đảm bảo nếu người lao động đi xe cá nhân sẽ là một rủi ro cao. Có thể đưa đón bằng xe công ty sẽ đảm bảo hơn, an toàn hơn.
Vùng sản xuất xanh: Đây là việc tuân thủ biện pháp 5K rất rõ, đặc biệt có y tế tại chỗ. Các hiệp hội cũng đã đưa ra mô hình y tế tại chỗ, xử lý các vấn đề phát sinh trong doanh nghiệp.
Nơi ở xanh: Không chỉ đối với người lao động mà còn đối với người thân của người lao động được sàng lọc, tiêm vacxin.
“Nếu doanh nghiệp được tổ chức như vậy thì mô hình 4 xanh đảm bảo việc doanh nghiệp hoàn toàn đáp ứng được sản xuất. Tuy nhiên, để thực hiện thành công mô hình trên cần có vai trò của các bên liên quan, không chỉ riêng doanh nghiệp”, ông An chia sẻ.
Một số kiến nghị để doanh nghiệp tồn tại trong đại dịch
Theo đề xuất của Hội mỹ nghệ & Chế biến gỗ TP HCM (Hawa) doanh nghiệp không chỉ yêu cầu nhà mước hỗ trợ mà chính đơn đơn vị chủ động tiếp cận các doanh nghiệp đã và đang áp dụng mô hình sản xuất trong dịch thành công, các chuyên gia để đưa ra được một phương án hoạt động tốt nhất, giảm tối thiểu rủi cho cho doanh nghiệp.
Trong đó Hawa có đưa ra mô hình hoạt động về kinh doanh – bán lẻ. Trong đó chia ra các nhóm tiếp xúc khác nhau bao gồm: Nhóm tiếp xúc nhanh (mua hàng mang đi, giao hàng tận nơi); Nhóm tiếp xúc chậm (mua hàng cần xem và tự chọn lựa, mua hàng cần tư vấn, giảm số khách quy định trong một không gian để đảm bảo khoảng cách tối thiếu?
Đây là một mô hình để doanh nghiệp tham khảo, đánh giá và đưa ra những nguy cơ khác nhau. Từ việc phân loại nguy cơ để có những giải pháp đối với nhân viên, đối với khách hàng tuân thủ như thế nào? Cách thức thực hiên ra sao?
“Tôi nghĩ đây là cách nên nhân rộng và chia sẻ với các doanh nghiệp để các doanh nghiệp thấy rằng không chỉ kêu không mà không làm gì. Hãy chủ động đưa ra những cách thức để giảm thiểu tối đa khó khăn, bên cạnh những chính sách của Nhà nước”, ông An nói.
Tiếp theo, đối với mô hình sản xuất, ông Nguyễn Bình An cho hay, các doanh nghiệp, hiệp hội đưa ra những đánh giá rất rõ: mô hình làm việc, ăn ngủ tại chỗ; một cùng đường hai điểm đến, xét nghiệm định kỳ 3 ngày/lần hoặc 7 ngày/lần… khiến chi phí lớn. Tiếp đó quy định rập khuôn không đáp ứng được khiến tâm lý người lao động lo lắng nếu xuất hiện ổ dịch thì chính mô hình “3 tại chỗ” sẽ rất nguy hiểm.
Bộ Y tế mới đây đã đưa ra Công văn số 6666/BYT-MT về việc hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ quan, đơn vị. Trong đó đưa ra vấn đề nghiêng về phòng chống COVID-19, có một số điểm mở cho doanh nghiệp nhưng về cơ bản vẫn rất khó để thực hiện.
Thứ 2, chi phí thực hiện rất lớn, đặc biệt tâm lý người lao động… nên doanh nghiệp cho rằng mô hình này không bền vững. Chỉ có thể xác định phương án ngắn hạn, nhưng kéo dài đến bao giờ và nhà nước hỗ trợ như thế nào? Đây không chỉ là vấn đề về vấn đề lo ăn ở cho người lao động mà còn là vấn đề tinh thần của người lao động.
Thứ 3, quy trình xử lý khi xuất hiện bệnh nhân F0, F1. Theo ông An, trong Công văn số 6666/BYT-MT có một số hướng dẫn chi tiết nhưng tỉnh Bắc Ninh đưa ra một số kinh nghiệm đó là chia phân xưởng, tổ sản xuất độc lập trong xí nghiệp, nếu xuất hiện F0 thì xử lý cục bộ. Như vậy việc xuất hiện F0 ngoài việc nhà nước hỗ trợ thì doanh nghiệp đứng ra tổ chức xử lý các vấn đề để không lây lan cũng rất quan trọng. Đó chính là “Mô hình y tế 3 tại chỗ”.
Tuy nhiên, để thực hiện “Mô hình y tế 3 tại chỗ”, cũng phải nói đến vai trò 3 bên giữa chính quyền – doanh nghiệp – người lao động. Trong đó chính quyền cần có chính sách và thật sự phải trao quyền cho doanh nghiệp, hỗ trợ chuyên môn giúp cho doanh nghiệp yên tâm tổ chức mô hình và tiếp tục sản xuất; Doanh nghiệp xây dựng mô hình, chịu trách nhiệm vận hành – vai trò chính của doanh nghiệp.
Từ tất cả các vấn đề nêu trên, ông Phạm Bình An – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM nêu ra một số vấn đề và khuyến nghị như sau:
Thứ nhất, chính quyền cần có chiến lược ứng phó với dịch bệnh rõ ràng, nhất quán với sự chuẩn bị tốt cho kịch bản xấu có thể xảy ra.
Thứ hai, chuẩn bị sống chung với COVID-19 – điều không thể khác trong bối cảnh hiện nay, với những điều kiện cụ thể (phủ kín vacxin, ý thức, hệ thống y tế, tổ chức sản xuất…). Singapore có thể là bài học trong tương lại gần cho Việt Nam vì Singapore xác định sẽ sống chung cùng COVID-19 nên có những chiến lược rõ ràng.
Thứ 3, trao quyền, trách nhiệm chủ động phòng bệnh và chăm sóc sức khoẻ cho người dân, tổ chức.
Thứ 4, trao quyền chủ động tổ chức sản xuất cho doanh nghiệp trong tình trạng sống chung với dịch COVID-19 cùng sự hỗ trợ từ Nhà nước.
Ngoài ra theo ông An, doanh nghiệp không chỉ trông chờ vào chính sách hỗ trợ từ Nhà nước mà bản thân doanh nghiệp cũng nên chủ động, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Hoa Trần