Doanh nghiệp ngành dệt may khan hiếm đơn hàng trong 6 tháng đầu năm 2019

18:23 | 19/07/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Hiện tình trạng khan hiếm đơn hàng khá phổ biến tại các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Lượng đơn hàng của nhiều doanh nghiệp mới chỉ bằng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, việc tiêu thụ sợi và phụ liệu gặp nhiều khó khăn.

Đây là thông tin được đưa ra trong cuộc họp báo sáng 19/7/2019 của Hiêp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) về tổng kết tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm ngành dệt may Việt Nam, đồng thời bàn phương hướng giải pháp phát triển 6 tháng cuối năm 2019.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của VITAS, tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hàng dệt may của Việt Nam 6 tháng đầu 2019 đạt 17,97 tỷ USD, tăng 8,61% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng KNNK nguyên phụ liệu dệt may đạt 11,39 tỷ USD, tăng 5,66% so với cùng kỳ 2018. Giá trị thặng dư thương mại đạt 8,4 tỷ USD, tăng 10,45% so với năm 2018.

Doanh nghiệp ngành dệt may khan hiếm đơn hàng trong 6 tháng đầu năm 2019 - ảnh 1
 Doanh nghiệp ngành dệt may khan hiếm đơn hàng trong 6 tháng đầu năm 2019.

Về thị trường xuất khẩu hàng vải và may mặc: Hoa kỳ vẫn là thị trường lớn nhất với KNXK 6 tháng ước đạt 7,22 tỷ USD, tăng 12,84% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 46,9%; tiếp đó là các nước CPTPP đạt 2,57 tỷ USD tăng 11,13%, chiếm tỉ trọng 16,71% (riêng Nhật Bản đạt 1,79 tỷ USD, tăng 5,6% và chiếm 11,68%); EU đạt 2,05 tỷ USD tăng 10,46%, chiếm tỉ trọng 13,36%; Hàn Quốc đạt 1,37 tỷ USD tăng 5,59% chiếm tỉ trọng 8,91%.

Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành dệt may Việt Nam: Trong 5 tháng có 63 dự án với số vốn đạt khoảng 700 triệu USD, trong đó có 17 dự án FDI Trung Quốc với vốn đăng ký đạt 205 triệu USD; Hàn Quốc có 12 dự án vốn đăng ký 22 triệu USD… nâng tổng số vốn FDI đầu tư vào dệt may đến tháng 5/2019 lên 18,6 tỷ USD. Trong đó, Hàn Quốc có 429 dự án và 4,73 tỷ USD, Đài Loan 126 dự án và 2,97 tỷ USD, Trung Quốc 176 dự án và 2,16 tỷ USD và Hong Kong 134 dự án và 2,1 tỷ USD.

Đánh giá về kết quả này, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, hiện tại tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp không được khả quan so với năm 2018. Tình trạng khan hiếm đơn hàng khá phổ biến. Lượng đơn hàng của nhiều doanh nghiệp mới chỉ bằng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, việc tiêu thụ sợi và phụ liệu gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, các doanh nghiệp sẽ phải cố gắng rất nhiều mới có thể đạt mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD cả năm 2019.

Doanh nghiệp ngành dệt may khan hiếm đơn hàng trong 6 tháng đầu năm 2019 - ảnh 2
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch VITAS chủ trì buồi Họp báo. 
Lý giải về nguyên nhân đơn hàng không khả quan, theo ông Trương Văn Cẩm do các quốc gia xuất khẩu dệt may như Ấn Độ, Indonesia… đều chịu thiệt hại khi các đơn hàng ngày càng khan hiếm, yêu cầu của khách hàng ngày càng cao, áp lực giảm giá trong khi các rào cản thương mại như thuế nhập khẩu, kiểm định chất lượng vẫn là một trở ngại lớn và các doanh nghiệp Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Để ứng phó với hiện trạng trên, trong những năm gần đây, nhằm thu hút đơn hàng, các quốc gia cạnh tranh xuất khẩu dệt may với Việt Nam đều áp dụng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dệt may nội địa bao gồm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu nguyên phụ liệu, đặc biệt là chính sách giảm giá đồng nội tệ của Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, gây khó khăn cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Trong khi đó các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chịu thuế cao tới gần 10% khi xuất khẩu vào thị trường EU.
Bên cạnh đó, trong 6 tháng qua, VITAS liên tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc phản ánh, đề xuất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện các văn bản pháp luật (thủ tục hải quan, XNK, hoàn thuế, góp ý sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động, các chế độ liên quan đến người lao động… gửi đến Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan; Đóng góp ý kiến cho bản Dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam 2020-2030 của Bộ Công Thương…Triển khai hàng loạt các chương trình xúc tiến thương mại, hội thảo, tập huấn, đào tạo về chứng nhận xuất xứ, chương trình phát triển bền vững, Hội thảo về CMCN 4.0...
Đồng thời, tiếp tục vận động chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, giảm chi phí tuân thủ, chi phí sản xuất, chính sách tiền lương, làm thêm giờ, chế độ BH…, chính sách thuế, thủ tục hải quan, các loại phí, phụ phí, chính sách cấp phép đầu tư vào khâu dệt, nhuộm…
Từ đó, ông Cẩm cũng hy vọng, thường 6 tháng cuối năm là những tháng giao hàng nhiều, có giá trị cao như áo jacket, veston, hàng thể thao mùa đông… Tuy nhiên, để đạt mục tiêu xuất khẩu cả năm các doanh nghiệp sẽ phải cố gắng rất nhiều để tìm kiếm đơn hàng đảm bảo sản xuất liên tục từ nay đến cuối năm, đồng thời các doanh nghiệp trong ngành cần phối hợp chia sẻ cho nhau.v