Doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ ngày càng nhiều
Theo đó, khu vực ngoài nhà nước có số lượng nhiều nhất với 500.000 DN, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 14.600 DN và khu vực nhà nước chỉ còn 2.701 DN, giảm 18,3% do thực hiện cổ phần hóa.
Các DN ngoài nhà nước cũng chiếm tỉ trọng cao nhất trong đóng góp vào ngân sách với 46%, tiếp đến là DN nhà nước với 29% và khối FDI là 25%.
74% là doanh nghiệp siêu nhỏ
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trung Tiến, vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ, số lượng DN quy mô vừa và nhỏ tăng mạnh hơn các DN có quy mô lớn, trong đó DN nhỏ tăng 21,2% và DN siêu nhỏ tăng 65,5%, chiếm tới 74% tổng số DN.
"Trong khi tỉ trọng các DN nhỏ và vừa tăng 6% so với năm 2012, tỉ trọng lao động giảm 0,8%, cho thấy quy mô DN đang nhỏ dần", ông Tiến nói.
Theo ông Nguyễn Hoa Cương, phó cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ KH-ĐT), quy mô DN ngày càng nhỏ là hiện tượng khách quan của nền kinh tế đang phát triển, số lượng DN nhỏ và vừa ngày càng tăng.
Trong hơn 1 triệu DN đăng ký hiện nay, thực tế chỉ có khoảng 518.000 DN đang hoạt động nên dư địa vẫn còn. Về bản chất, số lượng DN nhỏ và vừa tăng lên, theo ông Cương, cho thấy sự cải thiện về năng lực cạnh tranh của DN, môi trường kinh doanh tốt hơn.
Không thể thu thập thông tin kinh tế ngầm
Cũng tại buổi họp, ông Nguyễn Bích Lâm (tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê) cho biết quy mô kinh tế phi chính thức chưa đến 30%.
Trong 5 yếu tố cấu thành hoạt động kinh tế này, cơ quan thống kê đã điều tra 3 thành tố gồm kinh tế phi chính thức (như hộ kinh doanh cá thể không có đăng ký kinh doanh, xe ôm...), hoạt động hộ gia đình tự sản tự tiêu và hoạt động kinh tế bị bỏ sót do chương trình thu thập dữ liệu của cơ quan thống kê.
Với hai thành tố gồm kinh tế ngầm và kinh tế phi pháp, theo ông Lâm, "không thể thu thập thông tin một cách chính thức".
Trên cơ sở đề án đang xây dựng, cơ quan thống kê sẽ lấy ý kiến các bộ ngành để thống nhất quan điểm trong quản lý với một số lĩnh vực như đánh bạc, mại dâm, buôn lậu... để quản lý cho phù hợp.
Theo đó, trong năm 2018 cơ quan thống kê sẽ điều chỉnh quy mô GDP, dựa trên cơ sở tính toán thêm các thành tố hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong quá trình thu thập thông tin.
Chỉ 4% đơn vị tự lo được chi thường xuyên
Cũng theo Tổng cục Thống kê, kết quả điều tra cho thấy có tới hơn 70% đơn vị hành chính vẫn phải nhận bao cấp toàn bộ từ ngân sách nhà nước.
Theo đó, khối hành chính sự nghiệp có 143.700 đơn vị, với số lao động tăng 3,8 triệu người (11,3%) so với năm 2012.
Trong đơn vị sự nghiệp, các đơn vị công lập vẫn chiếm tỉ lệ tới 96%, với gần 70.700 cơ sở và 2,45 triệu lao động.
Đáng chú ý, có tới 70,2% (tương đương trên 50.000) số cơ sở nhận toàn bộ chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước, với gần 1,4 triệu công chức; chỉ 10,8% đơn vị tự chủ và 4% đơn vị tự đảm bảo hoạt động chi thường xuyên.