Doanh nghiệp nói gì về việc TP.HCM đề xuất xét nghiệm miễn phí cho công nhân?

18:24 | 19/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các doanh nghiệp cho biết có thể lo được chi phí ăn ở, tổ chức làm việc tại chỗ, nhưng chi phí xét nghiệm 7 ngày/lần là rất khó, đặc biệt với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Doanh nghiệp "gồng mình" gánh chi phí xét nghiệm COVID-19

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, họ có thể lo được chi phí ăn ở, tổ chức làm việc tại chỗ, nhưng chi phí xét nghiệm 7 ngày/lần là rất khó, đặc biệt với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cứ 7 ngày, một doanh nghiệp sản xuất với 500 công nhân thực hiện "3 tại chỗ" sẽ phải mất khoảng 75 triệu đồng cho chi phí xét nghiệm (150.000 đồng/kit test). Nếu doanh nghiệp có 1.000-2.000 công nhân số tiền đó sẽ tăng lên gấp đôi, gấp ba.

Thực tế, hiện nay để duy trì sản xuất theo quy định "3 tại chỗ" bên cạnh chi phí sinh hoạt cho công nhân, doanh nghiệp còn nặng gánh thêm khoản tiền xét nghiệm lớn.

Bà Đặng Thị Phương Ninh, Giám đốc Công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải (Cofidec) - cho biết đơn vị đã triển khai phương án “3 tại chỗ” cho 850 công nhân, nhằm đảm bảo đơn hàng xuất khẩu và các sản phẩm thủy hải sản, nông sản phục vụ cho thị trường nội địa.

Doanh nghiệp nói gì về việc TP.HCM đề xuất xét nghiệm miễn phí cho công nhân? - ảnh 1

Nhiều doanh nghiệp mất hàng tỷ đồng/tháng tiền xét nghiệm cho công nhân khi thực hiện 3 tại chỗ.

Tuy nhiên, giám đốc công ty này cho rằng chi phí xét nghiệm đang khiến doanh nghiệp tốn một khoản tiền rất lớn.

Trao đổi với Zing, bà Nguyễn Thị Thảo Viên, Giám đốc nhân sự CJ Food Việt Nam và CJ Cầu Tre (quận Tân Phú, TP.HCM) thừa nhận việc duy trì hoạt động theo "3 tại chỗ" gặp rất nhiều khó khăn.

"Chi phí xét nghiệm 7 ngày/lần cho gần 700 công nhân đang hoạt động tại nhà máy ở Cầu Tre là rất nặng, ngoài ra phải lo nguồn thực phẩm để nấu ăn cho công nhân ngày 3 bữa, thậm chí cả bữa khuya", bà nói.

Với khoảng 700 công nhân, cứ 7 ngày công ty bà Viên phải chi hơn 100 triệu đồng để xét nghiệm cho công nhân. Tính ra, một tháng, doanh nghiệp này cũng mất gần nửa tỷ đồng cho riêng chi phí này. Bà Viên chia sẻ việc thực hiện theo nguyên tắc "3 tại chỗ" là tình huống không ai mong muốn, phía công ty cũng phải cố gắng hết mức để duy trì hoạt động.

"Hiện tại, Chính phủ cũng đang rất đau đầu vì phải giải quyết nhiều vấn đề phát sinh. Do đó, chúng tôi cũng đồng tình chia sẻ dù cả người lao động và doanh nghiệp đều chật vật. So với những khó khăn chung thì khó khăn của mình không là gì cả", bà nói và cho biết đang làm tốt nhất những gì có thể với công nhân.

"Chúng tôi chuẩn bị đầy đủ mọi thứ từ sữa, nước, vật dụng vệ sinh cá nhân như chiếu, màn, quạt... Ngược lại khi ở nhà máy công nhân cũng có thu nhập", đại diện CJ Food cho hay. Hiện công ty đã dừng nguồn hàng xuất khẩu để tập trung cung cấp thực phẩm cho người dân trong nước.

Để tránh lo ngại lây nhiễm chéo, bà Viên cho biết trước khi cho 700 công nhân này vào nhà máy, công ty đã tiến hành xét nghiệm toàn bộ. "Trong thời điểm ở nhà máy số lao động này sẽ 'nội bất xuất, ngoại bất nhập', kể cả tôi hay giám đốc cũng không được vào nhà máy", bà nói.

"Theo tôi, đây là trách nhiệm của doanh nghiệp, phải tự vận động. Đương nhiên, trong những thời điểm như vậy sẽ có sai sót này sai sót nọ nhưng không thể quy hết trách nhiệm cho Chính phủ", đại diện CJ Food Việt Nam chia sẻ.

Theo Kinh tế Sài Gòn Online thông tin từ ông Nguyễn Tấn Pháp, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (cơ sở tại Biên Hoà, Đồng Nai) chia sẻ về khó khăn của doanh nghiệp khi các địa phương yêu cầu giấy xét nghiệm cho biết công ty có gần 1.000 công nhân sinh sống ở Bình Dương, TPHCM.

Đối với chi phí xét nghiệm COVID-19 doanh nghiệp sẽ hỗ trợ cho công nhân trong 2 tuần đầu tiên. Những tuần tiếp theo đó, công ty sẽ đưa ra các lựa chọn là công nhân ở trọ tại Đồng Nai công ty sẽ hỗ trợ với mức 1 triệu đồng/người/tháng, hoặc xin tạm nghỉ ở nhà. Trường hợp công nhân chọn đi về thì phải tự lo chi phí xét nghiệm.

Chủ tịch công đoàn của doanh nghiệp này cho biết với 1.000 người chi phí hỗ trợ xét nghiệm và hỗ trợ thuê nhà trọ là khá lớn, tuy nhiên để đảm bảo an toàn phòng chống dịch doanh nghiệp vẫn phải “gồng mình” gánh các chi phí này.

Đề xuất miễn phí xét nghiệm COVID-19 cho các doanh nghiệp

Trong văn bản kiến nghị Chính phủ, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nhận định, các doanh nghiệp (DN) đã rất nỗ lực khắc phục mọi khó khăn để tổ chức phương án sản xuất theo mô hình sản xuất "3 tại chỗ", "1 cung đường - 2 điểm đến", song không thể kéo dài.

Do vậy, trong số rất nhiều nhóm giải pháp, UBND TP HCM kiến nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện mô hình sản xuất "3 tại chỗ" hỗ trợ xét nghiệm COVID-19 cho công nhân miễn phí, hỗ trợ phun thuốc khử khuẩn, tiêm vaccine cùng với giảm chi phí, như giảm giá điện sản xuất hoặc miễn giá điện sinh hoạt của công nhân như đối với các khu cách ly.

Chi phí xét nghiệm đang là áp lực tài chính với các doanh nghiệp thực hiện theo các phương án “3 tại chỗ” hoặc “2 địa điểm, 1 cung đường”.

Doanh nghiệp nói gì về việc TP.HCM đề xuất xét nghiệm miễn phí cho công nhân? - ảnh 2

UBND TPHCM kiến nghị cho phép DN được khấu trừ chi phí phòng, chống dịch COVID-19 để duy trì sản xuất trong các khoản nộp ngân sách.

Theo VGP NEWS, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP HCM, Chủ tịch HĐTV Công ty Cơ khí Duy Khanh bày tỏ sự hy vọng vào đề xuất này.

“Rất mừng là TP HCM đã nhìn nhận ra những chi phí phòng, chống dịch này không thể để doanh nghiệp gánh chịu. Nhà nước đang thực hiện xét nghiệm miễn phí cho cộng đồng. Doanh nghiệp cũng là một cộng đồng dân cư nên cũng phải được miễn phí. Được chia sẻ khoản này là sự hỗ trợ rất lớn với các doanh nghiệp”, ông Tống nói.

Thời gian đầu khi thực hiện “3 tại chỗ”, Công ty Cơ khí Duy Khanh hợp đồng với một bệnh viện vào xét nghiệm cho công nhân, chi phí từ 200.000-300.000 đồng/lượt. Sau này, doanh nghiệp có thể mua thiết bị test và mời y tế địa phương lấy mẫu, giảm bớt chi phí. “Mỗi công nhân xét nghiệm hằng tuần thì chi phí xét nghiệm cũng xấp xỉ 1 triệu đồng/người/tháng”, ông Tống tính toán.

Tổng thư kí Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (Hawa) - Ông Nguyễn Chánh Phương cho biết, qua khảo sát khoảng 200 doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ” với tổng số lao động 70.000 công nhân cũng đưa ra mức phí xét nghiệm tương đương. “Như vậy trung bình khoảng 350 người tương đương 350 triệu đồng/tháng cho việc xét nghiệm. Đấy là chi phí trung bình, trong khi có nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì cả nghìn lao động ở nhiều nhà máy thì phí xét nghiệm cả tỷ đồng/tháng”, ông Phương phân tích.

Mặc dù rất hy vọng vào đề xuất miễn phí xét nghiệm cho các DN nhưng ông Nguyễn Chánh Phương cho rằng phải sớm có hướng dẫn cho các DN. Ví dụ chi phí xét nghiệm tính trên thiết bị xét nghiệm DN đã mua hay bao gồm cả tiền dịch vụ xét nghiệm và hoàn trả chi phí này cho DN như thế nào. Cách ghi nhận các chi phí như thế nào khi DN đang mua thiết bị xét nghiệm nhanh và PCR của các cơ sở y tế dịch vụ.

Nếu có hướng dẫn triển khai chi tiết thì xác định nguồn quyết toán các khoản này không khó, “sử dụng BHXH và BHYT là hợp lý nhất”, ông Phương nêu đề xuất. Ví dụ thuốc điều trị cho F0 nếu cách ly, điều trị ngay tại nhà máy thì do BHYT chi trả. Chi phí test người lao động do BHXH chi trả.

Tuy nhiên, ông Đỗ Phước Tống lại đưa ra cách triển khai theo hướng tính theo đầu người. Đó là tạo ra một định mức đơn giản, ví dụ hỗ trợ 100.000 đ/công nhân/ngày. Vì việc chi li hồ sơ giấy tờ, xét duyệt sẽ tốn thêm nguồn lực của DN và còn có thể phát sinh tiêu cực. Khi đăng kí sản xuất “3 tại chỗ” mỗi DN phải báo danh sách người lao động tham gia. Đấy là căn cứ dễ nhất để hỗ trợ cho DN.

Theo số liệu thống kê của Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (Hepza), hàng ngày có hơn 6.000 lao động ở Đồng Nai đến các khu chế xuất, khu công nghiệp Cát Lái, Linh Trung, Bình Chiểu, Lê Minh Xuân 3, Đông Nam tại TPHCM làm việc.

Ở chiều ngược lại, số lượng lao động, chuyên gia nước ngoài ở TPHCM làm việc trong các khu công nghiệp tại Đồng Nai cũng lên đến 10.000 người. Với tổng số 16.000 lao động khi đến Đồng Nai phải có giấy xét nghiệm sẽ khiến doanh nghiệp phải tốn chi phí rất lớn.

Liên quan đến việc xét nghiệm COVID-19 cho người lao động, thông tin từ Hepza cho biết ngày 6-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM đã có văn bản gửi các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM về việc tổ chức xét nghiệm nhanh cho công nhân để kiểm soát dịch COVID-19. Theo đó, các doanh nghiệp có nhân viên y tế sẽ tự test nhanh cho người lao động để kiểm soát dịch COVID-19.

Hiện nay, TPHCM có 22 doanh nghiệp đủ điều kiện vừa cách ly vừa sản xuất với số lượng công nhân vào khoảng 25.000 người. Còn những doanh nghiệp không đủ điều kiện cho công nhân ở lại sẽ phải tiến hành xét nghiệm cho người lao động để kiểm soát dịch COVID-19.

Hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Về chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng cho DN, UBND TP HCM đã đề xuất hàng loạt giải pháp.

Trong đó, cần phân loại DN thành 3 nhóm để xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp tình trạng hoạt động của DN: DN đã giải thể, phá sản; DN đang tạm ngừng hoạt động; DN đang còn hoạt động.

Theo dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp về thu ngân sách nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch COVID-19, thời hạn áp dụng giảm thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng cho DN, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là hết tháng 12/2021.

UBND TP HCM kiến nghị kéo dài thời hạn áp dụng ít nhất đến hết quý I/2022 và có thể đến hết tháng 6/2022.

Đối với DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch (như du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống, vận tải, chiếu phim, hoạt động thể thao, vui chơi và giải trí...), cần nâng mức giảm VAT lên 50% (thay vì 30% như dự thảo).

Về chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, UBND TP HCM kiến nghị tiếp tục thực hiện chính sách giảm tiền thuê đất cho người thuê đất gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19 với mức giảm là 30% trong năm 2021, riêng các DN ngành du lịch bị ảnh hưởng trực tiếp và liên tục trong hai năm 2020 và 2021 thì mức giảm là 50%.

Đặc biệt, UBND TP HCM kiến nghị chấp thuận dịch COVID-19 đang diễn ra là tai nạn bất khả kháng, để DN được giảm 50% tiền thuê đất trong thời gian ngừng sản xuất, kinh doanh.


Nguyễn Triệu

Xem thêm: Phương án "dài hơi" để doanh nghiệp sản xuất trong đại dịch COVID-19