Doanh nghiệp phân phối, bán lẻ sản phẩm công nghệ trên đà phục hồi
Dù vậy, giới phân tích cho rằng, việc lạm phát gia tăng sẽ tác động tiêu cực đến chi tiêu của người tiêu dùng, tăng trưởng của các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ các sản phẩm điện thoại và laptop có thể không cao như kỳ vọng trước đây.
Theo các cuộc thảo luận của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) với các nhà phân phối sản phẩm laptop và điện thoại là Công ty cổ phần Thế giới số (mã chứng khoán: DGW) và Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (mã chứng khoán: PET), ban lãnh đạo các doanh nghiệp này cho biết đều nhận thấy dấu hiệu phục hồi nhu cầu laptop và điện thoại di động trong tháng 7/2022.
Cụ thể, doanh thu laptop tháng 7 của Công ty cổ phần Thế giới số tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Ban lãnh đạo doanh nghiệp dự báo doanh thu tháng 8 và tháng 9 sẽ tiếp tục phục hồi rõ ràng hơn. Doanh thu điện thoại di động tháng 7 tăng mạnh 105% so với cùng kỳ năm ngoái từ mức nền thấp, do năm ngoái việc kinh doanh bị gián đoạn bởi giãn cách xã hội.
Công ty cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (mã chứng khoán: PET) cũng xác nhận xu hướng tương tự dù hiện chưa công bố số liệu kinh doanh sơ bộ tháng 7 mảng điện thoại di động và laptop.
Trước đó, theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), lạm phát làm ảnh hưởng đến sức mua, buộc người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu đối với các mặt hàng không thiết yếu từ quý II/2022
Theo ước tính của BVSC, doanh thu điện thoại di động trong quý II/2022 ở Việt Nam tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 26,8 nghìn tỷ đồng, giảm tốc do yếu tố thời vụ so với mức 31 nghìn tỷ trong quý I/2022.
Doanh thu quý II/2022 được hỗ trợ bởi giá bán bình quân (ASP) tăng lên mức 6,92 triệu/chiếc, tăng mạnh 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh mức độ đóng góp cao hơn từ các sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp. Cụ thể, Apple tiếp tục mở rộng thị phần ở Việt Nam.
Sản lượng tiêu thụ quý II/2022 tiếp tục đi ngang. Lũy kế 6 tháng năm 2022, doanh thu điện thoại di động ở ở Việt Nam ước tính tăng trưởng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 57,9 nghìn tỷ đồng.
Trong khi đó, doanh thu laptop quý II/2022 thấp do tính thời vụ. Sau khi doanh thu quý I/2022 tăng mạnh, doanh thu laptop quý II/2022 suy yếu do nhu cầu suy giảm.
Tại các công ty bán buôn, doanh thu quý II/2022 của Công ty cổ phần Thế giới số đạt 1.130 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm tới 49,8% so với quý I/2022.
Tuy nhiên, con số này vẫn vượt trội hơn doanh thu quý II/2022 của Công ty cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí. Theo đó, doanh thu quý II/2022 của Công ty cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí chỉ đạt 434 tỷ đồng, giảm 51,9% so với cùng kỳ trước đó và giảm 68,4% so với quý I.
Đối với nhà bán lẻ, doanh thu laptop quý II/2022 của Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (mã chứng khoán: FRT) giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 879 tỷ đồng. Con số này cũng giảm 38,1% so với quý I/2022.
Dù kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ điện thoại di động và laptop giảm sâu, nhưng BVSC lạc quan về triển vọng kết quả kinh doanh quý III/2022 của cả Công ty cổ phần Thế giới số và Công ty cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí, nhờ các yếu tố gồm: nhu cầu điện thoại di động và laptop tăng mạnh vào mùa cao điểm; biên lợi nhuận hoạt động cải thiện nhờ nhu cầu tăng và tăng cường cắt giảm chi phí hoạt động; chi phí tài chính giảm nhờ vốn lưu động được tối ưu hơn trong môi trường bán hàng thuận lợi hơn; khả năng ghi nhận hoàn nhập dự phòng hàng tồn kho đối với Công ty cổ phần Thế giới số và chứng khoán đầu tư đối với Công ty cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí; không có các chi phí một lần liên quan đến dịch COVID-19.
Tuy đang trên đà phục hồi, nhưng Công ty cổ phần chứng khoán SSI (SSI) cho rằng, việc lạm phát gia tăng sẽ tác động tiêu cực đến chi tiêu của người tiêu dùng, tăng trưởng của các doanh nghiệp bán lẻ có thể không cao như kỳ vọng trước đây.
SSI dự báo các công ty lớn sẽ giành được nhiều thị phần hơn nhờ khả năng thương lượng mạnh mẽ với các nhà cung cấp, cho phép họ giảm thiểu tác động của giá vốn tăng cao và từ đó đưa ra được nhiều chiết khấu hơn để hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh áp lực lạm phát.
Lợi nhuận của Công ty cổ phần Thế giới số (mã chứng khoán: DGW) đã đạt đỉnh vào quý IV/2021 nhờ doanh thu máy tính xách tay tăng cao bất thường.
Năm 2023, lợi nhuận của doanh nghiệp có thể vẫn tăng do đóng góp nhiều hơn từ các hợp đồng mới được ký kết và doanh thu từ các hợp đồng hiện tại có thể vẫn tăng lên. Cụ thể là điện thoại di động Xiaomi tiếp tục chiếm thị phần, giá bán iPhone tiếp tục tăng hằng năm.
Bên cạnh đó, lợi nhuận của Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (mã chứng khoán: FRT) cũng đã đạt đỉnh trong quý IV/2021, nhờ doanh thu máy tính xách tay cao bất thường, do đó lợi nhuận quý IV/2022 sẽ giảm so với mức cao của năm ngoái. Doanh nghiệp vẫn có thể tăng lợi nhuận vào năm 2023, dù rất ít, nhờ thị phần trong ngành bán lẻ công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) tăng lên.
Đối với Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán: MWG) vẫn có thể tăng lợi nhuận nhờ tăng thị phần trong mảng công nghệ thông tin và điện tử gia dụng (ICT và CE), mặc dù tăng trưởng từ mảng này sẽ thấp.
Trên thị trường chứng khoán, cùng với kết quả kinh doanh đi xuống trong nửa đầu năm và sự khó khăn chung của thị trường chứng khoán, các mã cổ phiếu doanh nghiệp ngành phân phối bán lẻ điện thoại và laptop cũng giảm sâu.
Chốt phiên giao dịch ngày 12/8, MWG có giá 63.000 đồng/cổ phiếu, giảm tới 54,2% so với chốt phiên giao dịch đầu năm (4/1). Mã FRT giảm 11%, DGW giảm hơn 93%. PET là cổ phiếu tích cực nhất nhóm khi tăng nhẹ hơn 4,6%.