Doanh nghiệp sẽ chống chịu tốt hơn trước những tác động xấu nhờ chuyển đổi số
Cụ thể, nội dung trên được đề cập tại chương trình đối thoại cùng báo chí với chủ đề "Chuyển đổi số để bứt phá: Giải pháp công nghệ hay tư duy chiến lược của DN" được tổ chức Hội đồng DN vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) vào ngày 31/8 bằng hình thức trực tuyến.
Đại dịch đã nêu lên vấn đề các làn sóng dịch COVID-19 bùng phát liên tục trong năm 2021 đã tác động tiêu cực đến sự ổn định và phát triển kinh tế-xã hội trên phạm vi toàn quốc. Các đợt dịch lần này được đánh giá nghiêm trọng hơn nhiều so với năm 2020.
Việc thay đổi mô hình quản trị doanh nghiệp từ truyền thống sang số hóa, Chính phủ số với công nghệ mới như: Dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… đã thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa DN, văn hóa quản lý tại các cơ quan, tổ chức.
Ảnh minh họa
Trong bối cảnh đầy thách thức này, làn sóng chuyển đổi số tại doanh nghiệp Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết: Cộng đồng DN đã chủ động, tích cực tìm hướng đi mới, áp dụng chuyển đổi số trong vận hành DN để có thể duy trì tối đa hoạt động sản xuất-kinh doanh. Mô hình nền kinh tế số đang hiện hữu rõ ràng hơn lúc nào hết.
Khoảng 80% lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng chuyển đổi số ngày càng trở nên cấp thiết, khoảng 65% lãnh đạo DN dự kiến sẽ tăng đầu tư cho chuyển đổi số. Những giải pháp ưu tiên cao trong DN hiện nay là làm việc từ xa ở quy mô lớn, an ninh mạng, thương mại và tiếp thị điện tử, cũng như tự động hóa quy trình - đó là lời phát biểu của ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Chiến lược Công ty Công nghệ Thông tin VNPT (VNPT-IT).
Những đại diện tiêu biểu trong quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp
Tại chương trình, Đại diện DN Việt Nam thích ứng phát triển thành công trong đại dịch, là Traphaco với bà Phó Tổng giám đốc Đào Thúy Hà đã đứng lên chia sẻ: Trong những năm gần đây, Traphaco đã từng bước thành công trong chuyển đổi “tư duy 4.0”, chuyển đổi số, đầu tư nhân sự, cơ sở hạ tầng, xây dựng quy trình phù hợp, bắt nhịp xu hướng mua hàng online.
DN này đã chủ động đầu tư công nghệ dược phẩm hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng rô bốt trong sản xuất tạo lợi thế dẫn đầu về Pharma 4.0 tại Việt Nam; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bán hàng (DMS); áp dụng ERP trong quản lý DN; phân tích và khai thác dữ liệu khách hàng thông qua hệ thống BI (Business intelligence), đánh giá năng lực từng đại lý, nhà thuốc để tối ưu hóa các chính sách bán hàng.
Kết quả là bất chấp đại dịch, Traphaco đã có mức tăng trưởng tốt, năm 2020, tăng trưởng 12% về doanh thu, 27% về lợi nhuận sau thuế. 6 tháng năm 2021, DN tiếp tục đà tăng trưởng 22% về doanh thu và 38% về lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp lớn thuộc nhiều khối ngành khác nhau với tiềm lực tài chính mạnh mẽ đã mạnh tay đầu tư vào quá trình này nhằm thích ứng và hồi phục nhanh chóng. Theo dữ liệu của nhóm nghiên cứu của Vietnam Report đó là một loạt những cái tên quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam như: Ngân hàng Thương mại cổ phần MB Bank, Cộng Cà Phê, F88, Phong Vũ hay ToCoToCo...
Doanh nghiệp cần chú ý gì khi chuyển đổi số?
Theo đại diện của VNPT-IT, chuyển đổi số có thành công hay không phụ thuộc vào 3 yếu tố: Con người, thể chế, công nghệ. Ông Nguyễn Trung Kiên cho rằng thay đổi thói quen là khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số; nhận thức và nhận thức đúng là thách thức lớn nhất của chuyển đổi số. Từ đó, ông Kiên kết luận mỗi DN cần đánh giá phân tích rủi ro của riêng mình, trong đó có thể bao gồm những rủi ro như an toàn, an ninh mạng, quản trị dữ liệu, tính riêng tư, chất lượng giảm, giảm việc làm...
Hiện tại, một thực trạng đang diễn ra đó là sự chậm nhịp trong chuyển đổi số của nhiều DN nhỏ và vừa (SMEs). Các doanh nghiệp này bị các chuyên gia trong hội nghị đánh giá còn mơ hồ khi định hướng và triển khai hoạt động sản xuất-kinh doanh theo mô hình kinh tế số.
Số liệu thống kê do Bộ Công Thương và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) khảo sát với 2.700 doanh nghiệp thuộc 18 nhóm ngành công nghiệp về độ sẵn sàng tiếp cận với các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng cho thấy tới 82% doanh nghiệp đang ở vị trí mới nhập cuộc; 61% doanh nghiệp còn đứng ngoài cuộc và 21% doanh nghiệp mới bắt đầu nhập cuộc.
Nguyên nhân cũng tương tự như trên: Các DN chưa biết phải bắt đầu chiến lược chuyển đổi số từ đâu; tư duy ngại thay đổi, sợ rủi ro chính là rào cản lớn nhất cho quá trình chuyển đổi số của cộng đồng doanh nghiệp hiện nay. Chuyển đổi số đang thiếu lộ trình cụ thể và thiếu sự cân bằng giữa công nghệ và các nguồn lực nội bộ tại các doanh nghiệp.
Trước tình trạng trên, trả lời Thông tấn xã Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số cho hay, doanh nghiệp dù ở lĩnh vực nào thì các công nghệ hỗ trợ nhân viên, phát triển đội nhóm hay phần mềm quản lý dự án đều là những ưu tiên hàng đầu. Việc chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi quy trình vận hành của doanh nghiệp được tinh giản, thông minh hóa và nhân viên có tác phong làm việc hiện đại, được trang bị các công cụ dễ hiểu, gắn kết và tương tác với khách hàng đa kênh một cách dễ dàng.
Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên sử dụng hạ tầng công nghệ dùng chung, cơ sở dữ liệu dùng chung do các đối tác công nghệ lớn phát triển và cung cấp các ứng dụng... Hơn thế nữa, các cấp ngành và cộng đồng doanh nghiệp cần có sự đổi mới về tư duy để nhận thực đúng đắn vấn đề: Chuyển đổi số không phải là một trào lưu thời thượng hay chỉ là 1 dự án công nghệ thông tin, nó đòi hỏi sự biến đổi toàn diện về cách thức mà doanh nghiệp vận hành, thiết kế sản phẩm, mô hình kinh doanh, tương tác với khách hàng và các đối tác trong hệ sinh thái.
Báo cáo của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy 53% dân số hiện nay đã và đang tham gia mua bán trực tuyến, tạo đà cho thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam trong năm 2020 tăng trưởng 18% và đạt 11,8 tỷ đô la Mỹ (USD), tương đương 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Trong khi đó, năm 2020 cũng đã có 30% doanh số bán lẻ được thực hiện thông qua các ứng dụng trên Internet và 33% người tiêu dùng Việt Nam đã thực hiện chuyển tiền trực tiếp trên mạng khi tham gia mua sắm trực tuyến. Nắm bắt được tình hình và xu hướng mua sắm thanh toán mới của người dân, Chính phủ đã nhanh chóng xây dựng chương trình chiến lược cấp quốc gia về chuyển đổi số để thích ứng với bối cảnh mới. "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" có nội dung và những kế hoạch để cụ thể hóa nền kinh tế số của Việt Nam trong tương lai như: Phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, đến năm 2030, Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử, phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, kinh tế số đóng góp 30% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%... |
Duy Anh (t/h)
Xem thêm: Nữ tỷ phú Việt nỗ lực thay đổi định kiến giới trong chuyển đổi số