Doanh nghiệp SIB nỗ lực lan toả giá trị văn hoá Việt Nam

Trang Mai 17:34 | 08/08/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 26.000 doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động được xếp vào nhóm doanh nghiệp tạo tác động xã hội (SIB). Tuy nhiên, các doanh nghiệp SIB tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp do người yếu thế làm chủ hoặc làm việc với người yếu thế (phụ nữ, dân tộc thiểu số, người khuyết tật,…), vẫn đang đối mặt với rất nhiều thách thức để đạt được cả hai mục tiêu là tạo ra doanh thu đồng thời tạo ra những tác động tích cực cho xã hội.

Ngày 7/8, Viện Nghiên cứu Đổi mới và Phát triển (IID) phối hợp với Mạng lưới hỗ trợ các doanh nghiệp Kinh doanh tạo tác động VNSE và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Avanta Holdings (Avanta) đã cho ra mắt bộ quà tặng “Tinh hoa đất mẹ” (bao gồm các sản phẩm thủ công độc đáo từ 10 doanh nghiệp tác động xã hội tiêu biểu) và tour trải nghiệm “Bản sắc Việt” (Tour đưa du khách tới chiêm ngưỡng Suối Giàng - Yên Bái, Nam Cao - Thái Bình và Bát Tràng - Hà Nội). Hoạt động này nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp SIB lan toả giá trị văn hoá và thiên nhiên Việt Nam, đồng thời thúc đẩy kết nối kinh doanh giữa các đơn vị trong nhiều lĩnh vực.  

 Bộ quà tặng “Tinh hoa đất mẹ”, bao gồm nhiều sản phẩm hữu cơ, thân thiện với môi trường và hữu ích trong cuộc sống. Ảnh: Mai Trang.

Đây là sự kiện trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động tại Việt Nam ứng phó với Covid-19” (Dự án ISEE-COVID) do Bộ các vấn đề toàn cầu Canada (GAC) tài trợ và đồng thực hiện bởi Chương trình phát triển Liên hợp Quốc (UNDP) và Cục phát triển doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trong những năm gần đây, SIB tại Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ với ước tính khoảng hơn 26.000 doanh nghiệp/hợp tác xã. Các SIB này vẫn gặp khó khăn trong việc mở rộng thị trường do khách hàng thường chưa nhìn nhận đúng chất lượng sản phẩm cũng như những tác động tích cực cho môi trường và xã hội mà SIB mang lại. Đồng thời, doanh nghiệp cũng chưa có nhiều cơ hội để hợp tác với nhau và tăng cơ hội cạnh tranh với các nhóm sản phẩm khác. Do đó, sự kiện lần này là một trong những sáng kiến thiết thực, góp phần quảng bá sản phẩm và thúc đẩy sự phát triển của các SIB Việt Nam.

Chia sẻ với phóng viên, anh Tuấn Dương, CEO của CTCP Chăm sóc sức khỏe đường ruột Việt Nam cho biết: “Thực ra trong hành trình lập nghiệp, tôi chỉ có một mục tiêu là tạo ra sản phẩm tốt, hữu ích cho cộng đồng. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là một doanh nghiệp tạo tác động xã hội. Nhưng khi dự án đưa ra thì rất may mắn là các tiêu chí của doanh nghiệp đều phù hợp. Ví dụ như doanh nghiệp đã góp phần nâng cao giá trị nông sản lên 5 - 10 lần nhờ chế biến tinh, không còn xuất khẩu thô, giúp người nông dân giữ đất, giữ cây, và quan trọng nhất là ổn định cuộc sống.

Tiếp đó, hiện nay ở Việt Nam có khoảng 30 triệu người bị táo bón, 20 triệu người bị các bệnh về đại tràng khoảng 15 triệu người bị tiểu đường và tiền tiểu đường tuýp 2. Do đó, khi sử dụng sản phẩm này thì có thể hỗ trợ, giải quyết được các vấn đề liên quan đến hệ tiêu hoá. Ngoài ra, trong hành trình kinh doanh, doanh nghiệp giữ quan điểm phải thực hiện các trách nhiệm xã hội bằng việc tạo sinh kế cho những người yếu thế như cộng đồng trẻ bại não, người khuyết tật…. hay hỗ trợ cho những dự án khởi nghiệp.”

Nghệ nhân làm gốm và các sản phẩm tại Gốm Sen (Hà Nội). Ảnh: Mai Trang

 

Cũng là một doanh nghiệp SIB được UNDP lựa chọn và sản phẩm nằm trong bộ sưu tập được ra mắt lần này, anh Nguyễn Tất Thắng, nhà sáng lập thương hiệu Gốm Sen tâm sự: “Hành trình để trở thành SIB là con đường rất dài, và cũng là một nhân duyên với Gốm Sen. Năm 2018, một bước ngoặt đã đến khi tôi gặp gỡ những người thợ vẽ đặc biệt,  những người khuyết tật, mang thiệt thòi về thể chất nhưng lại được trời phú đôi tay khéo léo. Tôi nhận thấy rằng họ là những con người rất tuyệt vời. Họ có những năng lượng, sự sáng tạo khiến mình ngỡ ngàng. Từ đó tôi suy nghĩ rằng tại sao lại không giúp đỡ, đồng hành, để các bạn đó có sinh kế, môi trường để toả sáng”. Hiện nay, sản phẩm của Gốm Sen đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới, từ châu Âu đến Bắc Mỹ, với số lượng khoảng 10.000 sản phẩm/năm, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động. 

Tại Việt Nam, vẫn còn rất nhiều cơ hội lớn cho SIB trong việc mở rộng mô hình kinh doanh bằng việc tham gia vào nỗ lực chung giải quyết các thách thức phát triển hiện tại. Những đóng góp cho môi trường, giải quyết nhu cầu việc làm, nâng cao chất lượng đời sống… từ các doanh nghiệp SIB sẽ là một trong những tác động giúp Việt Nam hiện thực hoá các mục tiêu phát triển bền vững.