Doanh nghiệp thép trở lại đường đua tăng trưởng
Theo chuyên gia phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), ông Lê Hải Thành, trong quý II/2025, sản lượng tiêu thụ thép nội địa ước đạt 7,1 triệu tấn, tăng 22% so với cùng kỳ; trong đó, thép xây dựng chiếm khoảng 3,1 triệu tấn (tăng 14%) và thép cuộn cán nóng (HRC) tiếp tục tăng mạnh. Việc áp thuế chống bán phá giá tạm thời 19 - 28% khiến chênh lệch giá giữa HRC Việt Nam và Trung Quốc giảm còn 50 USD/tấn, giúp HRC nội địa cạnh tranh hơn.
Riêng Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG), sản lượng HRC trong quý II có thể đạt 2,2 triệu tấn, tăng 40% so với cùng kỳ; tỷ trọng HRC nội địa sử dụng trong sản xuất tôn mạ cũng tăng từ 15 - 20% lên 40%. Sản lượng thép xây dựng của doanh nghiệp này được dự báo tăng 15%.
Ngược lại, xuất khẩu thép tiếp tục chịu sức ép khi EU và Mỹ gia tăng rào cản thương mại. MBS dự báo sản lượng xuất khẩu toàn ngành trong quý II/2025 giảm 20%, còn 1,5 triệu tấn. Công ty cổ phần Thép Nam Kim (mã chứng khoán: NKG) và Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Thiên Lộc (mã chứng khoán: GDA) – những doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu lớn dự kiến có lợi nhuận ròng giảm lần lượt 32% và 65%. Trong khi đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát và Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG) tập trung vào tiêu thụ nội địa, dự kiến tăng trưởng lợi nhuận ròng 19% và 3%.
Diễn biến giá trong quý II/2025 tiếp tục có lợi cho các doanh nghiệp nội địa. Giá thép xây dựng đi ngang so với cùng kỳ, tăng nhẹ 1% so với quý I, trong khi giá quặng sắt và than cốc giảm lần lượt 3% và 4%. Nhờ đó, biên lợi nhuận gộp toàn ngành được kỳ vọng cải thiện. Với các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ như Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, sự ổn định của giá HRC còn giúp hoàn nhập dự phòng từ các quý trước.
Trong khi đó, theo Công ty trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam (NHSV), lợi nhuận sau thuế quý II/2025 của Công ty cổ phần tập đoàn Hòa Phát ước đạt 3.898 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ. Các chuyên gia nhận định, Công ty cổ phần tập đoàn Hòa Phát được bảo vệ tốt nhờ chính sách thuế chống bán phá giá áp dụng với HRC nhập từ Trung Quốc.
Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen dự kiến đạt lợi nhuận 263 tỷ đồng trong quý II, giảm 3,7% do xuất khẩu giảm, nhưng vẫn duy trì biên lợi nhuận sau thuế ở mức ổn định 2,56% nhờ thế mạnh nội địa. Trong khi đó, Công ty cổ phần Thép Nam Kim (NKG) dự kiến giảm lợi nhuận 27,5% do áp lực từ thuế xuất khẩu và chi phí đầu vào.
Trên thực tế, các doanh nghiệp ngành thép đang thể hiện sự linh hoạt cao trong điều chỉnh chiến lược thị trường. Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, dẫn đầu thị phần thép xây dựng (38,8%) và ống thép (32,8%) – tăng cường nội địa hóa tiêu thụ, đồng thời duy trì xuất khẩu tại một số thị trường ngách như Trung Đông, EU, Mỹ dù bị áp thuế cao.
Tại sự kiện của Hiệp hội Thép Việt Nam gần đây, ông Trần Đình Long – Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát bày tỏ sự lạc quan: “Đợt này doanh nghiệp đang không có hàng để bán. Giá thép đang tăng và đầu ra rất tốt”. Thép xây dựng đã tăng giá 4 lần trong quý II, hiện đạt khoảng 13,79 triệu đồng/tấn.
Ông Nguyễn Việt Thắng – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát cho biết giá HRC tại Mỹ tăng lên hơn 900 USD/tấn sau khi bị áp thuế, giúp doanh nghiệp xuất khẩu vẫn có lãi. Tuy nhiên, doanh nghiệp hiện vẫn ưu tiên thị trường nội địa, chiếm 80% sản lượng tiêu thụ. Ngoài ra, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát đang vận hành giai đoạn 1 Nhà máy Dung Quất 2, dự kiến hoạt động toàn bộ vào quý IV/2025, nâng công suất HRC lên 8,6 triệu tấn/năm. Cùng đó, doanh nghiệp hướng tới phát triển thép chất lượng cao, thép đặc biệt để tăng giá trị gia tăng trong dài hạn.
Triển vọng ngành thép trong nửa cuối 2025 tiếp tục gắn chặt với chính sách đầu tư công. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tăng trưởng toàn ngành sẽ phụ thuộc vào tốc độ giải ngân và các dự án hạ tầng. Việc Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% năm nay và hai con số trong giai đoạn 2026–2030 là tín hiệu tích cực cho nhu cầu thép dài hạn.
VSA kiến nghị các doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao chất lượng, giảm chi phí sản xuất, đồng thời nhà nước tiếp tục hỗ trợ thông qua biện pháp phòng vệ thương mại và thúc đẩy nội địa hóa chuỗi cung ứng.
Ông Trần Việt Hòa – Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nhấn mạnh vai trò của phòng vệ thương mại trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt với Quyết định số 914/QĐ-BCT về áp thuế chống bán phá giá với thép mạ từ Trung Quốc (lên tới 37,13%) và Hàn Quốc (cao nhất 15,67%). Ông Hòa cũng đề xuất phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng hàng rào kỹ thuật, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm thép Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Năm 2025 đang mở ra cơ hội phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành thép Việt Nam. Với lực đẩy từ đầu tư công, nhu cầu nội địa, chính sách hỗ trợ và nội lực doanh nghiệp, ngành thép có triển vọng phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu vẫn còn gay gắt.