Thép và tôn mạ: Áp thuế chống bán phá giá đối với HRC Trung Quốc sẽ định hình lại cục diện ngành
Chính thức áp thuế chống bán phá giá đối với HRC Trung Quốc
Vào đầu tháng 7/2025, Bộ Công Thương (BCT) đã ban hành mức thuế chống bán phá giá (CBPG) chính thức từ 23,10 – 27,83 % áp dụng cho HRC nhập khẩu từ Trung Quốc, theo quyết định AD20. Hồ sơ điều tra với Ấn Độ sẽ bị ngừng do tỷ trọng nhập khẩu dưới 3%. Biện pháp này giữ nguyên mã HS và mức thuế như đã công bố trong kết luận sơ bộ trước đó, phản ánh đúng kỳ vọng của thị trường khi thuế sơ bộ hết hiệu lực trong T7.

AD20 sẽ có hiệu lực trong thời hạn 5 năm kể từ 6/7/2025, mang tính chất phòng vệ dài hạn trước nguy cơ thép giá rẻ từ Trung Quốc tiếp tục gây áp lực lên sản xuất trong nước. Đáng chú ý, BCT cũng để ngỏ khả năng mở rộng phạm vi áp thuế sang các mã HS khác thuộc nhóm HRC nếu phát hiện dấu hiệu bán phá giá trong thời gian tới.
Tác động tích cực đối với sản lượng nhập khẩu: Trong 2024, HRC nhập khẩu chiếm 65% tổng nguồn cung HRC nội địa Việt Nam. Trong đó HRC nhập khẩu Trung Quốc rơi vào 9.2 triệu tấn (+47% CK) tương đương với 73%/43% của tổng nhập khẩu/nguồn cung. Việc thuế CBPG tạm thời áp dụng vào tháng 3 đã có tác dụng rõ rệt trong việc giảm thiểu nhập khẩu. Thép HRC trong 5T2025 giảm 40% CK, trong đó T5 giảm hơn 66%.
Tác động đối với giá bán sẽ có độ trễ: Chứng khoán Mirea Asset nhận định, không kỳ vọng giá bán HRC sẽ tăng đáng kể ở thời điểm hiện tại, dù mức chênh lệch lớn giữa giá thép nội địa và hàng nhập khẩu sau áp thuế CBPG (22%). Áp lực đối với giá chủ yếu đến từ nhu cầu xuất khẩu suy yếu của nhóm doanh nghiệp tôn mạ, hiện đang trong quá trình điều chỉnh sản lượng và tồn kho.

Theo cập nhập gần nhất, Hòa Phát đã hạ giá chào bán forward cho đơn hàng T8 xuống mức 502 USD/tấn (-11 USD/tấn; -2% sv. T7), phù hợp với xu hướng điều chỉnh giá tại các thị trường trong khu vực. Mặc dù tác động ngắn hạn đối với giá còn hạn chế, việc áp dụng thuế CBPG trong thời hạn 5 năm sẽ định hình lại mặt bằng giá HRC nhập khẩu trong dài hạn, từ đó tạo dư địa để các nhà sản xuất nội địa đạt được biên lợi nhuận tốt hơn trong các giai đoạn hồi phục theo chu kỳ.
Chứng khoán Mirea Asset cho rằng, biện pháp phòng vệ đưa Việt Nam vào quỹ đạo chung với các quốc gia ASEAN đang xây dựng rào cản thương mại để bảo vệ nền công nghiệp nội địa trước áp lực dư cung từ Trung Quốc.
Dẫu vậy, hai biến số vẫn cần giám sát chặt: (1) nguy cơ doanh nghiệp Trung Quốc lách thuế qua trung chuyển nước thứ ba hoặc các khổ quy cách thép cuộc cán nóng khác không bị áp thuế; (2) khả năng Bộ Công Thương rà soát giữa kỳ và điều chỉnh biên thuế. Trong ngắn hạn, xu hướng giá giao ngay cùng phản ứng thị trường đối với đơn hàng tháng 7 của Hòa Phát sẽ cung cấp tín hiệu ban đầu về mức độ hấp thụ chính sách.

Tác động đối với Tập đoàn HPG
Ở thời điểm hiện tại, Mirea Asset cho rằnng thuế chống bán phá giá sẽ tạo điều kiện thuận lợi để HPG gia tăng sản lượng tiêu thụ HRC, nhờ lợi thế chênh lệch giá bán so với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Về giá bán, HPG dự kiến sẽ tiếp tục đối mặt với áp lực giảm trong ngắn hạn do nhu cầu chưa hồi phục rõ nét. Tuy nhiên, biên lợi nhuận được kỳ vọng duy trì ổn định nhờ giá nguyên liệu đầu vào đặc biệt là quặng sắt và than cốc – cũng đang trong xu hướng giảm tương đương với giá thép.
Thị trường thép Việt Nam và Ấn Độ đều có mô hình tăng trưởng tương đồng trong ngành thép: năng lực sản xuất mở rộng nhanh nhờ đầu tư công suất mới, trong khi nhu cầu tiêu thụ nội địa ghi nhận xu hướng tăng mạnh. Tuy nhiên, cả hai quốc gia đều đang đối mặt với thách thức từ nguồn cung giá rẻ của Trung Quốc, tạo áp lực lên giá bán và tỷ suất lợi nhuận.

Trong bối cảnh đó, việc Việt Nam chính thức áp thuế chống bán phá giá trong khung thời gian dài có thể tạo bước ngoặt quan trọng cho ngành thép trong nước. Biện pháp bảo hộ này, kết hợp với những tín hiệu cải thiện từ các yếu tố cơ bản, kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội tái định giá cho các cổ phiếu đầu ngành như HPG.
"Xu hướng này có nhiều điểm tương đồng với thị trường Ấn Độ, nơi nhóm cổ phiếu thép đạng được tái định giá khi môi trường chính sách chuyển sang bảo hộ và nhu cầu nội địa bước vào chu kỳ tăng trưởng mạnh", Mirea Asset nhận định.
Việc Việt Nam chính thức áp thuế CBPG đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc, có hiệu lực từ T7/2025 và kéo dài trong 5 năm, được kỳ vọng sẽ tạo môitrường thuận lợi để HPG tiếp tục đẩy công suất tại tổ hợp DQ2. Trong kịch bản nhà máy vận hành 2 GĐ sớm hơn dự kiến và duy trì hiệu suất cao như hiện tại, chúng tôi nhận thấy dư địa điều chỉnh tăng đối với các giả định sản lượng trong những năm tới.
Theo đó, Mirea Asset nâng dự phóng sản lượng cho giai đoạn 2026–2027, đưa tốc độ tăng trưởng sản lượng bình quân giai đoạn 2024–2027 (CAGR) lên 15.4%, so với mức 12.3% của dự báo cũ. Sau điều chỉnh, LNST 2026 và 2027 tăng tương ứng 8.2% và 9.4%.
Mirea Asset cập nhập P/B mục tiêu cho HPG lên 1.7x, phản ánh sự cải thiện trong định giá nhóm DN thép khu vực thời gian gần đây, đồng thời cập nhật định giá theo dự báo lợi nhuận 2026. Theo đó, giá mục tiêu được điều chỉnh tăng lên 29.850 đồng/cp (từ 26.200) và nâng khuyến nghị lên Mua từ Tăng Tỷ Trọng. Sau đà tăng gần đây, HPG đang giao dịch ở mức P/B forward 1.43x so với mức 1.58x của TB 5 năm.