Định giá cổ phiếu thép đang rẻ?
Theo dữ liệu do Chứng khoán Tiên Phong (TPS) tổng hợp, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép trên cả 3 sàn tiếp tục tăng trưởng ấn tượng trong quý II.
Cụ thể, trong quý II, doanh thu toàn ngành tăng 26,29% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế tăng 196%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu toàn ngành tăng 19,53% so với cùng kỳ 2023 và lợi nhuận sau thuế tăng 302%.
Các doanh nghiệp thép đầu ngành đều ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong quý II, chủ yếu nhờ sự hồi phục của ngành xây dựng góp phần cải thiện nhu cầu cho thép, tôn mạ trong nước.
Hòa Phát (HPG) tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu thị phần thép xây dựng (38%), với tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng và HRC trong quý II và nửa đầu năm lần lượt đạt 2,0 và 3,8 triệu tấn (tăng 33% svck và 18,8% svck). LNST quý II và nửa đầu năm tăng lần lượt 129% và 238%.
Tại Hoa Sen (HSG), quý vừa qua doanh nghiệp báo doanh thu đạt 10.840 tỷ đồng (tăng 25% svck) và LNST đạt 273 tỷ đồng (gấp 19,5 lần cùng kỳ). Giá trị hàng tồn kho của HSG có giảm 17,1% so với quý trước nhưng vẫn cao hơn 27,3% so với đầu năm 2024.
Với Thép Nam Kim (NKG), doanh thu quý II và nửa đầu năm ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt 2,9 và 10,9% svck nhờ công ty đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu (68% so với 58% cùng kỳ 2023). LNST quý II ghi nhận mức tăng trưởng mạnh 76% svck và đạt 220 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm NKG lãi ròng 370 tỷ đồng (gấp 4,85 lần cùng kỳ).
Theo TPS, kết quả lợi nhuận tăng trưởng đột biến trong quý II của các doanh nghiệp thép chủ yếu đến từ hiệu ứng mức nền thấp cùng kỳ và sản lượng tăng giúp giảm chi phí sản xuất bình quân. Đồng thời, chi phí lãi vay cũng thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ nhờ mặt bằng lãi suất thấp, hỗ trợ đáng kể cho tăng trưởng LNST và biên lợi nhuận.
Nhìn về triển vọng ngành trong nửa cuối năm, nhóm phân tích nhận định nhu cầu từ thị trường nội địa sẽ tiếp tục là điểm tựa hỗ trợ cho KQKD của doanh nghiệp ngành thép trong bối cảnh tăng tốc giải ngân đầu tư công và sự gia tăng nguồn vốn FDI. Cùng đó, thị trường BĐS ấm lên khi những khó khăn của ngành dần được tháo dỡ, số lượng dự án được cấp phép được kỳ vọng sẽ tăng trở lại khi các bộ luật quan trọng có hiệu lực… cũng sẽ góp phần thúc đẩy KQKD của ngành.
Về trung và dài hạn, dự báo những thông tin về áp thuế chống bán phá giá sản phẩm HRC và Tôn mạ từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ vào Việt Nam sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng của ngành.
Tuy nhiên, TPS cũng cảnh báo một số rủi ro trong ngắn hạn mà ngành thép Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt như xu hướng giá thép thế giới chịu áp lực giảm do nhu cầu yếu kém tại thị trường Trung Quốc hay rủi ro cạnh tranh lớn từ thép nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc, tạo áp lực giảm giá trên thị trường nội địa. Việc giá thép giảm sẽ tạo áp lực lên biên lãi gộp do tăng chi phí dự phòng giảm giá hàng tồn kho.
Sau nhịp điều chỉnh từ tháng 6/2024, nhóm phân tích nhận thấy định giá P/B của nhiều doanh nghiệp ngành thép đã được chiết khấu đáng kể so với mức đỉnh tháng 6/2024.
“Chỉ số P/B của ngành thép đang ở mức 1,4x thấp hơn trung bình trung bình 3 năm (1,5x). HSG và TIS đã điều chỉnh về có mức định giá hợp lý, trong khi định giá của HPG, NKG và POM lùi về mức hấp dẫn so với trung bình 3 năm”, TPS nhận định.