Những dấu hiệu sáng dần với doanh nghiệp ngành thép

Trang Mai 17:15 | 16/10/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dù gặp nhiều khó khăn với đầu ra, thế nhưng các doanh nghiệp thép đã cho thấy những tín hiệu phục hồi cả doanh thu và lợi nhuận so với quý trước.

Các chỉ số KQKD tốt lên

Bước vào kỳ công bố báo cáo tài chính, các doanh nghiệp ngành thép cũng rục rịch công bố báo cáo tài chính quý III, cho thấy tình hình đã phần nào cải thiện so với quý trước và cùng kỳ năm trước. 

Xét về doanh thu, đứng đầu trong số doanh nghiệp thép đã công bố BCTC quý III là Gang thép Thái Nguyên (Tisco, mã: TIS). Đơn vị này ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.414 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái.Tuy nhiên, doanh thu đã cải thiện hơn 24% so với quý II trước đó. 

Cũng cho thấy những dấu hiệu phục hồi so với quý II, CTCP Thép Vicasa – Vnsteel (mã: VCA) ghi nhận doanh thu thuần gần 390 tỷ đồng trong quý III, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng 9% so với quý II. Tương tự, CTCP Thép Thủ Đức - VNSteel (mã: TDS) ghi nhận doanh thu thuần gần 327 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng tới 47% (tương đương hơn 100 tỷ) so với quý II. 

Theo Báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tiêu thụ thép thành phẩm tháng 9 tại thị trường nội địa của hầu hết các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thép có sự cải thiện so với tháng trước cũng như so với cùng kỳ. Đây là một trong những nguyên nhân góp phần thúc đẩy doanh thu các doanh nghiệp so với quý trước. Tuy nhiên mức tăng này chưa thể giúp các đơn vị bật tăng doanh thu so với năm ngoái. 

Xét về lợi nhuận, dưới sự ghì ép của chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp. Trong quý III, TIS ghi nhận chi phí tài chính tăng 14% lên 43 tỷ đồng, chủ yếu là lãi vay, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 36% lên 49 tỷ đồng. Điểm sáng duy nhất là doanh thu hoạt động tài chính tăng 274% lên 10 tỷ đồng.

Kết quả, Công ty lãi lỗ sau thuế 58,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 25 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 5 liên tiếp Tisco chìm trong thua lỗ, nhưng mức lỗ trong quý đã giảm hơn 40 tỷ so với quý trước. 

  Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ BCTC. 

Khác với TIS, VCA tiết giảm khá tốt các chi phí, Cụ thể, chi phí tài chính giảm 6% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 3 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tiết giảm lần lượt 9% và 42%.

Kết quả, công ty lỗ sau thuế 2,7 tỷ đồng, tuy vậy, số lỗ này đã nhỏ hơn nhiều so với con số lỗ gần 22 tỷ đồng ghi nhận cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù tích cực hơn quý III năm ngoái nhưng so với 3 quý liền trước (quý IV/2022, quý I và quý II/2023) đều có lãi thì kết quả kinh doanh của Thép Vicasa – Vnsteel lại cho thấy sự đi xuống.

 Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ BCTC.  

Tại TDS, trong khi cùng kinh doanh dưới giá vốn thì kỳ này công ty đã cải thiện hơn khi vẫn có lãi gộp 9,5 tỷ đồng. Tuy nhiên chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng mạnh 74% lên 7,5 tỷ đồng. Cộng thêm lỗ từ hoạt động khác 542 triệu đồng (cùng kỳ lãi 6 tỷ đồng) nên dù chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết giảm lần lượt 9% và 42%, doanh nghiệp vẫn lỗ 491 triệu đồng, nhưng đã nhẹ hơn mức lỗ gần 22 tỷ của cùng kỳ. 

 Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ BCTC. 

 

Hàng tồn kho hết tháng 9 tăng nhẹ so với đầu năm

Tính đến cuối quý III, tổng tài sản Thép Thái Nguyên đạt gần 10.700 tỷ đồng, tăng hơn 5% so với đầu năm. Hàng tồn kho của TIS còn 1.790 tỷ đồng, tăng nhẹ và chủ yếu là nguyên vật liệu và hàng thành phẩm.

Trong cơ cấu tài sản, TIS còn gần 6.530 tỷ đồng nằm tại Dự án cải tạo Gang thép giai đoạn II. Dự án này được khởi công từ năm 2007 với tổng chi phí dự toán ban đầu 3.800 tỷ đồng và nhà thầu chính là công ty China Metallurgical Group Corporation (MCC). Sau khoảng thời gian trì hoãn và kéo dài, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 8.100 tỷ đồng.

 Tính đến ngày 30/9/2023, tổng tài sản của Thép Vicasa - Vnsteel đạt 386 tỷ đồng, tăng 4% so với thời điểm đầu năm, hàng tồn kho tăng hơn 24% lên mức 244 tỷ đồng, cũng chủ yếu là thành phẩm.

Tổng tài sản của Thép Thủ Đức tăng 10% so đầu năm, lên mức 406 tỷ đồng. Hàng tồn kho vẫn ở mức cao 255 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp đã phải trích gấp đôi dự phòng giảm giá cho số lượng hàng tồn này.

 

Nơi tăng nợ, nơi không nợ vay

Tổng nợ của Thép Thái Nguyên tính đến cuối tháng 9/2023 ghi nhận hơn 9.000 tỷ, tăng 9,5% so với đầu năm. Trong đó nợ vay ngắn hạn và dài hạn của hơn 4.600 tỷ, chiếm hơn 1 nửa tổng nợ. 

Tại Thép Vicasa - Vnsteel, tổng nợ tăng nhẹ 6% lên 198 tỷ đồng, toàn bộ là nợ phải trả ngắn hạn. Vay nợ chiếm 138 tỷ đồng và công ty phải trả tới 7,5 tỷ đồng tiền lãi trong 9 tháng đầu năm (gấp đôi lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng). 

Trái ngược với 2 doanh nghiệp trên, Thép Thủ Đức ghi nhận tổng nợ 115 tỷ, tuy nhiên không có vay nợ cả ngắn hạn và dài hạn. 

Nhận định về ngành thép từ nay đến cuối năm, Chứng khoán KBSV trong một phân tích gần đây cho rằng, chưa thể kỳ vọng một "cú bật" của ngành thép bởi tình hình kinh tế vẫn chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc rõ ràng. Tuy nhiên, kịch bản về một sự phục hồi nhẹ là điều khả thi nhờ việc triển Chính phủ đang triển khai các dự án đầu tư công.

Theo báo cáo của nhóm chuyên gia của ngân hàng BIDV, trong bối cảnh quốc tế kém thuận lợi và nội tại còn nhiều khó khăn như nêu trên, với kết quả tăng trưởng còn thấp của 9 tháng đầu năm (4,24%) và mức nền cao của năm 2022. Dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2023 có thể đạt 5-5,2% (kịch bản cơ sở) hoặc 5,3-5,5% (kịch bản tích cực) nhờ tiêu dùng tăng trưởng vững chắc, đầu tư công tiếp tục được mở rộng, đầu tư tư nhân, các lĩnh vực gặp khó khăn như xuất khẩu, sản xuất công nghiệp, thị trường bất động sản… sẽ tiếp tục cải thiện. Triển vọng thị trường thép trong nước Quý IV/2023 sẽ tốt hơn so với các quý trước đó.