Doanh nghiệp thực phẩm Việt có thể thắng lớn tại thị trường halal
Halal có nghĩa là "được phép" trong tiếng Ả Rập và sản phẩm halal không chỉ là sự lựa chọn của người Hồi giáo, mà cả những người khác ưu tiên cho sự sạch sẽ, an toàn và chất lượng sản phẩm. Đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam, nhãn hiệu halal là biểu tượng của chất lượng tốt và là mặt hàng bắt buộc phải có để thâm nhập thị trường Hồi giáo. Tuy thị trường các nước Hồi giáo chưa có hàng rào kỹ thuật và thuế quan như Mỹ hay EU hoặc chứng nhận Kosher nhưng yêu cầu các sản phẩm phải đáp ứng tiêu chuẩn Halal và luật Shari”a.
Theo ông Cương, hiện có không có nhiều doanh nghiệp hiểu được tiềm năng của thị trường halal, với một số người thậm chí còn không biết thực phẩm halal là gì. Điều này xuất phát từ việc doanh nghiệp Việt hiểu biết hạn chế văn hóa Hồi giáo, họ chỉ biết rằng các sản phẩm halal là những sản phẩm không bị lây nhiễm bởi thịt lợn nhưng không biết rằng chúng cũng phải đáp ứng các yêu cầu khác của Luật Shari”a. Halal đề cập đến bất kỳ hành động hoặc hành vi nào được cho phép trong Hồi giáo, và yêu cầu động vật phải bị giết thịt theo nghi thức Hồi giáo.
Thị trường tiềm năng
Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Phát Triển Halal cho biết, trên thế giới hiện có 2,1 tỷ người Hồi giáo và con số này được dự kiến sẽ tăng đến 3 tỷ vào năm 2030, chiếm hơn 30% dân số toàn cầu. Trong đó, có 62% người Hồi giáo trên thế giới sống ở châu Á và hơn 127 triệu người ở Trung Đông, nơi nhập khẩu 80% nhu cầu thực phẩm. Ngành công nghiệp halal toàn cầu được dự báo sẽ trị giá 3,6 nghìn tỷ đô la vào năm 2021, với thực phẩm và đồ uống chiếm 2 nghìn tỷ đô la.
Đáng chú ý, các quốc gia Hồi giáo có nhu cầu lớn mặt hàng này là UAE, Kuwait, Malaysia và Indonesia. UAE là nền kinh tế lớn thứ hai ở Trung Đông, một trung tâm thương mại và tài chính khu vực và là trung tâm trung chuyển, tái xuất lớn thứ ba trên toàn cầu. Tại các quốc gia này, nhu cầu nhập khẩu các loại mặt hàng này trị giá lên tới 265 tỷ đô la vào năm 2018.
Cùng với đó, người Hồi giáo ở Liên minh châu Âu đã chi hàng tỷ đô la cho thực phẩm halal. Người tiêu dùng Hà Lan không theo đạo Hồi cũng thể hiện sự quan tâm đến thực phẩm halal, chi 3 tỷ đô la cho mặt hàng này hằng năm. Các nhà bán lẻ lớn như Tesco và Carrefour có khu vực halal của riêng họ.
Với nhu cầu về sản phẩm halal rất lớn trên, mặc dù người Hồi giáo là thiểu số ở Việt Nam nhưng ngành công nghiệp thực phẩm halal ở đây có tiềm năng lớn.
“Ngày càng nhiều khách du lịch Hồi giáo đến thăm Việt Nam, đôi khi họ phát hiện ra sự thiếu hụt các địa điểm thực phẩm halal và các điểm đến thân thiện dành cho họ, đặc biệt là các điểm đến nối tiếng ở trong nước. Chẳng hạn, khách du lịch không thể tìm thấy các cửa hàng thức ăn nhanh halal tại địa điểm họ đến ở Việt Nam, trong khi những nhà hàng halal luôn có sẵn ở Singapore và Campuchia”, ông Cương chia sẻ.
Ông Cương cũng cho biết thêm, Việt Nam là một trong những nhà xuất khẩu nông sản hàng đầu, với chi phí lao động rẻ, sáng tạo, các sản phẩm halal có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực cả về giá cả và chất lượng. Đây chính là cơ hội tốt tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình sản xuất và đưa sản phẩm phù hợp với thị trường thực phẩm halal.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã đánh giá triển vọng tăng trưởng cho các doanh nghiệp Việt Nam trong thực phẩm và đồ uống halal là tích cực, với doanh số sẽ tăng rất nhanh trong thời gian tới, khi mà hơn hai tỷ người Hồi giáo trên toàn thế giới sẽ có nhu cầu về các sản phẩm halal trị giá khoảng 2,3 nghìn tỷ USD mỗi năm. Các công ty Việt Nam đang có cơ hội lớn để thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm như trà, cà phê, trái cây sấy khô và đóng hộp, đồ uống đóng hộp và than củi.
Nhận định chung về doanh nghiệp Việt hoạt động tại thị trường halal giàu tiềm năng này, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Phát Triển Halal cho biết: “Trong tổng số 3.500 doanh nghiệp làm việc trong ngành nông nghiệp và thực phẩm tại Việt Nam, chưa đến 300 doanh nghiệp có chứng nhận halal để vào thị trường Hồi giáo. Hầu hết các doanh nghiệp có chứng nhận là những doanh nghiệp đi tiên phong, trong đó có nhiều doanh nghiệp Việt Nam như Tân Hiệp Phát, Masan và Highland Coffee, bên cạnh Vinamilk, Đường Quảng Ngãi, Lasuco, Hùng Vương, Minh Phú…..”.
Đây cũng là lý do quan trọng khiến thị phần của các sản phẩm Việt Nam tại thị trường Hồi giáo còn rất khiêm tốn. Chẳng hạn, trong năm 2018, thị phần nhập khẩu từ Việt Nam của UAE chỉ chiếm chưa đến 2% mức 5 tỷ USD thị phần nhập khẩu của UAE và xuất khẩu của các doanh nghiệp nghiệp Việt sang Kuwait mới chỉ đạt 70-75 triệu USD trong tổng số 30 tỷ USD mà Kuwait nhập khẩu.
Khuyến nghị được ông Cương đưa ra là, các doanh nghiệp Việt Nam nên thực hiện đúng và đầy đủ hiểu các yêu cầu của halal để khi tổ chức chứng nhận halal vào đánh giá sẽ không bị động. Các doanh nghiệp cũng cần duy trì giấy chứng nhận halal để phục vụ cho việc đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước Hồi giáo.
Đồng thời, cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực này cần hợp tác hơn nữa để cùng khai thác, mở rộng thị trường tiềm năng này.
Làm tốt yêu cầu trên, doanh nghiệp thực phẩm Việt có thể thắng lớn tại thị trường halal, ông Cường tin tưởng.