Doanh nghiệp thủy sản ngóng ngày 'mưa tan'

Lạc Lạc 14:14 | 21/07/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong bối cảnh ngành thuỷ sản đang bắt đầu thấy tín hiệu sáng sau thời gian dài giảm sút đơn hàng, các công ty chứng khoán cho rằng triển vọng phục hồi có thể đến vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.

Theo thông tin trên web Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), trong tháng 6, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam ước đạt 800 triệu USD, giảm 21% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu tôm và cá tra lần lượt đạt 341 triệu USD và 156 triệu USD, giảm lần lượt 18% và 26%.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm và cá tra lần lượt đạt 1,6 tỷ USD và 885 triệu USD, giảm 31% và 38% so với mức nền cao của năm 2022. 

Trong bối cảnh lạm phát kéo dài và xử lý hàng tồn kho chậm, các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc đều cho thấy nhu cầu thấp trong những tháng đầu năm. 

Là doanh nghiệp tập trung vào xuất khẩu sản phẩm tôm chế biến sâu, CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã: FMC) vừa công bố BCTC quý II/2023 với những con số có phần giảm tốc so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên đã phần nào mở ra tín hiệu sáng. Cụ thể, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần trong quý đạt 1.033 tỷ đồng, giảm gần 27% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế hơn 71 tỷ, giảm 35%. Đây cũng là quý đầu trong năm 2023 doanh nghiệp ghi nhận đà tăng trưởng âm về lợi nhuận. 

 Ngành tôm nói riêng và thuỷ sản nói chung trải qua nửa đầu năm 2023 với đầy khó khăn. Ảnh: FMC

Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT FMC, doanh nghiệp đã trải qua khoảng thời gian khó khăn nhất. Vị này kỳ vọng đơn hàng sẽ trở lại trong thời gian tới.

“Tháng 5 và đến trung tuần tháng 6, FMC có rất nhiều đoàn khách hàng tới làm việc. Qua đó, FMC nắm rõ hơn tình hình thị trường chung để có đối sách phù hợp nhưng quan trọng là có các đơn hàng khá ổn, dù giá cả chưa cải thiện do tình hình chung. Nếu 5 tháng mức sụt giảm FMC 30% thì 6 tháng mức này chỉ còn 20%. Sự tiến triển này do kim ngạch xuất khẩu tháng 6 đã tốt, phải nói rất tốt, đạt gần 19 triệu USD so cùng kỳ chỉ dưới 12 triệu USD. Toàn ngành từ mức sụt giảm 34% ở 5 tháng, nhưng ở 6 tháng chắc mức này sẽ còn dưới 30% và con số này hy vọng sẽ còn giảm dần ở quý III này” - ông Lực thông tin. 

Tình hình xuất khẩu tôm của Việt Nam nửa đầu năm 2023. Ảnh: Vasep

Phân tích triển vọng doanh nghiệp trong báo cáo ngày 12/7 vừa qua, công ty chứng khoán (CTCK) Shinhan Việt Nam (SSV) cho rằng, với dài hạn, FMC vẫn là doanh nghiệp có nhiều ưu thế và tiềm năng. 

Đầu tiên là việc đơn vị này chuyển dịch cơ cấu doanh thu sang thị trường Nhật và duy trì thị trường Mỹ. SSV đánh giá đây là bước đi đúng đắn của FMC trong tình hình ngành tôm đang gặp khó khăn khi xuất khẩu sang Mỹ bởi giá cao hơn các nước xuất khẩu khác. Nửa đầu năm 2023, doanh thu ở các thị trường lần lượt là Nhật Bản (40%), Mỹ (18%), Tây Âu (24%), Hàn Quốc (6%), Úc (6%).

Tiếp đến, FMC có cơ cấu tài chính lành mạnh với hệ số nợ vay thấp nhất ngành như hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu là 0,24; nợ trên tổng tài sản ở mức 0,17. SSV đánh giá đây là một điểm sáng của doanh nghiệp trong bối cảnh ngành tôm có mô hình kinh doanh khá bấp bênh.

Ngoài ra, mặc dù có mức biên lợi nhuận gộp thấp do đặc thù sản phẩm của FMC là tôm chế biến sâu nhưng khá ổn định nhờ quản lý tốt các chi phí như hàng tồn kho với số ngày tồn kho thấp nhất ngành, cùng với việc chuyển đổi cơ cấu doanh thu qua thị trường châu Á giúp giảm chi phí bán hàng, và việc cải thiện biên gộp nhờ có nguồn thức ăn hỗ trợ từ C.P Group.

Nhìn chung, SSV đánh giá 2023 sẽ là một năm không quá tích cực với ngành tôm khi tình hình thời tiết không thuận lợi. Cùng với đó là giá bán tôm của Việt Nam, cụ thể là FMC còn cao so với các nước. Cùng với đó là việc lạm phát vẫn neo ở mức cao trên phạm vi toàn cầu có thể sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh năm 2023 của FMC.

Tuy nhiên, CTCK này kỳ vọng sự tăng trưởng của FMC sẽ quay trở lại trong những năm tới khi mà Công ty mở rộng thêm vùng nuôi (thêm 255 ha) cũng như tăng công suất nhà máy để chuẩn bị sẵn sàng cho những năm sắp tới. Tuy nhiên, cần cân nhắc về rủi ro tình hình thời tiết và điều kiện kinh tế vĩ mô không thuận lợi.

Cho cả năm 2023, SSV dự phóng tổng doanh thu của FMC ước đạt 5.037 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 298 tỷ đồng, giảm 7%. Đơn vị này kỳ vọng biên gộp của công ty đạt mức 11%.

 Dự phóng của SSV trên đánh giá rủi ro tình hình thời tiết và điều kiện kinh tế vĩ mô không thuận lợi. Ảnh: SSV

Tại CTCP Vĩnh Hoàn (mã: VHC), doanh nghiệp này vừa ước tính kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với 4.921 tỷ đồng doanh thu, giảm 34% so với cùng kỳ. 

Trong phân tích ngày 18/7, chứng khoán SSI Research thông tin trong quý II, VHC đạt 2.700 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 37% so với cùng kỳ nhưng đã tăng 20% so với quý trước. Trong đó doanh thu cá tra đạt 1.600 tỷ đồng, đóng góp 60% trong tổng doanh thu. So với quý trước, doanh thu và giá bán bình quân tại Mỹ lần lượt tăng 31% và 10%, trong khi tại thị trường Trung Quốc, doanh thu tăng 43% và giá bán bình quân đi ngang.

Theo Agromonitor, giá bán bình quân sang Mỹ trong 2 tuần đầu tháng 7 giảm xuống mức 3 USD/kg, báo hiệu mức thấp kỷ lục trong 2 năm qua. Với mức giá thấp như vậy, SSI Research kỳ vọng sản lượng tiêu thụ trong quý III sẽ cao hơn so với quý II, mặc dù vẫn giảm so với quý III/2022. 

 Nguồn: Agromonitor, SSI Research

 

Với giá bán bình quân cá tra đạt đỉnh vào tháng 8/2022, đơn vị chứng khoán này dự phóng VHC sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận dương từ quý IV. 

Mặt khác, trong phân tích đầu tháng 7, CTCK BIDV (BSC) đánh giá kết quả kinh doanh quý II của VHC sẽ có sự cải thiện so với quý I, tuy nhiên vẫn sẽ ghi nhận mức giảm mạnh so với cùng kỳ bởi mức nền cao được tạo lập trong chu kỳ cá tra đi lên ở nửa đầu năm ngoái.

Do đó, BSC dự phóng doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của VHC năm 2023 đạt 10.299 tỷ đồng, giảm hơn 22% so với cùng kỳ và 1.297 tỷ đồng, giảm hơn 34%.

Đối với triển vọng năm 2024, dựa trên quan điểm thị trường xuất khẩu cá tra sẽ hồi phục từ cuối quý III/2023, BSC đưa ra dự phóng doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của VHC lần lượt đạt 12.002 tỷ đồng, tăng gần 17% so với cùng kỳ và 1.666 tỷ đồng, tăng khoảng 29%. 

 Dự phóng của BSC về tình hình kinh doanh của Vĩnh Hoàn. Ảnh: BSC

Với CTCP Nam Việt (Navico, mã: ANV), tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, ANV đã điều chỉnh giảm kế hoạch lãi trước thuế năm 2023 từ 500 tỷ đồng (giảm 35% so với cùng kỳ) xuống 300 tỷ đồng, giảm 61% nhằm phản ánh quan điểm kém lạc quan hơn nhiều của ban lãnh đạo về sự phục hồi của kim ngạch xuất khẩu thủy sản và tỷ suất lợi nhuận bị thu hẹp.

Trong quý I, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu và lãi ròng 1.200 tỷ đồng và 92 tỷ, giảm 5% và 55% so với cùng kỳ. 

Theo phân tích ngày 4/7 của SSI Research, trong quý I năm nay, do thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại và khả năng thâm nhập vào thị trường Mỹ, Navico chịu mức giảm doanh thu thấp hơn so với VHC giảm 32% và CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia - IDI (mã: IDI) với mức giảm 6%. Tuy nhiên, do nhu cầu thị trường yếu nên giá bán trung bình của ANV giảm xuống 2,2 USD/kg (giảm 5% so với quý cùng kỳ), đây cũng là quý giảm thứ ba liên tiếp. 

Riêng quý II/2023, SSI dự phóng lợi nhuận của Navico có thể tăng nhẹ so với quý trước và lợi nhuận ròng có thể đã chạm đáy trong quý I về giá trị tuyệt đối. Do mức nền cao của năm 2022 (đặc biệt là trong quý II/2022), CTCK này cho rằng lợi nhuận ròng quý II của doanh nghiệp thuỷ sản này sẽ giảm đáng kể so với cùng kỳ.

Trong bối cảnh thị trường còn nhiều bất thường khó đoán, ban lãnh đạo Navico kỳ vọng sự phục hồi sẽ bắt đầu vào cuối quý IV hoặc đầu năm 2024. Cùng quan điểm đó, trong năm 2023, SSI dự phóng doanh thu thuần của Navico đạt 4.950 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ và lợi nhuận ròng đạt 465 tỷ đồng, giảm 31%. Tỷ suất lợi nhuận gộp dự kiến sẽ cải thiện trong quý cuối năm. 

Cho năm 2024, CTCK dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 5.345 tỷ đồng và 611 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 8% và 32%.