Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh linh hoạt nắm bắt mọi cơ hội

Xuân Anh/ TTXVN 16:30 | 22/01/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Năm 2022 đi qua với nhiều thăng trầm nhưng kinh tế TP Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung vẫn đạt được mức tăng trưởng rất ấn tượng; trong đó có phần đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Năm 2023 được nhận định sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, song với kinh nghiệm và sự nhạy bén của mình, các doanh nghiệp vẫn vững tin luôn có cơ hội cho những ai biết nắm bắt.

Nhiều thách thức

Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên nhận định, năm 2023 kinh tế thế giới vẫn đối mặt với nhiều thách thức, một phần do những hệ luỵ chưa thể phục hồi sau đại dịch COVID-19, cộng với những bất ổn do lạm phát, xung đột quân sự Nga – Ukraine.

Cụ thể, nhiều quốc gia chưa kịp quay lại quỹ đạo tăng trưởng trước dịch COVID-19 thì rơi vào lạm phát khiến người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu. Các nhà phân phối không bán được hàng, tồn kho tăng cao nên cắt giảm đơn đặt hàng, điều này tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp, ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam. Xu hướng này đã bộc lộ từ nửa cuối năm 2022 và còn kéo dài sang nửa đầu năm 2023.

Trong lúc đó, tác động bởi cuộc chiến  giữa Nga–Ukraine vẫn tiếp tục tạo nên sự bất ổn trên thị trường năng lượng. Không chỉ giá xăng dầu tăng khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp bị đội lên mà còn tiềm ẩn nguy cơ thiếu hụt nhiên liệu, có thể ảnh hưởng đến chu trình lưu thông hàng hoá.

Đối với tình tình trong nước, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ phân tích, Chính phủ và các bộ, ngành đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, tích cực thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa thị trường mới cho hàng hoá, nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng phục vụ đầu tư, sản xuất. Nhiều doanh nghiệp không đủ nguồn lực vượt qua năm 2022 phải đóng cửa, lao động bị mất việc, gia tăng áp lực kinh tế lên những lao động khác trong gia đình, khiến nhiều hộ phải cân đối lại chi tiêu. Sức mua ở thị trường nội địa vì thế cũng sẽ bị giảm sút đáng kể, nhất là với các mặt hàng không thiết yếu.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc điều hành Công ty trách nhiệm hữu hạn Liên kết thương mại Toàn Cầu (Meet More) cho rằng, năm 2023 sẽ rất khó khăn bởi nhiều yếu tố bất lợi nối tiếp nhau, đại dịch COVID-19 vừa được kiểm soát thì lạm phát và xung đột kéo dài. Theo phản ứng dây chuyền thì nền kinh tế Việt Nam thường chịu tác động chậm hơn so với các "điểm nóng" từ 3-6 tháng. Do đó, quý I/2023 sẽ là thời điểm Việt Nam hứng chịu tác động mạnh nhất từ lạm phát và suy giảm kinh tế.

"Tình hình kinh tế  - chính trị thế giới đang ở giai đoạn biến động liên tục và khó lường trước, những khó khăn về xuất khẩu đã xuất hiện từ những tháng cuối năm 2022 dự báo sẽ kéo dài đến hết quý II/2023. Người dân thế giới vẫn đang phải cân nhắc việc chi tiêu khi thu nhập sụt giảm còn giá cả hàng hoá, thực phẩm, nhiên liệu đều tăng cao do lạm phát. Do đó các doanh nghiệp cần dự phòng các kế hoạch để ứng phó với từng kịch bản khác nhau; đồng thời, linh hoạt trong việc đánh giá và khai thác thị trường", ông Nguyễn Ngọc Luận chia sẻ.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Thắng Jean, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh chia sẻ, nhu cầu tiêu dùng mặt hàng dệt may trên thế giới đã giảm sút từ nửa cuối năm 2022, đặc biệt là những tháng cuối năm dẫn đến tồn kho lớn, đơn hàng xuất khẩu bị giảm nghiêm trọng. Ở thị trường EU sức mua với các sản phẩm vải jean đã giảm tới 60 -70%, các mặt hàng khác trung bình giảm 30-40%, thị trường Mỹ và các thị trường khác ở khu vực châu Á cũng trong xu hướng sụt giảm.

Theo ông Phạm Văn Việt, khó khăn về đơn hàng được dự báo sẽ tiếp diễn trong trong những tháng đầu năm 2023 vì dệt may, nhất là các sản phẩm thời trang theo xu hướng không phải là mặt hàng thiết yếu để được ưu tiên mua sắm trong bối cảnh kinh tế ảm đạm. Chỉ khi kinh tế khôi phục lại, các nhu cầu thiết yếu được đảm bảo thì thị trường thời trang mới có thể khởi sắc trở lại.

Chủ động thích ứng

Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho rằng, trải qua đại dịch COVID-19 và 1 năm phục hồi kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đã chứng minh được sức mạnh nội lực và có kinh nghiệm, kỹ năng ứng phó với các khó khăn. Dù kinh tế năm 2023 được nhận định tiếp tục bất lợi với một số ngành nhưng vẫn có cơ hội cho những ngành khác. Ví dụ như giai đoạn hiện nay, dệt may, da giày, đồ gỗ đang khan hiếm đơn hàng nhưng cũng có rất nhiều doanh nghiệp đang tăng ca sản xuất nhờ có những thị trường truyền thống, sản phẩm có uy tín trên thị trường.

"Có thể thấy, dù kinh tế khó khăn đến đâu thì những sản phẩm dân dụng, bình dân phục vụ các nhu cầu cơ bản của cuộc sống vẫn có thị trường tiêu thụ. Những sản phẩm này không mang lại giá trị lợi nhuận cao nhưng vẫn có thể giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, giữ được nguồn lao động để tái đầu tư sản xuất cho các chu kỳ phát triển tiếp theo. Điều quan trọng là các doanh nghiệp phải nhạy bén, nắm được nhu cầu thực tế của thị trường để đáp ứng kịp thời", ông Trần Việt Anh nhấn mạnh.

Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ cho biết, trong bối cảnh còn nhiều bất lợi thì bản thân các doanh nghiệp càng phải chủ động để "xoay sở". Năm 2022 dù sức mua giảm nhưng doanh nghiệp vẫn củng cố, duy trì hệ thống đại lý phân phối từ thành phố lớn đến cả vùng nông thôn. Trên cơ sở đó, năm 2023, doanh nghiệp ưu tiên triển khai các chương trình quảng bá sản phẩm, đặc biệt là nhóm sản phẩm đã được chứng nhận OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), kích cầu tiêu dùng thông qua các chương trình ưu đãi, tặng quà khuyến mãi để sản phẩm tiếp cận được nhiều người tiêu dùng nhất.

Đối với xuất khẩu, doanh nghiệp duy trì các thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ không bán sản phẩm thô mà đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chế biến có thương hiệu riêng của Xuân Nguyên nhằm gia tăng giá trị cho nông sản Việt Nam và đa dạng hoá lựa chọn cho người tiêu dùng.

Chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với các biến động bất lợi thời gian qua, ông Nguyễn Ngọc Luận cho rằng, các doanh nghiệp cần tập trung điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh để thích ứng, thay vì xây dựng kế hoạch dài hạn từ 1-2 năm thì cần linh hoạt chuyển sang kế hoạch ngắn hạn 3 – 6 tháng, thậm chí điều chỉnh cho từng tháng. Bởi kế hoạch dài hạn đòi đỏi doanh nghiệp phải có đội ngũ nhân sự đông để điều tiết, đầu tư vốn lớn cho tích trữ nguyên liệu nhưng trong bối cảnh không đoán định được thị trường thì việc đầu tư đó sẽ đi cùng rủi ro, đặc biệt là rủi ro về mất cân đối tài chính đối với những doanh nghiệp vay ngân hàng lãi suất cao.

Với quan điểm "trong nguy có cơ", từ quý IV/2022 khi các thị trường xuất khẩu truyền thống chững lại, Meet More không ngồi im chờ mà chủ động tìm kiếm các thị trường mới, trong đó tập trung vào thị trường châu Âu và Nga.

Lý giải việc đi vào "điểm nóng" xung đột, ông Nguyễn Ngọc Luận cho rằng, mặc dù chiến tranh Nga – Ukraine gây bất ổn ở châu Âu và có những thời điểm việc xuất khẩu sang khu vực này khó khăn do một số cảng bị phong toả nhưng đó là khu vực đang có "khoảng trống" mà doanh nghiệp có thể khai thác được. Cụ thể, chiến tranh làm chuỗi cung ứng thực phẩm ở châu Âu bị ảnh hưởng và chuỗi cung ứng tại Nga bị đứt gãy nghiêm trọng khi nhiều nhà máy lớn di dời ra khỏi vùng chiến sự. Lựa chọn đi ngược lại số đông đã giúp Meet More tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng tại châu Âu, bao gồm cả Nga. Ngay từ những ngày đầu năm 2023, Meet More đã có rất nhiều đơn đặt hàng từ các khách hàng mới ở Séc, Pháp, Ba Lan và Na Uy.

Từ việc chỉ xuất khẩu cà phê chế biến, hiện nay Meet More đang được khách hàng đề xuất cung cấp thêm các loại nông sản khác của Việt Nam như gạo, bưởi…Do đó, năm 2023 công ty sẽ tập trung khai thác thị trường châu Âu và liên kết với các doanh nghiệp nông sản khác để hỗ trợ, phối hợp xuất khẩu một cách hiệu quả.