Doanh nghiệp tư nhân: Mong Chính phủ gỡ nút thắt cho các dự án điện mặt trời áp mái
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Cường nhấn mạnh: Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Quốc gia về tình hình sử dụng điện của nước ta hiện nay, Việt Nam có nguy cơ thiếu hụt, dự báo năm 2020 sẽ mất điện cục bộ, đến năm 2021 thiếu điện nặng nếu không thúc đẩy đầu tư nguồn điện mới. Trong khi đó Việt Nam là một đất nước có tiềm năng rất lớn về nguồn năng lượng tái tạo đặc biệt là khu vực phía nam. Theo kết quả khảo sát đã được công bố chỉ số điện năng lượng mặt trời của Việt Nam rất khả quan.
Trong những năm vừa qua điện mặt trời đã tăng với tốc độ đáng kể: Tính từ tháng 6/2018 đến tháng 6/2019 tăng 51 lần (từ 86 MWP đến 4.400 MWP). Tuy nhiên, con số này là rất nhỏ so với nhu cầu sử dụng điện năng của cả nước.
Ông Cường cho biết: Hội thảo quốc tế “ Năng lượng tái tạo tại Việt Nam, từ chính sách tới thực tiễn” được tổ chức ngày 27/11/2019 đã phân tích đánh giá hiệu quả dự án đầu tư điện, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Tại đây, các chuyên gia cũng đã đưa ra nhiều ý kiến giải pháp nhằm phát triển bền vững an toàn nguồn điện tái tạo này.
“Chúng ta đang gặp khó khăn trở ngại cho các dự án điện năng lượng mặt trời từ mặt đất, trong khi dự án điện áp mái với đặc điểm lợi thế không tốn kém về quỹ đất, không phá vỡ quy hoạch, không gây áp lực truyền tải, là nơi tiêu thụ sản lượng điện trực tiếp và cũng là nơi sản xuất ra sản phẩm xã hội. Với những lợi thế như vậy, phát triển các dự án này chính là giải pháp tốt nhất để phát triển ngay nguồn năng lượng này cung cấp đáng kể vào an toàn nguồn điện đã được dự báo sẽ thiếu vào năm 2025”, ông Cường nói.
Xin thủ tục quy hoạch bổ sung công suất
Tại “Diễn đàn doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế”, với tư cách là một doanh nghiệp đang tiến hành thủ tục đầu tư vào dự án điện mặt trời áp mái tại các tỉnh phía nam, đặc biệt là các tỉnh miền Tây Nam Bộ và Tây Nguyên, ông Cường khuyến nghị: Để thúc đẩy sự phát triển về khai thác nguồn năng lượng điện mặt trời áp mái, Chính phủ cần:
Tạo môi trường thuận lợi, thủ tục đơn giản để kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này.
Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực điện mặt trời mong muốn Chính phủ bổ sung quy hoạch theo hướng nâng cao công suất đối với các dự án điện mặt trời áp mái từ dưới 1 MWP lên tới 5 MWP và cao hơn nữa. Đối với các dự án không làm tăng áp lực truyền tải thì có thể đến 10 MWP.
Theo ông Cường, hiện nay, một số dự án có mặt bằng mái có khả năng xây dựng với công suất lớn hơn 1 MWP là rất nhiều, nghĩa là tiềm năng rất lớn nhưng doanh nghiệp lại rất ngại xin quy hoạch bổ sung bởi thủ tục phức tạp, phải qua nhiều ban ngành và mất rất nhiều thời gian.
Nếu tháo gỡ được những nút thắt này, nhà đầu tư sẽ yên tâm “đánh thức” các tiềm năng, nhà sản xuất có thể tiết kiệm điện, tiết kiệm chi phí, nâng cao quy mô, nâng cao hiệu quả sản xuất và Nhà nước sẽ tăng sản lượng điện, an toàn an ninh năng lượng, đảm bảo môi trường, tăng thu ngân sách.