Doanh nghiệp Việt phát triển chuỗi cung ứng: Liệu có nắm bắt được cơ hội?

18:00 | 16/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Doanh nghiệp Việt phát triển chuỗi cung ứng đang được đánh giá là đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng gặp nhiều khó khăn...

Không doanh nghiệp lớn nào muốn rời bỏ thị trường Trung Quốc

 
Tại phiên thảo luận "Cơ hội ở làn sóng thứ tư" do  forbesvietnam vừa tổ chức, ông Ooi Kim Huat – phó chủ tịch Sản xuất và Vận hành kiêm  tổng giám đốc công ty TNHH Intel Products Việt Nam cho rằng trong số các doanh nghiệp hoạt động sản xuất ở Trung Quốc đang tìm cách dịch chuyển sang nơi khác, tiêu chí lựa chọn điểm đến kế tiếp là những nước nguồn lực sẵn có, và chi phí của những nguồn lực cần có cho sản xuất, cùng với đó là sự thuận lợi từ các chính sách của chính phủ – yếu tố quan trọng tác động tới quyết định của nhà đầu tư.
 
 
Doanh nghiệp Việt phát triển chuỗi cung ứng: Liệu có nắm bắt được cơ hội? - ảnh 1 
Phiên thảo luận "Cơ hội ở làn sóng thứ tư" tại Hội thảo Xuyên qua vùng nhiễu động
 
Theo các yếu tố này, ngoài Việt Nam, còn có Malaysia, Ấn Độ, Indonesia hay Thái Lan là những ứng cử viên sáng giá để trở thành điểm đến tiếp theo của những tập đoàn đa quốc gia.
 
Bên cạnh những mặt thuận lợi của Việt Nam trong thu hút doanh nghiệp FDI, ông Vũ Tú Thành – Phó Giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN muốn làm rõ một chuyện là không doanh nghiệp lớn nào trên thế giới, kể cả Hoa Kỳ muốn rời bỏ khỏi thị trường Trung Quốc, bởi lẽ Trung Quốc vừa là một thị trường tiêu dùng, đồng thời cũng là cơ sở sản xuất để phục vụ thị trường thế giới.
 
Do thương chiến và dịch bệnh nên doanh nghiệp sẽ nghĩ tới chuyện mở rộng khu vực sản xuất ngoài Trung Quốc để tránh thuế suất vào Hoa Kỳ, rất ít doanh nghiệp rút lui khỏi Trung Quốc.
 
“Trước khi có thương chiến, đã có chính sách China+1, nghĩa là doanh nghiệp đa dạng hóa hoạt động sản xuất kinh doanh. Giờ đây khi tất cả hệ quả của thương chiến, dịch bệnh khiến chúng ta cảm giác là quá trình này đang diễn ra nhanh hơn. Hai câu hỏi cần trả lời là số lượng các khoản đầu tư mới và giá trị mỗi khoản đầu tư có lớn không?”, ông Thành đặt câu hỏi.
 
Trả lời câu hỏi ngay sau đó, Phó Giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN cho rằng về mặt số lượng, không có quá nhiều khoản đầu tư lớn như ở các làn sóng trước. Về quy mô, có hai dạng: một là có một vài dự án có quy mô rất lớn, lên tới vài trăm triệu đô la Mỹ, hai là có nhiều dự án mở rộng đầu tư ở Việt Nam.
 

Việt Nam chưa tham gia sâu vào ngành công nghiệp chế biến - chế tạo

 

Tại Diễn đàn xuất khẩu năm 2020 với chủ đề “Dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và phát triển bền vững vùng cung ứng nguyên liệu sau Covid-19” do Trung tâm Xúc thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức tháng 11/2020, các chuyên gia nhấn mạnh Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội đón nhận dòng vốn FDI đang dịch chuyển cũng như tăng tính bền vững cho chuỗi kết nối. Tuy nhiên, nút thắt lớn nhất với Việt Nam là chưa tham gia sâu vào ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, đang đi sau so với các quốc gia khác trong khu vực.
 
Vấn đề này được ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch hội Doanh nghiệp Cơ khí Điện TP.HCM phân tích rõ: Thách thức đầu tiên là nguồn lực kỹ thuật của doanh nghiệp.
 
Thách thức thứ hai, cơ khí là một ngành thâm dụng vốn, máy móc thiết bị rất đắt và phải nhập từ những nước tiên tiến mới có thể tạo ra những sản phẩm chất lượng cao. Đặc biệt trong ngành cơ khí ở Việt Nam, hiếm có nhà đầu tư nào đầu tư vào doanh nghiệp cơ khí, mà phần lớn là từ doanh nghiệp nhỏ phát triển lên.
 
Trong vài năm gần đây, việc cung ứng hàng hóa cho doanh nghiệp FDI ngày càng tăng, dù nguồn lực và nguồn vốn chưa được mạnh nhưng đã có những doanh nghiệp đầu tư mạnh để phát triển năng lực và đáp ứng được nhu cầu cho các doanh nghiệp FDI. Ví dụ như Samsung, trước đây chỉ dùng những sản phẩm nhập khẩu thì hiện tại đã có những đơn hàng lên tới hàng triệu đô la Mỹ khi họ thử dùng sản phẩm của nhà cung ứng Việt Nam và cảm thấy sản phẩm đạt tiêu chuẩn.
 
Khi các doanh nghiệp lớn đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn, kéo theo nhu cầu đối với nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, nhu cầu tăng cũng đi kèm với nhiều thách thức. Trong đó, thách thức lớn nhất là chính sách để hỗ trợ ngành phát triển. Để ngành công nghiệp phát triển thì sản phẩm đầu cuối phải mạnh, thị trường đủ lớn thì doanh nghiệp mới dám đầu tư. Ví dụ ngành chế tạo máy đáng ra phải được phát triển sớm để làm đầu tàu kéo theo các ngành công nghiệp phụ trợ khác.
 
Trên thực tế tồn tại một số quy định chồng chéo, chẳng hạn như các loại máy móc nhập khẩu về Việt Nam thì thuế suất bằng 0, nhưng doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện về để chế tạo máy thì lại phải đóng thuế.
Hiện tại, cùng với sự tham gia ngày càng nhiều của các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn, những doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đang mạnh dạn hơn trong đầu tư vào mở rộng hoạt động kinh doanh và sản xuất, khi họ nhìn thấy tiềm năng của thị trường. Tôi nghĩ rằng nếu chính sách, quy định chồng chéo được tháo gỡ, ngành cơ khí sẽ phát triển hơn.
 

Tiếp tục bài toán con gà – quả trứng

 
Như vậy, câu chuyện phát triển công nghiệp phụ trợ hiện nay đang gặp bài toán con gà – quả trứng. Nhà đầu tư nước ngoài yêu cầu đối tác cung ứng phải có trình độ sản xuất, công nghệ và sản lượng phù hợp. Trong khi nhà cung ứng trong nước thì lại e ngại về tiềm năng và hiệu quả của một khoản đầu tư lớn? Làm thế nào để giải quyết được bài toán này?
 
 
 Doanh nghiệp Việt phát triển chuỗi cung ứng: Liệu có nắm bắt được cơ hội? - ảnh 2
Câu chuyện phát triển công nghiệp phụ trợ hiện nay đang gặp bài toán con gà – quả trứng
 

Ông ông Bruno Jaspaert – Tổng Giám đốc tổ hợp khu công nghiệp DEEP C đưa ra giải pháp tại phiên thảo luận "Cơ hội ở làn sóng thứ tư": “Có nhiều cơ hội ở Việt Nam, điều duy nhất bạn phải làm là tìm và nắm bắt. Tôi mất gần ba năm để tìm hiểu lý do công ty Việt Nam khó tìm ra cơ hội để tăng trưởng. Theo quan điểm cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam chưa nắm bắt được cách thức doanh nghiệp nước ngoài đòi hỏi hay cam kết”.
 
Việc đầu tiên mà các doanh nghiệp trong nước phải làm, theo ông Bruno Jaspaert, không phải là đầu tư vào máy móc hay công nghệ, mà là đầu tư vào nguồn lực nội tại của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần tìm các chuyên gia có kinh nghiệm để họ chỉ cho chúng ta cách làm đúng ngay từ thời điểm bắt đầu.
 
Các chuyên gia tại nhiều hội thảo, diễn đàn cũng cho rằng, trung và dài hạn, Việt Nam nên có những cải cách dựa trên sự kết hợp chặt chẽ giữa công - tư, chủ động thu hút các nhà đầu tư khi họ tìm kiếm cơ sở sản xuất mới ngoài Trung Quốc.
 
Hai nhân tố quan trọng cần ưu tiên là đào tạo lao động chất lượng cao và xây dựng hạ tầng kết nối; thúc đẩy giáo dục - đào tạo sau phổ thông cao hơn, tạo ra lực lượng lao động có kỹ năng và trình độ cao, nếu muốn vượt khỏi mức độ lắp ráp sản phẩm.
 
Bên cạnh đó, để thúc đẩy công nghiệp phụ trợ nội địa phát triển, cần giảm chi phí bốc xếp hàng hóa, lưu kho, vận chuyển; cải thiện thủ tục hành chính. Môi trường kinh doanh cần tiếp tục được cải thiện theo hướng minh bạch, rõ ràng, nhất quán, ổn định, dự đoán được, từ “tháo gỡ khó khăn” sang “tạo thuận lợi”.
 
Quá trình này cần có sự phối hợp chặt chẽ, chung tay của các bên liên quan như vai trò của nhà nước, chính phủ, các bộ ngành và địa phương trong xác định ưu tiên chiến lược, tạo khung chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao vai trò của các hiệp hội trong liên kết các doanh nghiệp.
 
Hà Anh