Tại các cảng biển lớn nhất nước Mỹ: Container vẫn 'tắc đường', chuỗi cung ứng bao giờ mới thông?

Diên Vỹ 11:55 | 11/08/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tại những cảng biển lớn nhất nước Mỹ, số lượng hàng hóa thông quan trong năm nay ước tính nhiều hơn hẳn cùng kỳ năm ngoái trong khi tình trạng tắc nghẽn các cảng chưa có dấu hiệu giảm bớt mà chỉ chuyển từ bờ Tây sang bờ Đông. Tờ MarketWatch nhận định đây có thể là một dấu hiệu khác cho thấy áp lực vẫn đang đè nặng lên chuỗi cung ứng, điều có thể dẫn đến những thách thức lớn cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng.

 

Container tiếp tục 'tắc đường'

Tổng số container tiêu chuẩn 20 foot (TEU) là một chỉ tiêu đánh giá hoạt động tổng thể tại các cảng biển. Trong 6 tháng đầu năm, MarketWatch cho biết có tổng cộng 26,4 triệu TEU đã được thông quan tại các cảng của Mỹ, lớn hơn con số 25,1 triệu TEU cùng kỳ năm 2021. 

Số lượng container chờ thông quan đã đạt đỉnh vào năm 2021, khi 9 cảng biển lớn nhất nước Mỹ đã xử lý tổng cộng 50,5 triệu container trong năm so với con số 43,4 triệu vào năm 2021 và 43,7 triệu vào năm 2019. Mức tăng lên tới hơn 16% đủ để gây ra sự tắc nghẽn nghiêm trọng tại các cảng biển, bất chấp những nỗ lực giảm thiểu tình trạng này như tăng giờ hoạt động của cảng, đề xuất thu phí container nằm quá lâu tại cảng…

Lượng hàng hóa thông quan tăng vọt được cho là kết quả từ sự thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Các gói hỗ trợ hàng nghìn tỷ USD được Chính phủ giải ngân là một trong những động lực kích thích chi tiêu tiêu dùng. 

Tuy nhiên, ông Brandon Roberts, người đứng đầu các hãng vận tải tại Dray Alliance, cho biết sự gia tăng đột ngột của nhu cầu cũng phần nào phản ánh sự bấp bênh của chuỗi cung ứng. 

“Đó (chuỗi cung ứng - PV) là một sự liên kết mang tính hệ thống rất phức tạp, tất cả được kết nối với nhau và từng mắt xích trong đó phải phối hợp, vận hành trôi chảy cùng nhau để hàng hóa được vận chuyển liền mạch… Từ cảng xuất xứ ở Trung Quốc cho đến tàu biển, cảng nhận hàng, xe tải tiếp nhận… đến kho nhận hàng và sau đó xa hơn nữa”, ông Brandon nhấn mạnh.

 Ảnh: Reuters

Sự cân bằng mong manh này thậm chí có nguy cơ sắp bị đảo lộn lần nữa khi người tiêu dùng chấm dứt thói quen mua sắm online mạnh mẽ. Một số dự báo cho rằng trong vài tháng tới, khi tác động của lạm phát cũng như nguy cơ suy thoái kinh tế hiện hữu rõ rệt hơn, nhu cầu có thể giảm xuống. Will Boettcher, giám đốc của bán hàng đa phương thức tại Loadsmart thậm chí cho rằng lượng container thông quan có thể chậm lại ngay mùa thu tới, bởi đã có hiện tượng các nhà bán lẻ giảm mạnh đơn đặt hàng do dấu hiệu thay đổi hành vi của người tiêu dùng.

Sức ép chuyển từ bờ Tây sang bờ Đông

Số liệu tổng hợp của MarketWatch cho thấy từ đầu năm đến nay, tải trọng nhập khẩu hàng hóa qua các cảng - một dấu hiệu phản ánh kỳ vọng của các nhà bán lẻ về nhu cầu tiêu dùng - đã tăng 5,8% so với năm 2021. Tuy nhiên, dữ liệu cũng phản ánh sự thay đổi về địa điểm tập kết của hàng hóa nhập khẩu.

Mặc dù các cảng bờ Tây vẫn chiếm tỷ trọng lớn về hoạt động nhập khẩu, theo dữ liệu, nhưng mức tăng 5,8% kể trên chủ yếu đến từ các cảng khác như cảng Charleston, New York / New Jersey, Virginia và Houston. Đây là những cảng ghi nhận tỷ lệ hàng hóa thông qua tăng hai con số.

Còn theo công ty nghiên cứu vận tải hàng hóa đường biển và đường hàng không Xeneta, trong 3 tháng gần nhất, công suất tàu giữa các cảng phương Đông đến bờ Đông nước Mỹ đã tăng 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Paul Brashier, Phó chủ tịch công ty hậu cần ITS, nhận định rằng các công ty đã chuyển cảng nhập khẩu vì một số lý do, chẳng hạn như quan ngại về tình trạng thiếu lao động và nguy cơ đình công của Liên minh Công nhân Bờ biển Quốc tế (ILWU). Ngoài ra, thời gian thông quan kéo dài tại các cảng lớn ở bờ Tây cũng khiến các cảng bờ Đông trở thành lựa chọn khả dĩ hơn. 

Cảng bờ Đông lớn nhất tính theo khối lượng, Cảng New York & New Jersey, đã thông báo trong tuần này về việc thu thêm phụ phí với các hãng vận tải biển trong nỗ lực giảm bớt tình trạng tắc nghẽn do số lượng container tăng lên đáng kể. Một biện pháp tương tự đã được công bố đối với Cảng Los Angeles và Long Beach vào tháng 10 năm ngoái, nhưng các quan chức tại cảng này vẫn tiếp tục trì hoãn việc thực hiện. Theo chính sách này, các quan chức cảng sẽ tính phí “Container Dwell Fee” với các hãng vận tải biển đối với mỗi container ở cảng lâu hơn 9 ngày, mức phí khởi đầu từ 100 USD/ ngày.

Trong một nỗ lực khác để giải tỏa sức ép cho các cảng, Bộ Giao thông Vận tải Mỹ (USDOT) cho biết tuần này rằng một dự án chia sẻ dữ liệu thí điểm chuỗi cung ứng nhằm giảm bớt tắc nghẽn tại các cảng đã bắt đầu trao đổi dữ liệu. Dự án được thực hiện với sự kết hợp của các nhà vận tải, chủ hàng, người bán buôn, nhà bán lẻ và cảng "để phát triển một công cụ kỹ thuật số cung cấp cho các công ty thông tin về điều kiện của một cảng hoặc khu vực trong chuỗi cung ứng". 

Nỗ lực được gọi là chương trình Tối ưu hóa Hậu cần Vận tải (FLOW), bao gồm 18 đơn vị tham gia ban đầu bao gồm FedEx, UPS, C.H Robinson, Albertsons, Target cũng như các cảng Long Beach và Los Angeles và các hãng vận tải biển CMA CGM và MSC và Fenix ​​Marine Terminal và Global Container Terminal. Đến nay, đã có 36 đơn vị tham gia, gồm công ty hậu cần khổng lồ DHL, nhà vận tải đường dài J.B. Hunt, Maersk, Samsung, Procter & Gamble và Prologis.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Hoa Kỳ Pete Buttigieg gọi chương trình này là "sáng kiến ​​đầu tiên nhằm chia sẻ thông tin, giúp quá trình vận chuyển hàng hóa nhanh chóng và giảm thiểu chi phí hơn".